KHẢO SÁT THỰC TẾ VIỆC KHAI THÁC, SẢN XUẤT KINH DOANH NƯỚC SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TP.HÀ NỘI
THẢO LUẬN TẠI TỔ 1: ĐẢM BẢO ĐỒNG BỘ VỀ CƠ SỞ HẠ TẦNG KHI XÂY DỰNG NHÀ CHUNG CƯ ĐỂ PHỤC VỤ NGƯỜI DÂN
Thực hiện kỳ họp thứ 5, chiều 05/6, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 83 điều và được bố cục thành 10 chương. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 9 điều; sửa đổi, bổ sung 59 điều; bổ sung mới 15 điều) và bãi bỏ 13 điều.
Lồng ghép lấy ý kiến của cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước
Tại phiên thảo luận tại Tổ 1, đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thống nhất với việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh cần tăng cường bảo đảm an ninh nguồn nước, khắc phục những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý tài nguyên nước hiện nay; đổi mới và hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý tài nguyên nước; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước; đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn ở lưu vực sông...
Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 1 chiều 05/6.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh nội dung khoản 16 Điều 3 Dự thảo Luật Tài nguyên nước về “khả năng chịu tải của ngườn nước” để bảo đảm đồng bộ với quy định tại khoản 23 Điều 3 của Luật Bảo vệ môi trường về khả năng chịu tải của môi trường. Bên cạnh đó là đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện nội dung Điều 34 về phòng, chống ô nhiễm nước biển với các quy định về bảo vệ môi trường nước biển (Điều 11 Luật Bảo vệ môi trường) và các quy định về kiểm soát ô nhiêm môi trường biển và hải đảo trong Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Tại Khoản 5 Điều 33 quy định “Các hồ chứa, đập dâng và công trình khai thác, sử dụng nước khác khai thác nước không hiệu quả, gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng thì phải cải tạo, nâng cấp, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc phá dỡ.” Đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị bổ sung thêm các đối tượng như đập ngăn mặn, cống ngăn mặn, đê chắn sóng,... để bảo đảm bao quát đầy đủ các công trình trong thực tiễn, trên cơ sở đó giao Chính phủ quy định chi tiết.
Khoản 6 Điều 33 quy định “Trường hợp sử dụng mặt nước sông, suối, hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh du lịch, giải trí, điện mặt trời và các hoạt động khác có sử dụng mặt nước thì tổ chức, cá nhân sử dụng mặt nước phải được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản”. Trong thực tiễn sẽ phát sinh trường hợp sử dụng mặt nước để xây dựng công trình điện gió. Do đó, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị chỉnh sửa cụm từ “điện mặt trời” thành “năng lượng tái tạo”.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà.
Về việc đầu tư xây dựng dự án trong đó có xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước có ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân cơ bản thuộc đối tượng phải đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường. Do đó, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu việc lồng ghép thực hiện thủ tục “Lấy ý kiến của cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước” quy định tại khoản 7 Điều 44 của Dự thảo Luật với thủ tục “Tham vấn trong đánh giá tác động môi trường” quy định tại Điều 33 Luật Bảo vệ môi trường; tham vấn ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo trình tự, thủ tục cấp giấy phép môi trường quy định tại khoản 2 Điều 43 của Luật Bảo vệ môi trường nhằm tăng cường cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí đầu tư cho Chủ dự án. Bên cạnh đó là đề nghị rà soát, hoàn thiện, bổ sung quy định cụ thể ngay trong Luật này về phân cấp thẩm quyền cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo hạn ngạch khai thác, hạn ngạch sử dụng nước.
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng, dự án Luật đã được Chính phủ chuẩn bị công phu, có tiếp thu kinh nghiệm của quốc tế. Việc sửa đổi Luật này là kịp thời, đúng thời điểm xu thế cuộc sống hiện nay cũng như tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước. Nội dung sửa đổi Luật Tài nguyên nước tương đối toàn diện, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, bất cập hiện nay.
Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi.
Về quản lý nguồn nước theo lưu vực sông, đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng, cần có công cụ quản lý tài nguyên nước ở lưu vực sông cũng như đề nghị bổ sung trách nhiệm của các Bộ ngành, Tổ chức lưu vực sông và các bên liên quan trong xác định dòng chảy tối thiểu. Bên cạnh đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Tổ chức lưu vực sông, đặc biệt là chức năng về điều tra, đánh giá trữ lượng nước, lập quy hoạch; điều hòa khai thác, sử dụng nước; giám sát khai thác, sử dụng nước, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái… để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước lưu vực sông.
Ngoài ra, hiện nay, nguồn lực hoạt động của Hội đồng lưu vực sông còn khiếm tốn nên đề nghị cần quy định nguồn lực để bố trí hoạt động hiệu quả hơn. Mặt khác, trong dự án Luật nên có quy định rõ hơn về hoạt động quản lý nước ở lưu vực sông một cách linh hoạt, hiệu quả hơn.
Cần giảm tải các điều khoản để chờ Chính phủ xem xét mới thi hành
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Lan đánh giá rất cao sửa đổi Luật Tài nguyên nước, cơ bản đáp ứng những đòi hỏi thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, trong Luật Tài nguyên nước năm 2012 có nhiều điểm bất cập nên cần rà soát toàn bộ Luật này.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, hiện trong dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có 21 điều khoản giao cho Chính phủ xem xét thi hành. Vì vậy, cần giảm tải các điều khoản đề chờ Chính phủ xem xét mới thi hành. Ngoài ra, trong dự án Luật cần quy định gộp chung trách nhiệm của các các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương thực hiện việc điều tiết nước hồ chứa phục vụ sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và các ngành kinh tế khác theo phương án điều hoà, phân phối tài nguyên nước khi xảy ra hạn hán, thiếu nước; quyết định việc hạn chế phân phối nguồn nước cho các hoạt động sử dụng nhiều nước, chưa cấp thiết.
Còn đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt cho rằng, Ban soạn thảo dự án Luật cần đưa thêm các giải pháp để đổi phó với vỡ đập, an toàn đập và hồ chứa nước; làm rõ hơn về công trình cấp nước. Bên cạnh đó, cũng cần đề cập rõ hơn trách nhiệm của các Bộ ngành về an ninh nguồn nước.
Trong khuôn khổ phiên thảo luận, các đại biểu của Tổ 1 còn đóng góp ý kiến đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đa số cắc ĐBQH thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu kết luận tại Phiên thảo luận.
Phát biểu kết luận Phiên thảo luận, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai ghi nhận những ý kiến đóng góp của các ĐBQH đối với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Thông qua những ý kiến, đề xuất, Tổ Thư ký của Đoàn sẽ tổng hợp, rà soát lại trước khi Quốc hội xem xét, đóng góp ý kiến về các dự án Luật này tại Hội trường.
Một số hình ảnh tại phiên họp Tổ 1:
Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 1 chiều 05/6.
Các đại biểu tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 1.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Duyệt đề cập về giải pháp để đổi phó với vỡ đập, an toàn đập và hồ chứa nước.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường đóng góp ý kiến vào dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Đại biểu Phạm Đức Ấn đề cập về tăng quy mô vốn điều lệ cho các tổ chức tín dụng./.