Quang cảnh thảo luận tại Tổ 7
Dự thảo Luật gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều. Dự thảo có nhiều chính sách mới, quan trọng như: Quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của Công dân đối với đất đai; Hoàn thiện các quy định về các quyền của người sử dụng đất; Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;…
Tại Tổ 7 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Nam, Đồng Tháp. Qua thảo luận, các đại biểu đều tán thành cao với sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Đất đai hiện hành đồng thời góp ý vào nhiều nội dung cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Quốc Luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định về việc giao cho UBND cấp tỉnh theo điều kiện thực tế của đại phương quy định cụ thể chính sách về đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đại biểu, quy định như dự thảo có thể dẫn đến áp dụng không thống nhất giữa các địa phương. Mặt khác, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số, đã ban hành nhiều chính sách để nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời thực hiện nhiều chính sách giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định hiện hành của pháp luật như Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học… nếu không quy định rõ trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì sẽ khó khăn, bất cập trong tổ chức thực hiện.
Do vậy, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, quy dịnh rõ các chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật sửa đổi lần này.
Về thu hồi đất đối với dự án nhà ở thương mại để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc kỹ việc đưa dự án nhà ở thương mại để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất vào quy định Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, do các dự án nhà ở thương mại mang tính chất kinh doanh là chủ yếu, lợi ích trực tiép sẽ mang lại cho các chủ đầu tư, do đó dễ dẫn đến thắc mắc, khiếu kiện và không công bằng với các dự án khác.
Ngoài ra, đại biểu cũng bày tỏ thống nhất sự cần thiết phải thực hiện kiểm toán đối với cơ quan, tổ chức được giao quản lý, sử dụng đất. Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua còn có sự chồng chéo, trùng lắp giữa các cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán đã gây nhiều khó khăn, bức xúc cho các đối tượng được thanh tra, kiểm toán. Đại biểu cũng đề nghị cần có những quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn trong việc phối hợp giữa các cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán từ quá trình xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện, nhất là việc xử lý đối với những vấn đề còn chưa thống nhất giữa kết luận của thanh tra và kết luận của kiểm toán để giảm bớt khó khăn, phiền hà cho các đối tượng được kiểm toán cũng như việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm toán tại các địa phương,
Góp ý vào dự luật, đại biểu Khang Thị Mào, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái đánh giá cao sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Đất đai nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế; giải quyết những chồng chéo vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đại biểu Khang Thị Mào kiến nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét, bổ sung điều Luật quy định giao các địa phương thu hồi diện tích đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân đã mất, chuyển định cư ở nước ngoài, làm cán bộ, công chức hoặc đã chuyển đổi nghề không còn có nhu cầu sản xuất nông nghiệp để phân chia, giao cho các hộ gia đình, cá nhân đang rất cần đất nông nghiệp để sản xuất, sinh kế, xóa đói giảm nghèo và tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong việc giải quyết các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu chuyển nhượng, cho tặng đất nông nghiệp.
Đại biểu Dương Văn Phước, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
Đồng tình với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai hiện hành, đại biểu Dương Văn Phước, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, Khoản 5 Điều 68 dự thảo luật quy định về quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện đến từng thửa đất là không khả thi.
Theo đại biểu, trong điều kiện hiện nay, nếu giữ nguyên như quy định tại dự thảo việc quy hoạch đến từng thửa đất sẽ không chỉ ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả trong công tác quy hoạch đất đai mà còn tạo ra những điểm nghẽn trong việc thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội liên quan. Vì vậy, đề nghị thay vì quy định là trực tiếp trong Dự thảo thì nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này đảm bảo triển khai trên thực tế được dễ dàng, thuận lợi.
Đại biểu Dương Văn Phước cũng đề nghị rà soát và quy định thống nhất, đồng bộ giữa các khái niệm giao đất, giao rừng, cho thuê đất, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng và rộng hơn là cần kiểm soát kỹ lưỡng đốivới những quy định liên quan đến đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất, rừng đặc dụng để đạt được sự thống nhất cao với các quy định tại Luật Lâm nghiệp. Đồng thời, đề nghị trong Luật đất đai sửa đổi lần này cần nghiên cứu bổ sung giải thích về khái niệm đất thổ cư, vì liên quan đến vấn đề này còn rất nhiều bất cập, hạn chế và gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân và hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước trong thời gian qua./.