THẢO LUẬN TẠI TỔ 1: ƯU TIÊN GIẢM THUẾ, LÃI SUẤT CHO VAY ĐỂ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI SẢN XUẤT KINH DOANH

25/05/2023

Thảo luận tại Tổ 1 sáng 25/5 về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội cho rằng, để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cần ưu tiên giảm thuế giá trị gia tăng, lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh…

KỊP THỜI GIẢI NGÂN VỐN VÀ ĐẢM BẢO ĐÚNG THỜI HẠN THỰC HIỆN THEO CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI

Sáng 25/5, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở Tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 1 gồm các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

Theo Báo cáo, trong bối cảnh rất khó khăn, chúng ta vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch. Nhiều chỉ tiêu tốt hơn số đã báo cáo Quốc hội, như: GDP năm 2022 tăng 8,02% (đã báo cáo là 8%); CPI bình quân tăng 3,15% (đã báo cáo là khoảng 4%); thu ngân sách Nhà nước tăng 12,5%, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ cấp thiết khác.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, khó khăn được chỉ ra, trong đó có hai chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch. Giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt yêu cầu. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động, tiếp cận vốn, chi phí sản xuất kinh doanh tăng, thị trường sản phẩm xuất khẩu bị thu hẹp. Những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.

Trong Phiên thảo luận ở Tổ 1, các đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tp.Hà Nội đều đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện phát triển kinh tế năm 2022 cũng như tập trung thảo luận về các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh: Mặc dù trong 3 năm qua, tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường nhưng an ninh quốc phòng trong nước vẫn ổn định, công tác đối ngoại phát triển. Người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, dưới tác động của đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế-xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của Nhân dân ở trong nước đã bị ảnh hưởng.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, thực tế đối phó với đại dịch Covid-19, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã rất khó khăn để duy trì sản xuất và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Dự báo, tình hình này còn tiếp diễn trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện nay, lãi suất cho vay ở các ngân hàng thương mại vẫn còn cao nên doanh nghiệp còn gặp khó khi tiếp cận với nguồn vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh sau tác động của dịch bệnh Covid-19. Chính vì vậy, Chính phủ cần có các giải pháp tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn để duy trì sản xuất, thúc đẩy hoạt động kinh doanh như bằng cách giảm lãi suất cho vay.

Ủng hộ giảm thuế giá trị gia tăng với các mặt hàng và với các hộ, cá nhân kinh doanh

Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Lê Quân cho rằng, cần có sự điều chỉnh mạnh mẽ hơn về chính sách tiền tệ như hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp để họ có thể tính toán cân đối kinh doanh và tránh rủi ro trong sản xuất. Khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được phục hồi và phát triển thì mới có thể tạo công ăn việc làm và “giữ chân” được lao động làm việc cho doanh nghiệp đó.

Đại biểu Lê Quân ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính về giảm thuế giá trị gia tăng với tất cả các hàng hóa, dịch vụ và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Ngoài giải pháp trên, đại biểu Lê Quân còn ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính là giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 10%. Điều này cũng là để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh doanh tốt hơn.

Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Quân, việc giảm thuế nếu chỉ tính đến hết năm 2023 thì không thể đánh giá được hết hiệu quả của chính sách hỗ trợ giảm thuế. Vì vậy, Quốc hội nên xem xét kéo dài thời gian hỗ trợ doanh nghiệp đến ngày 01/7/2024 hoặc hết năm 2024.

Đồng thuận với việc giảm thuế giá trị gia tăng, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, trong năm 2022, thu ngân sách Nhà nước tăng 12,5%, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ cấp thiết khác. Vì vậy, việc giảm thuế giá trị gia tăng để kích thích tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết để góp phần tăng trưởng kinh tế. Thời gian hỗ trợ giảm thuế không nên chỉ 6 tháng cuối năm 2023 mà nên kéo dài sang năm 2024 theo chiều hướng cân đối ngân sách, đánh giá hiệu quả chính sách.


Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm tại Phiên thảo luận Tổ.

Trong khuôn khổ Phiên thảo luận tại Tổ, nhiều ĐBQH còn đóng góp ý kiến vào Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; Việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Phát biểu kết luận Phiên thảo luận tại Tổ 1, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các ĐBQH đối với các nội dung đưa ra. Những ý kiến, đề xuất đóng góp sẽ được Tổ Thư ký tổng hợp đầy đủ trước khi trình lên Quốc hội xem xét, cho ý kiến về các nội dung tại Hội trường.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận:


Phó trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại Phiên thảo luận.

Đại biểu Phạm Đức Ấn đề cập về đổi mới thể chế để giải ngân nhanh vốn đầu tư công.

Đại biểu Tạ Đình Thi đóng góp ý kiến về việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội và một số nội dung khác.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy nêu quan điểm về chú trọng giải quyết việc làm cho lao động sau 40 tuổi.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh đề xuất về phát triển du lịch thông qua việc kéo dài thời gian cấp Visa cho du khách nước ngoài.

Đại biểu Trương Xuân Cừ đề cập về giải quyết bảo hiểm y tế cho người cao tuổi. 

Đại biểu Khuất Việt Dũng cho ý kiến về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan nêu quan điểm về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận Phiên thảo luận Tổ./.

Bích Lan - Trọng Quỳnh