TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 24/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ
Tổ 14 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Hải Dương, Sơn La, Bình Thuận.
Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nền kinh tế đã đạt được một số kết quả khá tích cực, đặc biệt, về tình hình lao động, việc làm, Quý I/2023 đã có những chuyển biến. Trong quý I năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp ước tính là 2,25%, giảm 0,07 điểm % so với quý trước và giảm 0,21 điểm % so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thiếu việc làm là 1,94%, giảm 0,04 điểm % so với quý trước và giảm 1,07 điểm % so với cùng kỳ năm trước; thu nhập bình quân tháng của lao động là 7,9 triệu đồng/tháng, tăng 204 nghìn đồng so với quý trước và tăng 578 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương cắt giảm đơn hàng đã diễn ra từ quý IV năm 2022 và tiếp tục tiếp diễn sang quý I năm 2023, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, nhất là tại các khu công nghiệp, ảnh hưởng tới đời sống của người lao động. Số người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng. Điều này đã ảnh hưởng tới mục tiêu thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân và chính sách an sinh xã hội.
Quang cảnh phiên họp
Đánh giá về nội dung này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng số liệu về lao động, việc làm, thu nhập của người lao động trong báo cáo của Chính phủ mâu thuẫn với tình hình kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp và tình hình người lao động trong một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Các đại biểu cũng đề nghị cần có các giải pháp phù hợp và thực hiện hiệu quả để ổn định việc làm cho người lao động, có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho người lao động thất nghiệp, mất việc làm để bảo đảm an sinh, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng nhà ở xã hội, xây dựng và nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hoá tốt đẹp.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phản ánh, hiện nay tình trạng lao động mất việc làm, giảm thu nhập đang là vấn đề thực tế đáng lo ngại. Đây cũng là vấn đề được phản ánh trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Những tháng đầu năm 2023, số lượt rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng, số doanh nghiệp thành lập mới giảm. Tình trạng này gây ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện điện tử ở nhiều vùng, miền trên cả nước.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tại phiên họp
Đại biểu cho rằng, nếu không có những giải pháp mạnh mẽ, khả thi, tạo ra chuyển biến, thay đổi rõ rệt thì thị trường lao động sẽ chịu nhiều rủi ro, thách thức, người lao động sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong số những người mất việc làm, giảm thu nhập có phần đông trong độ tuổi thanh niên, là trụ cột gia đình. Tình trạng này kéo dài sẽ gây gánh nặng lớn về mặt an sinh, dễ dẫn đến gia tăng tệ nạn xã hội.
Đến nay, Chính phủ đã có một số giải pháp tháo gỡ, giải quyết điểm nghẽn như ứng dụng chuyển đổi số trong tìm kiếm nhân lực, việc làm, giải ngân vốn đầu tư công, gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm, lần đầu tiên triển khai thí điểm sàn giao dịch làm việc trực tuyến toàn quốc; kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Đại biểu cho rằng cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, cắt giảm điều kiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; có cơ chế rõ ràng để tăng cường trách nhiệm giải trình của công chức, người đứng đầu cơ quan hành chính, góp phần giảm tình trạng e sợ, đùn đẩy trách nhiệm; không dám làm, không dám quyết định.
Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng cần có giải pháp hỗ trợ thanh niên trong việc học tập, định hướng nghề nghiệp, trang trải tài chính, tìm kiếm việc làm, trong đó, cần có các biện pháp cụ thể và thiết thực như chính sách tín dụng cho sinh viên, miễn giảm học phí, kết nối đơn vị giáo dục dạy nghề với doanh nghiệp để đảm bảo việc làm cho lực lượng lao động trẻ này.
Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp
Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Đặng Hồng Sỹ, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho biết, tình trạng từ cuối 2022, những tháng đầu 2023, tình trạng mất việc làm tăng, tập trung ở các tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng năm 2022 cao, thu ngân sách vượt chỉ tiêu, tuy nhiên, đời sống người dân thì còn nhiều khó khăn, đòi hỏi Chính phủ cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Đại biểu phân tích nguyên nhân của tình trạng này là do biến động từ tình hình kinh tế thế giới cũng như một số vấn đề trong nước làm ảnh hưởng đến một số doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn, hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, đại biểu Đặng Hồng Sỹ cùng các đại biểu cho rằng cần tiếp tục quán triệt triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại để khai thác các thị trường mới. Cần có giải pháp hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp liên quan đến bất động sản.
Ngoài ra, các đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, sắp xếp tổ chức cơ cấu, nâng cao chất lượng đầu vào của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:
Đại biểu Nguyễn Hữu Đông, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La điều hành nội dung thảo luận
Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương tại phiên họp
Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La tại phiên họp
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng cần có giải pháp hỗ trợ thanh niên trong việc học tập, định hướng nghề nghiệp, trang trải tài chính, tìm kiếm việc làm, để đảm bảo việc làm cho lực lượng lao động trẻ này
Đại biểu Đặng Hồng Sỹ, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho rằng cần tiếp tục quán triệt triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại để khai thác các thị trường mới
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương tham gia phát biểu tại phiên thảo luận
Đại biểu Đinh Công Sỹ, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La đóng góp ý kiến về nhiều vấn đề liên quan đến tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023./.