ĐOÀN ĐBQH TỈNH KHÁNH HÒA GIÁM SÁT THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

09/02/2023

Ngày 09/02, đồng chí Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa chủ trì buổi làm việc Đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh với UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 88/2014 và Nghị quyết số 51/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH KHÁNH HÒA GIÁM SÁT VIỆC TRIỂN KHAI DỰ ÁN CAO TỐC BẮC - NAM

Cùng tham dự buổi làm việc có đồng chí Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

Đồng chí Hà Quốc Trị phát biểu chỉ đạo tại cuộc giám sát.

Thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Khánh Hòa đã trình HĐND tỉnh ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của địa phương, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục và đào tạo, tổ chức thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại tỉnh phù hợp; về cơ bản đã tạo được những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều trường còn thiếu trang thiết bị để dạy tin học, thiếu phòng tin học, ngoại ngữ. Một số trường có phòng học xuống cấp chưa được đầu tư sửa chữa, xây mới kịp thời, nhà vệ sinh học sinh chưa đủ chuẩn theo quy định hiện nay. Đội ngũ giáo viên các môn học lựa chọn cấp THPT không ổn định, liên tục biến động do phụ thuộc vào sự chọn lựa của học sinh. Các môn học mới như: Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THPT không đủ giáo viên...

Đồng chí Hà Quốc Trị đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa bám sát đề cương giám sát để tiếp thu, làm rõ hoàn chỉnh báo cáo gửi đoàn giám sát về các vấn đề liên quan đến các kết quả đạt được, những tồn tại, khó khăn trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Đồng chí lưu ý những vấn đề cần làm rõ liên quan đến đầu tư cơ sở vật chất cho ngành Giáo dục; cơ chế chính sách, nhất là vấn đề liên quan đến tài chính để triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; thiếu giáo viên, biên chế cho ngành Giáo dục; định hướng đào tạo nghề, phân luồng học sinh sau THCS…, từ đó có những kiến nghị cụ thể, xác đáng với thực tế của địa phương…

(Theo Báo điện tử Khánh Hòa)