THẢO LUẬN TỔ 5: BẢO ĐẢM TỐT NHẤT QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG

02/11/2022

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 02/11, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Tổ 5 gồm các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, Hà Tĩnh, Đắk Nông, Bình Thuận.

THẢO LUẬN TỔ 12: BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG NỀN KINH TẾ SỐ

Toàn cảnh phiên thảo luận

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với những căn cứ đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Các đại biểu nêu rõ, hiện nay trên thế giới, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã bao trùm lên mọi lĩnh vực, mọi mặt của đời sống xã hội với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, thương mại điện tử; nhiều phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới ra đời và phát triển. Vì vậy, đòi hỏi phải có cách tiếp cận phù hợp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam. Nhiều quy định của Luật đã không còn phù hợp với điều kiện thực tế cũng như các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành. Việc sửa đổi Luật lần này vừa khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, thực thi Hiến pháp năm 2013, đồng thời xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với các luật được Quốc hội ban hành từ năm 2011 đến nay nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông 

Về vấn đề cụ thể, đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông nêu rõ qua tổng kết, việc thi hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng hiện hành có rất nhiều vấn đề đặt ra cần sửa đổi. Luật Bảo vệ người tiêu dùng liên quan đến nhiều luật hiện hành như Bộ Luật dân sự, Luật Thương mại, Bộ Luật Tố tụng dân sự, Luật Hòa giải ở cơ sở,… Đại biểu cho rằng dự thảo luật có những nội dung chưa đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Liên quan đến vấn đề hoà giải tại Điều 61 dự thảo luật, đại biểu cho biết hiện nay, vấn đề hoà giải liên quan Luật Hoà giải ở cơ sở áp dụng đối với các cái hòa giải, mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật ở cơ sở; Luật Thương mại và Nghị định số 22 của Chính phủ thì quy định hòa giải tranh trong tranh chấp thương mại. Tuy nhiên, luật này ấn định luôn thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải thương mại.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị nên để người tiêu dùng và các bên lựa chọn phương thức hoà giải để đảm bảo phù hợp. Bên cạnh đó, Điều 70 dự thảo luật đưa ra các vụ án dân sự và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn theo một số điều kiện như vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng, giá trị giao dịch dưới 100 triệu. Tuy nhiên, trên thực tế chưa có vụ án, vụ việc nào được giải quyết theo thủ tục rút gọn. Nhiều vụ việc tranh chấp xảy ra nhưng không áp dụng thủ tục này một lần nào, do đó đại biểu cho rằng nếu không xử lý được mà vẫn giữ quy định này thì luật sẽ không đáp ứng được yêu cầu.

Quan tâm đến nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu Nguyễn Thị Kiều – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đề nghị bổ sung cụm từ “cá nhân” vào khoản 1 Điều 4 dự thảo luật nhằm nâng cao tính trách nhiệm, nhấn mạnh nghĩa vụ của mỗi công dân trong thực hiện nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định tại khoản 2 Điều 9 dự thảo luật về nội dung chính sách bảo vệ thông tin phải được công khai để “tạo điều kiện để người tiêu dùng lựa chọn trước hoặc tại thời điểm thu thập thông tin”.

Theo đại biểu, “lựa chọn” ở đây chưa được quy định rõ ràng; có những trường hợp không yêu cầu phải có cơ chế để người tiêu dùng lựa chọn phạm vi thông tin đồng ý cung cấp. Về bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ “cơ quan chức năng” quy định tại tại Điều 12 dự thảo luật để đảm bảo tính khả thi khi triển khai trên thực tế. Đồng thời cần rà soát lại nội dung quy định tại dự thảo luật nhằm đảm bảo sự tương thích, thống nhất nội dung trong các văn bản pháp luật liên quan.

Đại biểu Đinh Công Sỹ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La

Đại biểu Đinh Công Sỹ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La cho rằng Ban soạn thảo cần quy định rõ hơn nữa các trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng thì phải được sự đồng ý của người tiêu dùng. Về quy định này, Đại biểu bày tỏ lo ngại về tính khả thi, mặc dù có 5 Điều luật quy định nhưng trên thực tế hiện nay, các thông tin của người tiêu dùng bị lộ lọt, bị bên thứ ba sử dụng rất nhiều. Do đó cần bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt là trên không gian mạng; thể hiện rõ dự thảo luật việc quản lý và xử lý việc để lộ thông tin người tiêu dùng trên môi trường giao dịch điện tử.

Trong dự thảo luật có khá nhiều cơ chế bảo vệ người tiêu dùng, tuy nhiên đại biểu Đinh Công Sỹ cho rằng trong bối cảnh hiện nay, có rất nhiều người tiêu dùng đang bị xâm hại quyền lợi nhưng việc phản hồi của người tiêu dùng hay các bên thứ ba còn yếu, thậm chí là có sự e ngại. Do đó cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Công thương trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng các hình thức như sử dụng số điện thoại đường dây nóng... Đồng thời có cơ chế ngăn ngừa sai phạm của bên cung cấp dịch vụ, hàng hóa cho người tiêu dùng. Ngoài ra, cũng cần quy định chặt chẽ việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sử dụng nền tảng giao dịch xuyên biên giới.

Đại biểu Hoàng Trung Dũng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh

Mặt khác, đại biểu Hoàng Trung Dũng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, việc thực thi các quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã góp phần nâng cao nhận thức của xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cải thiện, hạn chế và ngăn chặn một số hành vi, lĩnh vực có nguy cơ xâm hại quyền lợi người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng việc sửa đổi dự thảo luật cần tiếp tục hoàn thiện các quy định nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho ý kiến về tính khả thi của dự thảo Luật, “định vị” Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hệ thống pháp luật hiện nay; các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch có yếu tố đặc thù trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế; cơ chế giải quyết tranh chấp và vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Tại phiên họp, các vị đại biểu cũng cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)./.

Minh Thành