THẢO LUẬN TẠI TỔ 10: KHUYẾN KHÍCH CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ HỢP TÁC THÀNH LẬP TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

01/11/2022

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 01/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Thảo luận tại tổ 10, các đại biểu đề nghị nghiên cứu, điều chỉnh quy định về chế độ báo cáo và công bố thông tin theo hướng khuyến khích các tổ chức kinh tế hợp tác đăng ký thành lập trang thông tin điện tử để công bố thông tin về đăng ký và hoạt động của mình.

THẢO LUẬN TẠI TỔ 10: QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ CHẾ TÀI ĐỐI VỚI VIỆC CHẬM GỬI TÀI LIỆU

TỔNG THUẬT SÁNG 01/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh phiên họp tại tổ 10

Tổ 10 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk, Lào Cai.

Tham gia thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu bày tỏ với sự cần thiết sửa đổi Luật Hợp tác xã nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia.

Về một số quy định cụ thể trong dự thảo Luật, các đại biểu đề nghị bổ sung tại Điều 4 về giải thích từ ngữ một số thuật ngữ được sử dụng nhiều tại dự thảo Luật như “tổ chức đại diện”, “quyền hưởng dụng”... Cùng với đó, có ý kiến kiến nghị xây dựng bố cục dự án Luật ngắn gọn hơn, tạo điều kiện cho người dân dễ tiếp cận và thực hiện, ngoài ra, cần xây dựng một số chương quy định riêng đối với hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã phi nông nghiệp.

Các đại biểu cho rằng, Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, đã chỉ ra 8 chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, gồm: Chính sách phát triển nguồn nhân lực; Chính sách đất đai; Chính sách tài chính; Chính sách tín dụng; Chính sách khoa học - công nghệ; Chính sách hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường; Chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; Chính sách bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật, các nội dung thể chế hóa các chính sách này còn chung chung, chưa chi tiết, cụ thể, rõ rang. Các đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, cụ thể hóa các chính sách này rõ nét hơn trong dự thảo Luật.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Tham gia phát biểu ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn Quân- Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho rằng, thời gian qua, dù được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, tạo điều kiện, tuy nhiên chúng ta vẫn chưa phát huy được nguồn lực một cách hiệu quả trong vấn đề này. Theo đại biểu, nguyên nhân là vì chính sách chưa đủ mạnh, chưa thật sự hấp dẫn cho thành phần kinh tế hợp tác, đặc biệt là hợp tác xã; việc phân bổ vốn còn chậm, chưa kịp thời, khiến các chương trình, chính sách chưa phát huy hết sức mạnh của kinh tế tập thể. Đại biểu bày tỏ hy vọng lần sửa đổi Luật lần này sẽ tháo gỡ được những bất cập trong chính sách hỗ trợ tổ kinh tế hợp tác trong thời gian qua.

Đối với quy định chuyển giao sử dụng các công trình công cộng để làm trụ sở nhà kho, địa biểu Nguyễn Văn Quân cùng nhiều đại biểu cho rằng, quy định này không đảm bảo tính khả thi, bởi các công trình giáo dục công cộng, các công trình y tế công cộng, thể thao, các công trình công cộng thuộc lĩnh vực văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng thì không thể lấy để sử dụng làm kho, nhà xưởng cho hợp tác xã.

Điểm a khoản 4 Điều 19 của dự thảo Luật quy định: Các tổ chức kinh tế hợp tác được vay vốn từ các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác với lãi suất ưu đãi. Ngân sách nhà nước (trung ương và địa phương) cấp bù chênh lệch lãi suất có thời hạn thông qua các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác. Đại biểu cho rằng, quy định này còn bất cập, bởi vì trên thực tế hiện nay các ngân hàng thương mại không thể cho vay khi không có quy định riêng về cho vay ưu đãi đối với loại hình hợp tác xã, ngân hàng thương mại không có nghĩa vụ phải hỗ trợ ưu đãi. Riêng đối với hợp tác xã chỉ luật hiện hành có quy định các ngân hàng thương mại phải hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ vay vốn… Nhưng thực ra việc thẩm định của ngân hàng thương mại phải thực hiện theo tôn chỉ của của ngân hang.

Đối với quy định chuyển giao một số công trình kết cấu hạ tầng của Nhà nước phục vụ lợi ích chung của cộng đồng cho các tổ chức kinh tế hợp tác trên địa bàn để quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng, đại biểu cho rằng quy định này còn chưa rõ ràng, cụ thể, cần quy định rõ những công trình đó là công trình gì? Điều kiện như thế nào? Được chuyển giao công trình quy mô như thế nào… để đảm bảo Luật đi vào cuộc sống.

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu

Tham gia thảo luận, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho biết, khoản 1 Điều 13 của dự thảo Luật quy định: Tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân phải công bố định kỳ hằng năm trên trang thông tin điện tử của mình hoặc Cổng thông tin về đăng ký, hoạt động về tổ chức kinh tế hợp tác. Đại biểu cho biết, hiện nay, số tổ chức kinh tế hợp tác có trang thông tin điện tử riêng còn rất hạn chế, các hợp tác xã chưa thực hiện tốt chế độ báo cáo định kỳ hàng năm, nên quy định này có thể sẽ không khả thi. Đại biểu đề nghị có quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh quy định về chế độ báo cáo và công bố thông tin theo hướng khuyến khích các tổ chức kinh tế hợp tác đăng ký thành lập trang thông tin điện tử để công bố thông tin về đăng ký và hoạt động của mình.

Tại Điều 17 quy định về tiêu chí thực hiện chính sách, đại biểu cho biết, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đào tạo, xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng chuỗi giá trị, do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh các tiêu chí để phù hợp với từng nội dung hỗ trợ của nhà nước, nghiên cứu mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng và các tổ chức kinh tế hợp tác mới thành lập để phù hợp với mục tiêu sửa đổi Luật Hợp tác xã là tạo điều kiện cho các hình thức kinh tế hợp tác được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của nhà nước về kinh tế tập thể và hợp tác xã.

Ngoài ra, các đại biểu cũng nhấn mạnh, tại Kỳ họp thứ 4 này, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nên cần có sự đối chiếu phù hợp để đảm bảo không có chồng chéo, mâu thuẫn, đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật, khả thi trong triển khai thực tế.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Quang cảnh phiên họp

Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc tại phiên họp

Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Các đại biểu cơ bản đồng ý với sự cần thiết sửa đổi Luật Hợp tác xã nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững

Đại biểu Trần Văn Tiến- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc tham gia phát biểu ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự./.

Minh Hùng - Nghĩa Đức