DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) CẦN ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI DÂN

17/02/2023

Chiều 17/2, tại Huyện ủy Yên Phong, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khu vực huyện Yên Phong (huyện Tiên Du) và thành phố Từ Sơn.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC NINH TẶNG QUÀ TẾT CHO CÁC HỘ NGHÈO TẠI HUYỆN LƯƠNG TÀI

LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN VỀ DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đình Lợi khẳng định, sau 10 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác, sử dụng đất đai hợp lý. 

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thi hành Luật đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Công tác quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững. Việc tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân thông qua giao đất, cho thuê đất còn bất cập. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân.

Bên cạnh đó, cải cách hành chính trong quản lý đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; tài chính đất đai và giá đất chưa phản ánh đúng thực tế thị trường; năng lực quản lý nhà nước về đất đai chưa đáp ứng yêu cầu; cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đất đai chưa được hoàn thiện; nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững. Ngoài ra, việc khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về lĩnh vực này ngày càng tăng, nhưng xử lý còn hạn chế... Những vấn đề nêu trên đặt ra yêu cầu phải xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Các đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội nghị.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) không chỉ có quy mô rộng, tác động đến mọi mặt của xã hội, tác động đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, mà còn là một luật khó, thực tiễn tồn tại nhiều vướng mắc, phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nhân dân. Thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh đã hướng dẫn MTTQ các cấp tổ chức góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần 1 và phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức hội nghị góp ý tại cấp tỉnh. Tổng hợp kết quả có trên 1.000 lượt ý kiến tham gia đóng góp.

Tại Hội nghị, các đại biểu đóng góp ý kiến về quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển quỹ đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai...

Ông Chu Văn Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Yên Phong cho biết, các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất tại điểm d, khoản 2, Điều 125 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần nghiên cứu quy định cụ thể, tránh trường hợp phát sinh phức tạp ở cơ sở. Ông đề nghị, tiếp tục quy định hộ gia đình sử dụng đất trong Luật Đất đai (sửa đổi) do đây là chủ thể tham gia sâu vào quan hệ đất đai (dự luật sửa đổi quy định tại Chương III theo hướng bỏ đối tượng là hộ gia đình sử dụng đất).

Toàn cảnh Hội nghị.

Theo ông Phan Đình Kiên, Chủ tịch UBND phường Trang Hạ (thành phố Từ Sơn), thời gian qua, nhiều vụ việc hỗ trợ, tái định cư của người có đất bị thu hồi chưa thỏa đáng dẫn đến tình trạng người dân không đồng thuận, bức xúc làm phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai. Do đó, ông đề nghị, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần thể chế hóa các quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, cụ thể hóa các tiêu chí như “tốt hơn nơi ở cũ”… Việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất; bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, công khai, kịp thời và đúng quy định; việc tái định cư bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội…

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều; trong đó, giữ nguyên 28 điều, sửa đổi, bổ sung 184 điều, bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều.

(Theo TTXVN)