THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018 TẠI CẦN THƠ: CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN VỀ NGUỒN LỰC

16/02/2023

Trong 3 năm học (2020-2021, 2021-2022 và 2022-2023), cùng với cả nước, ngành Giáo dục Tp.Cần Thơ thực hiện theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (CTGDPT mới) đối với các lớp 1, 2, 3, 6, 7 và lớp 10. Tuy đạt hiệu quả trong nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng thành phố vẫn còn gặp khó về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo.

ĐOÀN ĐBQH TP.CẦN THƠ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SGK GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TP.CẦN THƠ

Thực trạng này được nêu trong đợt giám sát mới đây của Ðoàn Ðại biểu Quốc hội (ÐBQH) Tp.Cần Thơ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 (NQ88) và Nghị quyết số 51/2017/QH14 (NQ51) của Quốc hội.

Ðoàn ÐBQH Tp.Cần Thơ giám sát thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT ở huyện Phong Ðiền. 

Hiệu quả đổi mới giáo dục

Thực hiện NQ88 và NQ51 của Quốc hội, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ngành, các cấp Tp.Cần Thơ đã triển khai đảm bảo tiến độ, lộ trình chương trình GDPT 2018. Cụ thể, năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

Ghi nhận thực tế tại một số quận, huyện như Thốt Nốt, Phong Ðiền… đều có đầu tư nguồn lực thực hiện đổi mới chương trình, SGK; đạt hiệu quả tích cực. Ðơn cử quận Thốt Nốt, bên cạnh đẩy mạnh công tác truyền thông về đổi mới CTGDPT, quận đầu tư kinh phí trên 25,2 tỉ đồng để mua sắm trang thiết bị phục vụ thay SGK các lớp 1, 2, 3, 6 và 7. Cơ sở vật chất đầy đủ, đảm bảo đáp ứng 100% học sinh toàn cấp tiểu học năm học 2022-2023 được học 2 buổi/ngày và đủ giáo viên để bố trí dạy các lớp theo CTGDPT mới.

Ở huyện Phong Ðiền, năm 2021 có 48 phòng học, phòng chức năng được xây mới tại các điểm trường tiểu học và đã đưa vào sử dụng vào đầu năm học 2021-2022. Tổng kinh phí xây dựng mới phòng học chuẩn bị cho CTGDPT mới là 42,5 tỉ đồng; đầu tư 24 tỉ đồng mua sắm thiết bị tối thiểu phục vụ lớp 1, 2 và 6. Hiện tại, UBND huyện phê duyệt kinh phí mua thiết bị lớp 3, 7; Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện đã xây dựng kế hoạch mua sắm, đang thẩm định giá để chuẩn bị mời thầu. Năm học 2022-2023, huyện có 21 trường tiểu học, THCS (trong đó có 19 trường đạt chuẩn quốc gia) và 621 cán bộ quản lý, giáo viên. Cơ sở vật chất đầy đủ, đáp ứng yêu cầu cho 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Ông Nguyễn Văn Sang, Trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) huyện Phong Ðiền, cho biết: Trên cơ sở kết quả rà soát, xác định nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học giai đoạn 2021-2025 phục vụ cho việc triển khai CTGDPT mới, ngành Giáo dục đã chủ động phối hợp Phòng Tài chính huyện xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng kiên cố hóa trường học, xây dựng bổ sung phòng học, các phòng chức năng khác và mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình mới.

Theo ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ÐT Tp.Cần Thơ, hầu hết cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn đều chuẩn bị tốt các điều kiện triển khai CTGDPT mới; chú trọng đổi mới quản trị theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của cơ sở và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Ðội ngũ giáo viên vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh... Ở cấp tiểu học, 100% học sinh lớp 1, lớp 2 hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch; chất lượng học tập đảm bảo chuẩn đầu ra theo yêu cầu của chương trình. Cấp THCS, học sinh lớp 6 có kết quả học tập từ đạt trở lên chiếm 94,98%; kết quả rèn luyện từ đạt trở lên chiếm 99,97%. Cấp THPT, tỷ lệ giáo viên trực tiếp giảng dạy đạt chuẩn về trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019 đạt 99,06%; đây là điều kiện để thành phố thực hiện hiệu quả CTGDPT mới.

Gặp khó về cơ sở vật chất, thiếu giáo viên môn học mới

Dù đã chuẩn bị chu đáo nguồn lực phục vụ cho việc đổi mới chương trình, SGK, nhưng hầu hết các địa phương đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn chung là thừa thiếu cục bộ giáo viên, nhất là giáo viên giảng dạy các môn học phục vụ CTGDPT mới như Âm nhạc, Mỹ thuật, các môn tích hợp… Cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy ở một số địa phương vẫn còn thiếu thốn, xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới. Theo lãnh đạo UBND quận Thốt Nốt, các trường THCS không đủ giáo viên để dạy chuyên môn đối với môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Ðịa lý; chỉ có 1 phòng máy vi tính/25 máy/trường nên chưa đáp ứng tốt yêu cầu thực hành môn Tin học. Việc tuyển dụng giáo viên cho các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc còn thiếu giáo viên so với biên chế được giao chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch tuyển dụng năm 2021, chưa đáp ứng đủ giáo viên trong việc thực hiện CTGDPT mới. Năm học 2022-2023 và các năm học tiếp theo, nhu cầu giáo viên tiểu học, THCS là 933 người; hiện nay, quận có 869 giáo viên, còn thiếu 64 giáo viên tiểu học, THCS.

Ông Nguyễn Văn Sang, Trưởng Phòng GD&ÐT huyện Phong Ðiền, cho biết hiện tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1,37; nếu để đạt 1,5 giáo viên/lớp theo quy định, huyện còn thiếu trên 22 giáo viên. Cấp THCS chưa có giáo viên dạy Ngoại ngữ 2 theo chương trình mới. Theo cô Trịnh Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Thủy, nhiều năm nay, trường luôn thiếu giáo viên; riêng năm học này, thiếu 5 giáo viên chủ nhiệm. Nhà trường phải hợp đồng thầy cô giảng dạy nhưng đang gặp khó khăn; đội ngũ hợp đồng không ổn định... Ðược biết, quận còn thiếu 25 giáo viên, nhưng ngành nội vụ chỉ nhận được 9 hồ sơ. “Các trường rất cần hỗ trợ từ lãnh đạo cấp trên để tuyển đủ giáo viên, góp phần thực hiện hiệu quả CTGDPT mới”, cô Nhung cho biết.

Một tiết học của cô trò Trường Tiểu học Bình Thủy. ​

Giám đốc Sở GD&ÐT Tp.Cần Thơ Trần Thanh Bình thông tin: Ngành Giáo dục thành phố còn gặp một số khó khăn, vướng mắc là tiêu chuẩn về diện tích phòng học, phòng chức năng, quy mô học sinh/lớp, quy mô lớp/trường ở một số địa phương chưa đạt theo quy định; chưa đảm bảo đủ các phòng chức năng để tổ chức các hoạt động dạy học và giáo dục. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không đều; một bộ phận giáo viên chưa tích cực trong tự học, nâng cao trình độ hoặc chưa tiếp cận tốt công nghệ thông tin. “Tình trạng thiếu, thừa cục bộ giáo viên còn xảy ra, gây khó khăn trong công tác phân công giảng dạy; nhất là thiếu giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, đặc biệt là giáo viên dạy môn học tích hợp theo CTGDPT mới”, ông Bình nói. Dự báo, để đảm bảo thực hiện CTGDPT mới, toàn ngành còn thiếu 459 giáo viên. Các thầy cô giáo còn gặp khó khăn, áp lực trong việc nghiên cứu, thẩm định SGK khi không được cung cấp bảng sách in; thiếu thiết bị phục vụ giảng dạy, đặc biệt là thiết bị các môn Âm nhạc và Mỹ thuật...

Trong đợt giám sát của Ðoàn ÐBQH Tp.Cần Thơ về tình hình thực hiện đổi mới SGK, CTGDPT 2018 trên địa bàn thành phố mới đây, ông Ðào Chí Nghĩa, Phó trưởng Ðoàn ÐBQH Tp.Cần Thơ, nhìn nhận Cần Thơ vẫn còn một số khó khăn như thừa thiếu cục bộ giáo viên; các thầy cô vẫn đang quá tải trong việc thẩm định SGK. Trang thiết bị dạy học phục vụ chương trình chưa kịp tiến độ chung, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Chẳng hạn, 1 phòng máy vi tính chỉ có 25 máy, trong khi sĩ số lớp từ 35 đến hơn 40 học sinh, không đủ máy cho các em thực hành. Tại một số trường, trong số 25 máy vi tính được trang bị phòng máy, thì nhiều máy bị hư… “Ngành Giáo dục thành phố cần tăng cường truyền thông về các nghị quyết của Quốc hội; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành hữu quan để thực hiện hiệu quả đổi mới chương trình, SGK, trong đó có việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và kinh phí để thực hiện tốt CTGDPT 2018”, ông Nghĩa nói.

Phát biểu tại buổi làm việc diễn ra vào chiều 10/2 với lãnh đạo UBND Tp.Cần Thơ và các sở ban ngành về tình hình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo SGK GDPT trên địa bàn thành phố, ông Ðào Chí Nghĩa đã thông tin một số kết quả dữ liệu mà đoàn giám sát ghi nhận ý kiến (bằng phiếu thông qua quét mã QR Code) của 8.924 giáo viên, cán bộ tại các Phòng GD&ÐT, trường học trên địa bàn; trong đó có 76% giáo viên công tác hơn 10 năm. Kết quả có 88,7% thầy cô đánh giá việc triển khai thực hiện chương trình, SGK GDPT rất phù hợp; có 74,8% giáo viên đề nghị nên chọn 1 bộ SGK dùng chung cho cấp tiểu học toàn thành phố để góp phần tạo sự đồng bộ trong thực hiện chương trình và việc chia sẻ kinh nghiệm trong giảng dạy, thực hiện chương trình mới, giữa các trường, các giáo viên sẽ cụ thể và đạt hiệu quả cao hơn.

(Theo Báo điện tử Cần Thơ)