THẢO LUẬN TỔ 10: RÀ SOÁT CÁC QUY ĐỊNH TRONG DỰ THẢO LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI) TRÁNH CHỒNG CHÉO, XUNG ĐỘT VỚI CÁC LUẬT CHUYÊN NGÀNH

05/06/2023

Tiếp tục Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng ngày5/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Thảo luận tại Tổ 10 đa số ý kiến tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở; đồng thời, đề nghị ban soạn thảo rà soát tính thống nhất với hệ thống pháp luật chuyên ngành, quan tâm đến vấn đề nhà ở xã hội; thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương trong thực hiện chính sách về nhà ở.

THẢO LUẬN TỔ 10: ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG QUY ĐỊNH NGƯỜI ĐƯỢC BỎ PHIẾU TÍN NHIỆM TRÌNH BÀY Ý KIẾN TRƯỚC QUỐC HỘI, HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Tổ 10 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hà Giang, Thái Bình, Đồng Tháp.

Thảo luận tại Tổ 10 về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật; Các nội dung lớn của dự thảo Luật như: nhóm các quy định về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, về chính sách phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân...; Sự phù hợp của nội dung dự thảo Luật với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; Tính khả thi của các quy định trong dự thảo Luật để khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật Nhà ở năm 2014.

Toàn cảnh thảo luận Tổ 10 về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Cho ý kiến về sự cần thiết sửa đổi luật, đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện. Sau 8 năm thực hiện luật nhà ở hiện hành, các quy định của luật đã đi vào nề nếp, tổ chức thực hiện hiệu quả và thành công, huy động tối đa nguồn vốn bên ngoài, nguồn nội lực để xây dựng nhà ở đô thị, nhà ở nông thông, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhiều nhà chung cư ở các đô thị lớn đã được hình thành và phát triển. Tuy nhiên, việc thực thi Luật Nhà ở hiện hành đã có một số tồn tại, hạn chế như trong Tờ trình của Chính phủ và báo cáo của cơ quan thẩm tra đã nêu, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để khắc phục những bất cập, hạn chế.

Các ý kiến tại Tổ 10 cũng cho rằng, dự thảo Luật còn có một số quy định xung đột, chưa thống nhất với các luật hiện hành và các dự thảo luật đang trình Quốc hội tại kỳ họp này, như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)... Đại biểu cũng nêu một số quy định của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang chồng chéo với Luật Đất đai (sửa đổi); đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) là Bộ Xây dựng cần phối hợp rà soát các quy định đảm bảo thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo.

Khoản 1 Điều 72 của dự thảo Luật quy định trường hợp nhà chung cư phải phá dỡ mà theo quy hoạch được xây dựng lại thì các chủ sở hữu được bố trí tái định cư tại chỗ và phải đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này, điểm a khoản 3 Điều 79 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở thuộc trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn giữa 02 luật. Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐQQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị các vấn đề liên quan đến đất đai, cần xác định Luật Đất đai là luật chính, cần dẫn chiếu sang Luật Đất đai.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Đối với quy định về Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh (từ Điều 25 đến Điều 31), có ý kiến đề nghị chỉnh lý chặt chẽ hơn một số nội dung của chương trình phát triển nhà ở để tránh tình trạng can thiệp hành chính quá mức cần thiết vào quan hệ thị trường bất động sản; rà soát lại nội dung của kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh để tránh trùng lặp, chồng chéo với các nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện quy định tại các luật chuyên ngành. Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị việc rà soát trình tự, thủ tục phê duyệt, thông qua chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh, không cần thiết lấy ý kiến Bộ Xây dựng nhằm bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với nội dung đã được phân cấp. Tuy nhiên, đối với thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh cần quy định như luật hiện hành, lấy ý kiến Bộ Xây dựng.

Cho ý kiến về bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội (Điều 80), đa số ý kiến tại Tổ 10 tán thành với các quy định của dự thảo luật. Để bảo đảm tính minh bạch, khả thi và nâng cao trách nhiệm thực thi của chính quyền địa phương, một số đại biểu đề nghị bổ sung quy định tỷ lệ phần trăm tối thiểu của tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mà ngân sách địa phương được hưởng phải dành cho việc phát triển nhà ở xã hội.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nêu quan điểm, không nên quy định dành 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội đối với khu vực có vị trí đắc địa mà nên quy ra thành tiền để nhà nước xây dựng ở khu vực khác phù hợp hơn, để những người có thu nhập tương đồng cùng sinh sống; nếu quy định cứng các dự án đều dành 20% quỹ đất xây nhà ở thương mại dễ dẫn đến tiêu cực, đầu cơ tại những khu nhà có vị trí thuận lợi, giữa trung tâm các thành phố lớn.

Về nhà ở công vụ, đại biểu Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị không nên quy định nhà ở công vụ xây dựng tại trung tâm xã, bởi với nhà công vụ của giáo viên nằm tại các điểm trường xa trung tâm xã, vì vậy sửa đổi quy định đối với nhà công vụ ở các xã đặc biệt khó khăn có thể xây tại thôn, bản gần điểm trường.

Về giải thích từ ngữ, đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị nghiên cứu xem xét khái niệm nhà ở xã hội cho phù hợp với bối cảnh hiện nay, có thể xem xét thay cụm từ nhà ở xã hội thành: nhà ở theo chương trình phát triển đô thị hoặc nhà ở theo chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung các loại hình nhà ở được hỗ trợ bởi các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong luật, như nhà ở đại đoàn kết, nhà tình thương, nhà ở bảo trợ xã hội, nhà ở trẻ em mồ côi, nhà ở cho sinh viên, nhà ở trong khu trường nội trú, bán trú của học sinh dân tộc miền núi, nhà ở kết hợp với các công trình đa năng phục vụ cho cộng đồng… để công tác quản lý được tốt hơn.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 5 của dự thảo luật như nghiêm cấm hành vi phân biệt về giới trong đầu tư nhà ở xã hội, mua thuê nhà ở, xác lập quyền sở hữu nhà ở; nghiêm cấm lấn chiếm không gian ở khu đô thị, nghiêm cấm nuôi động vật có khả năng gây nguy hiểm cho người khác…

Một số hình ảnh tại phiên họp Tổ 10:

Toàn cảnh thảo luận Tổ 10, gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, Thái Bình, Đồng Tháp.

Đại biểu nghiên cứu tài liệu.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại thảo luận Tổ.

Đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang góp ý về nhà ở công vụ.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đánh giá cao ban soạn thảo đã bổ sung lực lượng vũ trang được mua nhà ở xã hội trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)

Các đại biểu Tổ 10.

Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình góp ý tại phiên thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị nghiên cứu, sửa đổi khái niệm nhà ở xã hội.

Lan Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác