ĐOÀN ĐBQH TỈNH TUYÊN QUANG GIÁM SÁT VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SGK GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TẠI SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

26/12/2022

Sáng 26/12, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang giám sát chuyên đề về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Sở Giáo dục và Đào tạo. Đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV tỉnh làm Trưởng Đoàn giám sát.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH TUYÊN QUANG THAM DỰ CHƯƠNG TRÌNH ‘’XUÂN ẤM ÁP – TẾT SẺ CHIA’’

Toàn cảnh buổi làm việc 

Tham gia Đoàn giám sát có các đại biểu Quốc hội tỉnh: Lò Thị Việt Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ khóa XV; Âu Thị Mai, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch; Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh tỉnh Tuyên Quang. Cùng dự có các đồng chí đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh là thành viên Đoàn giám sát.

Là cơ quan tham mưu của tỉnh tổ chức thực hiện các nội dung, kế hoạch trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo, trong những năm qua, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động tham mưu với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành các Chương trình hành động, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới địa bàn tỉnh. Tham mưu với UBND tỉnh ban hành các quyết định theo thẩm quyền để cụ thể hoá các quy định của bộ, ngành Trung ương phân cấp cho tỉnh; tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo; trang thiết bị, tài liệu giáo dục địa phương phục vụ công tác giảng dạy theo chương trình, sách giáo khoa mới… mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Đồng chí Vũ Đình Hưng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo trước Đoàn giám sát

Hiện tại, toàn tỉnh có 463 trường với 748 điểm trường lẻ (giảm 67 điểm so với năm học 2021-2022). Quy mô số lớp, số học sinh mầm non, phổ thông là 7.506 lớp/ 223.829 học sinh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa. Có 239/463 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác xã hội hóa giáo dục được quan tâm, đẩy mạnh; giáo dục ngoài công lập bước đầu được khuyến khích phát triển. Hệ thống trường nội trú, bán trú cũng được tỉnh quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu học tập của con em vùng dân tộc. Năm 2021, tỉnh tiếp tục đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 2; phổ cập giáo dục Trung học cơ sở mức độ 2; xóa mù chữ mức độ 2. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn có chuyển biến tích cực; điểm bình quân kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông của tỉnh từng bước được cải thiện vững chắc...

Đồng chí Vũ Thị Giang - Phó Trưởng Ban Xã hội HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc 

Bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế như: Cơ sở vật chất nhiều trường học chưa đáp ứng được các điều kiện để phục vụ dạy học  theo chương trình mới; về sách giáo khoa giáo dục phổ thông một số nội dung, thuật ngữ sử dụng trong các bản mẫu sách giáo khoa chưa đảm bảo tính liên thông giữa các môn học/ hoạt động giáo dục; giá sách giáo khoa hiện nay cao so với thu nhập thực tế của một số hộ gia đình khó khăn, nhất là những hộ gia đình nghèo, cận nghèo ở vùng sâu, vùng xa; đội ngũ giáo viên còn thiếu theo định mức; công tác tuyển dụng, thu hút giáo viên còn gặp khó khăn, nhất là giáo viên các bộ môn Tin học, Ngoại ngữ; trên địa bàn các huyện, thành phố còn tình trạng mất cân đối về cơ cấu giáo viên các môn học; việc thực hiện mục tiêu học sinh được học 2 buổi/ ngày, việc biên soạn, thẩm định và tổ chức thực hiện nội dung, tài liệu giáo dục địa phương chưa đạt kế hoạch…

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát tập trung thảo luận, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc liên quan đến nhiệm vụ của Sở Giáo dục và Đào tạo. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng có những kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương và UBND tỉnh về các nội dung liên quan đến việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đồng chí Lò Thị Việt Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ khóa XV

Kết luận buổi giám sát, đồng chí Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách khóa XV tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát đánh giá cao sự chủ động, trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo trong công tác tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Trưởng Đoàn giám sát đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tham mưu với tỉnh thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018, trong đó tập trung rà soát, sắp xếp trường, lớp học hợp lý, phối hợp tuyển dụng giáo viên được được cấp có thẩm quyền giao, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu chương trình phổ thông mới. Giúp UBND tỉnh tổ chức thực hiện theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt kế hoạch, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực công tác cho giáo viên để đảm bảo thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong việc đổi mới phương pháp dạy và học theo chương trình, sách giáo khoa mới; chỉ đạo các trường lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, năng lực thực tế của giáo viên và nhận thức của đa số học sinh trên địa bàn.

Đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV tỉnh làm Trưởng Đoàn giám sát

Ngoài ra, Trưởng Đoàn giám sát yêu cầu cần thực hiện nghiêm quy định về sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục đào tạo; hướng dẫn các trường THPT phối hợp với trường THCS để tuyên truyền, định hướng cho học sinh lựa chọn khối học trước khi tuyển sinh vào lớp 10; tập trung ưu tiên mua sắm thiết bị, đồ dùng học tập cho các trường đảm bảo từng bước đáp ứng việc dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện chủ trương xã hội hoá trong giáo dục để các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện việc xã hội hoá trong giai đoạn tiếp theo...

Trưởng Đoàn giám sát cho biết, các ý kiến đề xuất, kiến nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại buổi làm việc sẽ được Đoàn giám sát sẽ tiếp thu, tổng hợp để báo cáo Quốc hội và các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết./.

Nguyễn Hạnh - Thanh Thuỷ