ĐOÀN ĐBQH TP.HCM LẤY Ý KIẾN GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)
Quang cảnh góp ý dự thảo Luật.
Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có 10 chương và 88 điều. Trong đó, giữ nguyên 10 điều; sửa đổi, bổ sung 62 điều; bổ sung mới 16 điều và bãi bỏ 8 điều. Luật bổ sung các quy định nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia xuyên suốt trong toàn bộ dự thảo Luật thông qua các quy định để đảm bảo về số lượng nước, chất lượng cho các mục đích sử dụng, đảm bảo hệ sinh thái và môi trường và giảm thiểu tác hại do nước gây ra. Đặc biệt, quy định cụ thể về điều hòa, phân phối tài nguyên nước, nhất là trong điều kiện hạn hán, thiếu nước.
Bên cạnh đó, bổ sung các quy định nhằm đẩy mạnh xã hội hoá theo hướng những việc gì doanh nghiệp có thể làm được thì giao cho doanh nghiệp thực hiện, giảm nguồn lực đầu tư của nhà nước hướng tới nhà nước quản lý, doanh nghiệp thực hiện và dần dịch chuyển theo hướng nhà nước chỉ ban hành chính sách và hậu kiểm.
Ngoài ra, bổ sung quy định về nguồn lực cho bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, trong đó quy định rõ các nguồn lực để thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn nước; làm rõ các hoạt động ưu tiên xã hội hoá, chính sách xã hội hoá trong bảo vệ, phát triển tài nguyên nước.
Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 5 và dự kiến thông qua vào kỳ họp 6 năm 2023.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã cơ bản đáp ứng được sự phát triển kinh tế - xã hội trong nước, hội nhập quốc tế, những nhu cầu quản lý nhà nước phát sinh trong thời gian qua, cũng như những đòi hỏi về đổi mới chiến lược, tư duy, cách thức xây dựng, phát triển và bảo tồn một trong những nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn nhất là tài nguyên nước.
Đồng chí Hà Phước Thắng phát biểu tại hội thảo.
Đại biểu Trần Kim Thạch đại diện Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV cho rằng, do đặc thù của TP hiện đang khai thác nước thô tại 2 cụm Hóa An và Hóa Phú và việc cấp giấy phép khai thác sẽ dựa trên từng trạm nước thô. Tuy nhiên, theo hiện tại, các nhà máy nước còn lại trong khu vực không thể tăng công suất khai thác nước thô do sẽ vi phạm quy định giấy phép khai thác nước mặt. Chính vì vậy, đề nghị bổ sung thêm điều khoản về cơ chế khai thác nước thô phù hợp với các đơn vị trong cụm. Bên cạnh đó, việc xử phạt dựa trên ngày có công suất vượt mức tối đa chưa hợp lý do thông thường, sản lượng khai thác nước thô trung bình tháng hoặc năm thường thấp hoặc không vượt quá công suất tối đa, tuy chỉ những ngày khi có sự cố về mất an toàn cấp nước xảy ra. Cần phải có chế độ bơm tăng cường để sản xuất và điều tiết cấp nước sạch trên mạng lưới cho người dân sử dụng.
Góp ý Điểm b khoản 3 Điều 80 quy định nhiệm vụ, quyền hạn UBND cấp xã, Phó Trưởng phòng Pháp chế Sở Xây dựng Nguyễn Văn Cầu đề nghị bổ sung hòa giải các tranh chấp về tài nguyên nước trên địa bàn.
Một số ý kiến cho rằng cần điều chỉnh, bổ sung trong luật các hoạt động sau đây trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước và lòng, bờ, bãi sông, hồ phải thực hiện đánh giá tác động và có phương án bảo vệ, phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản trước khi triển khai trừ đoạn sông có đê thực hiện theo quy định của Luật Đê điều.
Góp ý khoản 6, Điều 5, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an Tp.Hồ Chí Minh, cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung đa đạng hóa các nguồn lực để thu hút đầu tư cho bảo vệ, phát triển, cải tạo, phục hồi nguồn nước, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các công trình trữ nước. Ưu tiên ngân sách cho các hoạt động điều tra cơ bản, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra ở những vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước ngọt.