THẢO LUẬN TẠI TỔ 1: LÀM THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN CHO ĐỐI TƯỢNG DƯỚI 14 TUỔI GÓP PHẦN GIẢM BỚT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, CÁC LOẠI GIẤY TỜ

10/06/2023

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội thống nhất cao với việc làm thẻ căn cước công dân cho đối tượng dưới 14 tuổi. Theo các đại biểu, việc làm này sẽ góp phần giảm bớt thủ tục hành chính, các loại giấy tờ và góp phần quản lý thông tin cho người dân được hiệu quả hơn.

THẢO LUẬN TẠI TỔ 1: CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ

THẢO LUẬN Ở TỔ 1: CẦN CÓ CƠ CHẾ KIỂM SOÁT CHẶT CHẼ VIỆC LỢI DỤNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT TRỒNG LÚA ĐỂ ĐẦU CƠ ĐẤT NÔNG NGHIỆP

 

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 1.

Sáng 10/6, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Tại phiên thảo luận tại Tổ, đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tp.Hà Nội thống nhất với việc sửa đổi Luật Căn cước công dân nhằm phục vụ tốt hơn công tác quản lý dân cư, căn cước, tạo thuận lợi cho Nhân dân trong việc đi lại, thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại…

Đề cập về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định tại Điều 10 của dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, cần bổ sung vào kho lữu trữ dữ liệu để tăng cường dữ liệu quốc gia và hiệu lực quản lý thông tin. Tuy nhiên, cần cụ thể thông tin, đối tượng nào bắt buộc phải đưa vào kho dữ liệu, đối tượng và thông tin nào thì không phải bắt buộc.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan.

Ngoài ra, Điều 23 của dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) tích hợp thông tin vào thẻ căn cước để giảm bớt thủ tục giấy tờ, tránh thất lạc giấy tờ, thuận lợi cho  cơ quan trong giao dịch, cải cách thủ tục hành chính và thuận lợi cho người dân trong việc giảm chi phí, thời gian đi lại. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, việc tích hợp này cần hạ tầng tốt để bảo vệ dữ liệu, tránh thất thoát, làm lộ bí mật thông tin của người dân.

Cần thiết làm thẻ căn cước công dân cho đối tượng dưới 14 tuổi

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), đại biểu Thích Bảo Nghiêm nhất trí với Ban soạn thảo đề cập việc đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số trong dự án Luật. Bên cạnh đó là việc hoàn thành xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm 100% dân số được đăng ký và quản lý.

Đại biểu Thích Bảo Nghiêm cũng đánh giá cao quá trình soạn thảo dự án Luật đã tạo bước ngoặt đột phá về chuyển đổi số trên tất cả lĩnh vực và đồng thuận với khoản 10 Điều 10 về bổ sung kê khai nhóm máu cho bảo vệ sức khoẻ công dân trong trường hợp cấp bách. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo dự án Luật cũng bổ sung đối tượng được cấp thẻ căn cước công dân (Điều 20) là người dưới 14 tuổi thực hiện cấp thẻ căn cước theo nhu cầu. Việc làm này sẽ góp phần giảm thiểu các giấy tờ mang theo cho người dân. Ngoài ra, đóng góp thêm vào dự án Luật, đại biểu Thích Bảo Nghiêm đề xuất bổ sung mục Họ tên thường dùng vào khoản 1 Điều 10.

Đại biểu Quốc hội Thích Bảo Nghiêm.

Đồng thuận với quan điểm bổ sung đối tượng được cấp thẻ căn cước công dân là người dưới 14 tuổi thực hiện cấp thẻ căn cước theo nhu cầu, đại biểu Nguyễn Hải Trung cho rằng, việc làm này rất thuận tiện cho các cháu dưới 14 tuổi trong việc kê khai giấy tờ khi đi học, khám chữa bệnh hay tham gia vào các hoạt động giao thông vận tải công cộng. Việc làm thẻ căn cước công dân cho đối tượng này cũng góp phần quản lý dữ liệu, thông tin cá nhân được tốt hơn bởi nếu dùng giấy khai sinh có thể bị hư hỏng, cũ nát nên dễ ảnh hưởng đến độ chính xác của thông tin cá nhân và người khác có thể sử dụng thay thế được. Để đảm bảo cơ sở dữ liệu thông tin được tốt hơn, đại biểu Nguyễn Hải Trung yêu cầu trong dự án Luật cần đề cập rõ hơn về hạ tầng để bảo mật dữ liệu cá nhân.

Về đối tượng áp dụng của dự án Luật, đại biểu Nguyễn Hải Trung đồng thuận với phần điều chỉnh là người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Việc làm này cũng góp phần đảm bảo việc quản lý những người này đang sinh sống, làm việc tại nước ta một cách khoa học hơn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Trung.

Trong khuôn khổ phiên họp Tổ, các ĐBQH Tp.Hà Nội còn cho ý kiến vào dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Theo đó, các ĐBQH cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Viễn thông (sửa đổi) với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm thể chế hóa nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việc sửa đổi Luật Viễn thông cũng nhằm thể chế hóa kịp thời những yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện các cam kết quốc tế; góp phần phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực viễn thông, thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số; đồng thời, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật hiện hành, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Luật Viễn thông thời gian qua.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu kết luận.

Phát biểu kết luận Phiên thảo luận, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai ghi nhận những ý kiến đóng góp của các ĐBQH đối với dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) và dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Thông qua những ý kiến, đề xuất, Tổ Thư ký của Đoàn sẽ tổng hợp, rà soát lại trước khi Quốc hội xem xét, đóng góp ý kiến về các dự án Luật này tại Hội trường.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận ở Tổ 1:

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 1 về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) và dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). 

Các đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 1.

Đại biểu Lê Nhật Thành đề cập về việc đổi tên dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) thành Luật Căn cước và giải pháp bảo đảm việc khai thác thông tin tích hợp trong thẻ căn cước được an toàn, bảo mật, thuận lợi.

Đại biểu Tạ Đình Thi khẳng định về sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Viễn thông nhằm thể chế hóa chủ trương, Nghị quyết của Đảng. Trong đó, thúc đẩy hạ tầng số; từ nay đến năm 2025 phát triển kinh tế số đóng góp vào GDP vào khoảng 20%.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu kết luận tại Phiên thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) và dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi)./.

Bích Lan - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác