THẢO LUẬN TẠI TỔ 9: VIỆC LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM, BỎ PHIẾU TÍN NHIỆM CẦN CỤ THỂ HÓA QUY ĐỊNH 96-QĐ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ

30/05/2023

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 30/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự phiên thảo luận ở Tổ 9.

THẢO LUẬN TẠI TỔ 9: HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ CÔNG AN NHÂN DÂN ĐỂ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Toàn cảnh thảo luận tại Tổ 9

Tổ 9 gồm 26 đại biểu thuộc các Đoàn ĐBQH: Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bến Tre. Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy điều hành nội dung thảo luận.                        

Qua thảo luận, đa số các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan chuẩn bị công phu, nghiêm túc theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5.

Các ý kiến cũng nhất trí trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 5 theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm bảo đảm việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND theo quy định mới sẽ được thực hiện tại kỳ họp cuối năm 2023, đáp ứng yêu cầu tại Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Phát biểu tại phiên thảo luận về nội dung này, Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, sau khi thảo luận và xin ý kiến các bộ ngành, tinh thần sửa Nghị quyết 85/2014/QH13 của Quốc hội lần này chủ yếu là luật hóa Quy định 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị, đó là chức danh do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Còn đối với các chức danh bổ nhiệm như Chủ tịch HĐND quận của các đơn vị thí điểm thì phải sửa các Nghị quyết thí điểm và liên quan đến vấn đề đánh giá tác động. Trong khi đối tượng Chủ tịch HĐND quận cũng được lấy phiếu tín nhiệm ở tổ chức Đảng, Chủ tịch HĐND cấp trên có trách nhiệm thông qua, và Chủ tịch HĐND Tp.Hồ Chí Minh và Tp.Đà Nẵng quyết định chức Chủ tịch HĐND quận.

Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, đây còn là lấy phiếu tín nhiệm ở các quy định khác như cụ thể hóa hướng dẫn Quy định 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo cần lý giải rõ hơn về lý do về việc dự thảo Nghị quyết không đưa một số chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn vào diện được lấy phiếu tín nhiệm, chẳng hạn như Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Phó Trưởng Ban của HĐND, Hội thẩm Tòa án nhân dân.

Còn đa số ý kiến của Ủy ban Pháp luật thống nhất việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND theo quy định mới nhằm thể chế hóa Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị vì phạm vi điều chỉnh gọn và rõ ràng.

Đối với chức danh bổ nhiệm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, vấn đề này đã có quy trình lấy phiếu tín nhiệm và bổ nhiệm theo Nghị quyết thí điểm và theo quy định của Trung ương.

Cùng quan tâm đến nội dung này, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nêu rõ, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn cần phải quán triệt Quy định số 96-QĐ/TW, cụ thể hóa đối với những chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. 

Theo đại biểu, việc quy định cấp ủy nhận xét, đánh giá là căn cứ quan trọng để đại biểu Quốc hội có cơ sở tham khảo để đánh giá, nhìn nhận toàn diện hơn đối với đội ngũ cán bộ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, quy trình này đã rõ, nhưng Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, đại biểu Quốc hội không thể cảm tính nhận xét, đánh giá các trường hợp lấy phiếu tín nhiệm. Ngoài việc phải có báo cáo kiểm điểm việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của các đồng chí này thì bên cấp ủy cũng cần đánh giá kê khai tài sản, đánh giá liên quan đến vấn đề sinh hoạt hai chiều ở địa phương. Do vậy, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng nhận thấy, đây là nội dung cần làm rõ để giúp cho đại biểu Quốc hội có cái nhìn đầy đủ nhất đối với đối tượng lấy phiếu tín nhiệm. Nếu quá trình chuẩn bị không l kỹ thì sẽ để lại nhiều hệ lụy.

Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng cho biết, trên cơ sở Tờ trình của Ban Công tác đại biểu, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật rất rõ. Tuy nhiên đề nghị một số khái niệm, thuật ngữ cần được làm rõ hơn như: khái niệm “lấy phiếu”, “bỏ phiếu”, “hệ quả của lấy phiếu”, “dấu hiệu mất tín nhiệm”… Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, thuật ngữ “hệ quả của lấy phiếu” là chưa phù hợp vì đây là sử dụng kết quả lấy phiếu vì để đánh giá, để giám sát và có hướng xử lý cụ thể. Đồng thời có thể chia 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Do vậy, đề nghị nên có thái độ rõ ràng ở các mức độ tín nhiệm.

Về khái niệm “dấu hiệu mất tín nhiệm”, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng đề nghị cần lượng hóa “dấu hiệu” đó là gì, quy định cụ thể, không nên dùng từ “dấu hiệu”.

Đại biểu nêu rõ, hiện có sự khác nhau giữa Tờ trình và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với quy định về lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận tại thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng nhận thấy, trong hệ thống chính trị, với những vị trí đặc biệt như vậy thì cần phải kiểm soát quyền lực, đây là trường hợp đặc thù, cần đưa vào trường hợp đối tượng cần phải lấy phiếu, vì đây là cơ sở cho HĐND, Thành ủy đánh giá đội ngũ cán bộ này. Đại biểu bày tỏ tán thành quy định này theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, đề nghị cần thống nhất quy định này cho rõ ràng.

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên

Về căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, có ý kiến đề nghị bổ sung vào điểm d khoản 2 Điều 6 nội dung về kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 8 quy định nghiêm cấm đối với các tổ chức, cá nhân khác (không chỉ người được lấy phiếu, người ghi phiếu) có hành vi làm ảnh hưởng đến tính khách quan, chính xác của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm như việc khiếu nại, tố cáo, cung cấp thông tin sai sự thật, làm rõ nội hàm của hành vi “vận động” trong quy định cấm... Đồng thời, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, chỉnh lý lại tên Điều 8 cho phù hợp vì nội dung của Điều này không chỉ quy định các hành vi bị nghiêm cấm mà cả việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Cũng tại phiên họp, các đại biểu thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh./.

Một số hình ảnh tại Tổ 9:

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy điều hành nội dung thảo luận tại Tổ 9.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 9

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Đại biểu Lê Văn Thìn - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Bích Ngọc - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác