THẢO LUẬN TỔ 10: CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN CĂN CƯỚC NHẰM BẢO ĐẢM QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI GỐC VIỆT NAM TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ

10/06/2023

Sáng 10/6, thảo luận tại Tổ 10 về Dự án Luật Căn cước, đa số đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành luật nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, dự thảo Luật mở rộng đối tượng áp dụng đối với “người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam, nhưng chưa xác định được quốc tịch” sẽ giúp họ ổn định cuộc sống, có việc làm, con em được đến trường, bảo đảm quyền lợi trong giao dịch dân sự.

THẢO LUẬN TỔ 10: QUY ĐỊNH RÕ THẨM QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CƠ QUAN XỬ LÝ VI PHẠM CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ

Toàn cảnh thảo luận Tổ 10

Tổ 10, gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. Các ý kiến góp ý tại Tổ khẳng định, Luật Căn cước công dân năm 2014 đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp. Tuy nhiên bên cạnh các kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần xem xét để sửa đổi, bổ sung. Đại biểu cũng cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Căn cước nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực.

Góp ý dự thảo luật, đại biểu Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết, theo Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 31/3/2023 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3/2023 về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chính phủ đã thống nhất đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước.

Đại biểu Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

Đại biểu đồng tình với tầm quan trọng cần sửa đổi, bổ sung Luật Căn cước công dân, đặc biệt dự thảo Luật mở rộng đối tượng áp dụng đối với “người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam, nhưng chưa xác định được quốc tịch” là quy định mới và đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay, giúp các địa phương có cơ sở pháp lý giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong cấp giấy tờ tùy thân cho người gốc Việt không có quốc tịch nhưng đang cư trú tại Việt Nam. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần có những quy định cụ thể hơn liên quan đến quy định này để đảm bảo không xung đột với các luật khác như Luật Quốc tịch Việt Nam.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cũng bày tỏ đồng tình việc bổ sung đối tượng áp dụng là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Đại biểu nhấn mạnh, việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam sẽ giúp cho một bộ phận người gốc Việt Nam có nguyện vọng cần có một loại giấy tờ tùy thân, giúp họ ổn định cuộc sống, có việc làm, con em được đến trường, bảo đảm quyền lợi trong giao dịch dân sự, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước.

Về độ tuổi bắt buộc phải có căn cước công dân đối với trẻ em cũng nhận được sự quan tâm góp ý của đại biểu Quốc hội tại Tổ 10. Đại biểu Tráng A Dương đề nghị cân nhắc và đánh giá tác động của việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi tại Điều 20 của dự thảo luật; đánh giá đầy đủ nhu cầu cấp thẻ căn cước công dân của lứa tuổi này nên cấp căn cước công dân đối với lứa tuổi này như thế nào vì phần lớn trẻ em dưới 14 tuổi không tự mình (hoặc không được phép) thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự, đặc biệt là các giao dịch đòi hỏi thẻ căn cước công dân cần có cha, mẹ hoặc người giám hộ đại diện.

Đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Về vấn đề này, đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị xem xét quy định về độ tuổi cấp thẻ căn cước cho người từ đủ 6 đến dưới 14 tuổi theo nhu cầu vừa đảm bảo tính khả thi, vừa đảm bảo quyền, lợi ích của công dân để họ có thể tham gia vào các giao dịch dân sự, dịch vụ công, nhất là các dịch vụ thiết yếu thông qua cha mẹ, người giám hộ. Đồng thời; quy định rõ trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ người từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi trong việc quản lý, sử dụng thẻ căn cước công dân của đối tượng này.

Nêu ý kiến về giá trị sử dụng thẻ, đại biểu Lại Văn Hoàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, tại khoản 3, điều 21 dự thảo luật nêu: “Khi người dân xuất trình thẻ căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu người dân xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được in, tích hợp vào thẻ căn cước; trừ trường hợp thông tin của người dân đã được thay đổi, cải chính và thông tin trong thẻ căn cước không thống nhất với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”; khoản 4, Điều 23 quy định: “Việc sử dụng các thông tin tích hợp từ thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng các giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại khác”. Đại biểu cho rằng, thẻ căn cước không thể thay thế được một số giấy tờ đang sử dụng hiệu quả hiện nah như giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, thẻ ATM… Vì vậy, ban soạn thảo cần cân nhắc tính khả thi và hiệu quả; đồng thời tính toán hậu quả pháp lý phát sinh do sử dụng thông tin trong thẻ căn cước.

Một số đại biểu cũng quan tâm góp ý về nội dung trong căn cước và thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc nội dung quy định tại điểm i (nơi đăng ký khai sinh) và điểm l (nơi cư trú) để quy định bảo đảm thống nhất; đề nghị quy định cụ thể ngay trong dự thảo Luật những “thông tin được lưu trữ trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa” để bảo đảm việc triển khai thi hành Luật được rõ ràng. Đại biểu Trần Thị Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị bổ sung trường thông tin “Nhóm máu” trên thẻ căn cước bảo đảm thuận tiện khi sử dụng trong một số trường hợp cấp bách.

Đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Về nội dung trên thẻ căn cước, đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết, tại điểm i khoản 1 dự thảo Luật quy định về các nội dung thể hiện trên thẻ căn cước gồm bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa và thông tin được in trên thẻ gồm: “i) Nơi đăng ký khai sinh”. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Hộ tịch năm 2014 và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch thì đăng ký khai sinh, gồm: Đăng ký khai sinh và đăng ký lại khai sinh.

Đại biểu nêu thực tiễn hiện nay, có không ít người phải đăng ký lại khai sinh, trường hợp phải đăng ký lại khai sinh, mà nơi đăng ký và cơ quan đăng ký lại khai sinh khác với nơi đăng ký và cơ quan đăng ký khai sinh lần đầu, thì sẽ ảnh hưởng đến thông tin ghi trên thẻ căn cước, dẫn đến phải điều chỉnh thông tin Nơi đăng ký khai sinh trên thẻ căn cước. Nếu nơi đăng ký và cơ quan đăng ký lại khai sinh ở tỉnh khác thì phải thu hồi thẻ căn cước, hủy bỏ mã định danh và thực hiện thủ tục cấp mã định danh và thẻ căn cước mới theo mã tỉnh đã đăng ký lại khai sinh.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, nếu vẫn quy định thông tin “Nơi đăng ký khai sinh”, thì có thể thống nhất quy định “Nơi đăng ký khai sinh lần đầu”, để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Hộ tịch, đồng thời tránh việc phải điều chỉnh, sửa đổi thông tin trên thẻ căn cước mỗi khi công dân đăng ký lại khai sinh.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu quan điểm, đây là Luật liên quan đến nhiều nội dung về thu thập, quản lý, khai thác, sử dụng, chia sẻ nhiều thông tin liên quan trực tiếp đến con người, đến quyền bảo vệ dữ liệu, thông tin bí mật đời tư cá nhân được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Do vậy, các quy định trong Luật cần đảm bảo cụ thể, rõ ràng, tránh việc nêu chung chung và không rõ khái niệm, có thể gây ra những lo ngại không đáng có của cử tri và nhân dân. Những thông tin được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước và Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư cần được cụ thể, rõ phạm vi và nội hàm thông tin, và cần thống nhất quan điểm và nguyên tắc là các thông tin trong các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước phải hoàn toàn khác so với dữ liệu trong hồ sơ theo dõi, hồ sơ điều tra hình sự, hồ sơ tội phạm, hồ sơ phản gián,… mà các cơ quan chức năng thực hiện theo thẩm quyền.

Cùng quan điểm này, đại biểu Lại Văn Hoàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cũng đề nghị quy định thẩm quyền khai thác của từng loại thông tin,trách nhiệm của từng cơ quan trong việc khai thác thông tin để đảm bảo an toàn bảo mật thông tin của công dân.

Góp ý về thẩm quyền của Bộ Công an, có ý kiến đề nghị sửa nơi cấp từ “Bộ Công an” sang “Cơ quan công an cấp tỉnh” vì hiện nay ngành Công an đã kết nối toàn quốc, cơ sở dữ liệu là chia sẻ; không nhất thiết phải chuyển toàn bộ căn cước cả nước về in và cấp tại Bộ Công an. Quy định như vậy cũng là để nâng cao trách nhiệm của Giám đốc Công an các tỉnh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số hiện nay… Bên cạnh đó, về trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước, một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước đối với nội dung thu hồi thẻ căn cước.

Một số hình ảnh tại Tổ 10:

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Tổ 10.

Đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang phát biểu.

Đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị cân nhắc quy định về độ tuổi cấp căn cước.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đánh giá cao việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với người gốc Việt đang sinh sống tại VIệt Nam.

Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đồng tình với nội dung thông tin trong dữ liệu căn cước trong dự thảo luật.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Căn cước.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Đại biểu Trần Văn Sáu - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Đại biểu Lại Văn Hoàn góp ý hoàn thiện dự thảo Luật căn cước.

Đại biểu Ngô Đông Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình điều hành nội dung thảo luận Tổ 10

Lan Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác