Tổ 10, gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), đa số ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành, bởi Luật Viễn thông năm 2009 ban hành hơn 12 năm, đến nay một số chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước và các cam kết quốc tế liên đến viễn thông đã có sự thay đổi; thực tiễn xã hội cũng có bước phát triển mạnh mẽ dẫn đến quy định của Luật Viễn thông năm 2009 bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được đầy đủ yêu cầu quản lý, phát triển hạ tầng viễn thông mới, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.
Góp ý về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét cân nhắc việc đưa các dịch vụ: “dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ trung tâm dữ liệu” vào quản lý trong Luật Viễn thông, nhằm đảm bảo mục tiêu khuyến khích phát triển dịch vụ, huy động nguồn lực vốn và công nghệ từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực đầu tư nước ngoài; đồng thời đưa “dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông” vào nội dung điều chỉnh trong “Luật An ninh mạng” và “dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây” đưa vào “Luật Công nghệ thông tin” cho phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, dự thảo luật sử dụng cụm từ “Hoạt động viễn thông công ích”, nhưng chưa có quy định cụ thể thế nào là “Hoạt động viễn thông công ích”. Vì vậy, ban soạn thảo cần đưa vào giải thích từ ngữ, cho dễ hiểu, thuận lợi trong triển khai thực hiện.
Đối với quy định về viễn thông công ích, đại biểu Lý Thị Lan nêu thực tế tại Hà Giang là địa phương có 133/193 xã là xã vùng III, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Với địa hình chia cắt, dân cư thưa thớt, hiệu quả kinh doanh không đảm bảo nên các doanh nghiệp chưa có kế hoạch phát triển hạ tầng mạng viễn thông đến các thôn/bản vùng sâu, vùng xa.
Chương trình viễn thông công ích là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, mang lại ý nghĩa quan trọng đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới trong việc tiếp cận thông tin, phát triển kinh tế xã hội, giảm bớt khoảng cách số giữa các vùng miền. Do đó, việc duy trì Quỹ Viễn thông công ích là cần thiết. Để chương trình viễn thông công ích có thể triển khai nhanh, hiệu quả hơn trong thời gian tới, đại biểu đề nghị cần thiết bổ sung vào Chương III, dự thảo Luật viễn thông sửa đổi lần này một số nội dung định hướng như: quy định nguyên tắc, mô hình tổ chức, cơ chế thu chi để Quỹ viễn thông công ích hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn.
Cho ý kiến về kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông quy định tại Chương V, có ý kiến cho rằng, việc sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật là một chính sách đang được Nhà nước khuyến khích nhằm tránh việc các đơn vị thi công rải rác, không đồng bộ, ảnh hưởng đến quy hoạch, cảnh quan không gian. Việc kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc từ khâu quy hoạch cho đến tổ chức thực hiện. Mặc dù có hướng dẫn về cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung nhưng nội dung chưa được rõ ràng và gây nhiều vướng mắc khi áp dụng trên thực tế.
Do đó, một số ý kiến đề nghị xem xét bổ sung tại Điều 65 về Thiết kế, xây dựng công trình viễn thông và Điều 67 về Quản lý công trình viễn thông quy định về việc nên giao cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành ở địa phương là chủ đầu tư các công trình viễn thông và quản lý đơn giá cho thuê hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động dùng chung.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình quan tâm đến đảm bảo bí mật thông tin khách hàng, theo đó tại khoản b điểm 4 Điều 6 dự thảo luật quy định: Các doanh nghiệp viễn thông có thỏa thuận bằng văn bản với nhau về việc trao đổi cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông để phục vụ cho việc tính giá cước, lập hóa đơn và ngăn chặn hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Đại biểu đề nghị trong trường hợp doanh nghiệp viễn thông có thỏa thuận bằng văn bản với nhau về việc trao đổi cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông cần thông báo cho khách hàng để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viên thông.
Điểm a khoản 2 Điều 67 quy định: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phê duyệt quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; công bố, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương, đại biểu Nguyễn Văn Huy cho biết nội dung này chưa thống nhất, phù hợp với Luật Quy hoạch, cần rà soát phù hợp, đảm bảo thống nhất, đồng bộ.
Đối với quy định về chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông, đại biểu Hoàng Ngọc Định – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết, trong thực tiễn quản lý viễn thông, khi các đơn vị sự nghiệp (như quốc phòng, an ninh - không phải doanh nghiệp viễn thông) có quản lý, khai thác cơ sở hạ tầng viễn thông cần chia sẻ, trao đổi nhưng chưa được quy định cụ thể nên còn vướng mắc, bất cập. Vì vậy, dự thảo Luật đã bổ sung đối tượng của hoạt động chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông bao gồm thêm các đơn vị thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh bên cạnh đối tượng đã có là các doanh nghiệp viễn thông tại Điều 48 dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.
Về dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (dịch vụ OTT), dịch vụ Điện toán đám mây, Trung tâm dữ liệu, đại biểu nêu quan điểm, trước sự phát triển của khoa học công nghệ và thực tiễn xã hội hiện nay, việc đưa các nội dung trên vào luật là phù hợp để đảm bảo công tác quản lý nhà nước. Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu kỹ, đưa vào ở mức độ nào, điều chỉnh đến đâu để hài hòa giữa công tác quản lý nhà nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh và khuyến khích thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Để hoàn thiện dự thảo luật, các ý kiến tại Tổ 10 cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định các nội dung về “thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi giấy phép viễn thông” ngay trong dự thảo Luật mà không nên giao Chính phủ quy định. Luật viễn thông sửa đổi lần này cũng cần xem xét quy định chặt chẽ việc sử dụng SIM chính chủ, bổ sung trách nhiệm của nhà mạng, trách nhiệm của đại lý và trách nhiệm của người đứng tên thuê bao để khắc phục triệt để tình trạng SIM rác.
Quy định cụ thể hơn về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và khách hàng thụ hưởng, nhất là trong các vấn đề liên quan đến an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ bí mật đời tư cá nhân; quy định chặt chẽ việc bảo mật thông tin cá nhân, ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông trong việc trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông…