THẢO LUẬN TỔ 2: CẦN ĐẢM BẢO CÔNG BẰNG, TÍNH TƯƠNG THÍCH VỚI CÁC PHÁP LUẬT LIÊN QUAN TRONG ĐẤU GIÁ BIÊN SỐ XE Ô TÔ

26/10/2022

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 26/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Thảo luận tại Tổ 2, đa số ý kiến nhất trí cao về chủ trương của 2 dự thảo Nghị quyết này và nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành các Nghị quyết này.

THẢO LUẬN TỔ 2: NỘI QUY KỲ HỌP GÓP PHẦN THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI NGÀY CÀNG CHUYÊN NGHIỆP, BÀI BẢN

 

Toàn cảnh Phiên thảo luận Tổ 2. Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng chủ trì nội dung thảo luận.

Tổ 2 gồm 28 đại biểu của Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh. Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi làm Trưởng đoàn. Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng chủ trì nội dung thảo luận Tổ 2.

Thảo luận tại Tổ 2, đa số các đại biểu đồng tình, đánh giá cao dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá và nhấn mạnh về sự cần thiết ban hành Nghị quyết này.

Thực tế xã hội cho thấy nhiều cá nhân, tổ chức có nhu cầu sở hữu những biển số theo sở thích, thường gọi là “biển số đẹp” tùy theo quan niệm và sẵn sàng trả giá cao đối với các biển số đó. Việc cấp quyền lựa chọn sử dụng “biển số đẹp” bằng hình thức đấu giá vừa đáp ứng được nhu cầu của cá nhân, tổ chức, tạo sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu và cũng là tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Từ năm 2017 đến nay, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Tuy nhiên, Chính phủ thấy rằng việc đấu giá biển số ô tô nếu thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành sẽ gặp vướng mắc về pháp lý, khó đạt được hiệu quả cao, bởi vậy cần có những quy định mang tính đặc thù so với các quy định của pháp luật hiện hành.

Do đó, các đại biểu cho rằng, cần có quy định pháp luật để điều chỉnh việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá để triển khai hiệu quả công tác này, cụ thể là cần có một số quy định khác với các luật hiện hành như (1) Luật Quản lý tài sản công; (2) Luật Giao thông đường bộ; (3) Luật Đấu giá tài sản.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh.

Nhất tri về chủ trương này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, dự thảo Nghị quyết còn nhiều chi tiết, có một số điều cần xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, và cử tri cũng rất quan tâm Nghị quyết này. Đại biểu cho rằng, Quốc hội chỉ nên ban hành Nghị quyết giao Chính phủ tổ chức thực hiện chủ trương này, còn nhiều chi tiết của dự thảo có thể nằm trong Nghị định của Chính phủ thì hợp lý hơn. Đây là vấn đề mới, nội dung liên quan đến hàng chục triệu người dân nên quá trình thực hiện triển khai có nhiều vấn đề không như dự tính thì Chính phủ chủ động chỉnh sửa.

Chính phủ đã chỉ đạo, giao Bộ Công an quản lý và dựa theo kết quả đấu giá để cấp số. Còn vấn đề tổ chức đấu giá thực hiện, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, không nhất thiết giao Bộ Công an nhằm tránh nặng nề bộ máy quản lý, có thể giao cho bộ ngành khác cùng phối hợp quản lý.

Đồng thời đại biểu Trương Trọng Nghĩa băn khoăn thế nào là “số đẹp,” có mấy loại “số đẹp”, nếu không phân loại, đưa ra khái niệm cụ thể thì không tổ chức thực hiện được. Đấu giá “số đẹp” mang tính chất khác nhau ở mỗi vùng miền, vì quan niệm ở mỗi nơi khác nhau, vậy việc tổ chức đấu giá nên xử lý thế nào? Đại biểu cho rằng nên giao Chính phủ và các bộ ngành bàn sâu hơn các vấn đề cụ thể này.

Băn khoăn tên gọi của Nghị quyết, dại biểu Dương Văn Thăng cho rằng, tên gọi chưa phản ánh đúng bản chất pháp lý của đấu giá biển số xe ô tô. Theo đó, việc cấp quyền sử dụng biển số ô tô chỉ là hệ quả cho việc đấu giá biển số ô tô. Vì vậy, tên gọi của Nghị quyết nên sửa là Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số ô tô. Sau này việc khởi tố, khởi kiện các hành vi cũng như các văn bản liên quan đến quá trình này có thể sẽ khởi kiện hành chính thì tên gọi như dự thảo thì không phù hợp.

Theo Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017, biển số xe được coi là tài sản. Do vậy tên gọi của Nghị quyết cần được điều chỉnh để thực hiện đầy đủ nội dung của Luật Đấu giá, Luật Tài sản công…. Đại biểu đề nghị cần đánh giá lại tên gọi của dự thảo Nghị quyết.

Về vấn đề bước giá, đại biểu Dương Văn Thăng đề nghị bổ sung quy định bước giá 5 triệu đồng vào dự thảo Nghị quyết. Về việc xác định bước giá 5 triệu đồng, dự thảo Nghị quyết khác với quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 (quy định Bước giá do người có tài sản đấu giá quyết định và thông báo bằng văn bản cho tổ chức đấu giá tài sản đối với từng cuộc đấu giá), do vậy dự thảo Nghị quyết chưa đưa vào trong quy định nội dung này.

Liên quan quy định đấu giá, đại biểu Dương Văn Thăng đề nghị bổ sung các quy định cho đầy đủ các trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá và một người trả giá.

Đề cập đến quyền và nghĩa vụ của người đấu giá (Điều 3), đại biểu Dương Văn Thăng đề nghị quy định rõ có được thế chấp, cầm cố, cho thuê hay không? Dự thảo Nghị quyết nếu không quy định cụ thể thì có thể áp dụng theo quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Luật Giao thông đường bộ năm 2018 và các văn bản vi phạm pháp luật khác liên quan. Vì theo Luật Đấu giá, người trúng đấu giá là chủ sở hữu biển số đó và có quyền sở hữu theo quy định Điều 158 của Bộ Luật Dân sự. Vì thế, đại biểu Dương Văn Thăng cho rằng, nếu không quy định cụ thể thì chủ sở hữu biển số có quyền được thế chấp, cầm cố, cho thuê, cho mượn biển số ô tô như chủ sở hữu tàn sản thông thường. Tuy nhiên, đây là tái sản công đặc biệt, theo đại biểu, cần phải quy định rõ: không được cầm cố, cho thuê, cho mượn.

Góp ý vào nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ ý nghĩa, mục đích quy định tại Khoản 3 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Đồng thời đề nghị làm rõ những biển số nào được đưa vào đấu giá và những biển số nào không được vào đấu giá; với biển số đấu giá không thành, bao nhiêu lần đấu giá không thành thì đưa vào kho dữ liệu cấp chung, không đưa vào đấu giá.

Về lựa chọn tổ chức đấu giá, theo dự thảo Nghị quyết, trong thời gian thực hiện thí điểm, Bộ Công an sẽ lựa chọn một tổ chức đấu giá có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến mà có kết nối với hệ thống đăng ký quản lý xe ô tô. Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị cơ quan chủ trì cung cấp thông tin hiện nay có bao nhiêu trang điện tử đấu giá mà có kết nối trực tuyến với hệ thống đăng ký quản lý xe ô tô này để có thêm thông tin xem xét.

Đại biểu Dương Ngọc Hải - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh.

Cho rằng việc hợp thức hóa thực trạng này bằng một quy định pháp luật là rất cần thiết để tránh tiêu cực, đại biểu Dương Ngọc Hải băn khoăn làm sao đảm bảo công bằng, đảm bảo tương ương, tương thích với các quy định pháp luật khác, đảm bảo an ninh trật tự và thuận lợi cho công tác quản lý.

“Công bằng ở đây nghĩa là có rất nhiều người muốn sở hữu biển số đẹp nhưng không có tiền để đấu giá. Họ hy vọng rằng khi bốc thăm số ngẫu nhiên thì vẫn có số đẹp. Và chỉ những người có tiền mới đấu giá thì những người kia không bao giờ có điều kiện sở hữu số đẹp”, đại biểu nêu rõ. Do đó cần lưu ý nguyên tắc này.

Về việc đảm bảo tương thích với các quy định pháp luật khác, cụ thể là Bộ luật Dân sự quy định quyền sở hữu tài sản là thừa kế, tặng, cho. Nhưng theo dự thảo Nghị quyết, trong 12 tháng khi trúng đấu giá phải gắn với biển số xe do mình sở hữu mà khoongd dược thừa kế, tặng, cho. Như vậy trái với quy định của Bộ Luật Dân sự. Do đó, đại biểu Dương Ngọc Hải nhấn mạnh, trong thời gian thí điểm cần ổn định,  trật tư, đảm bảo công tác quản lý. Nếu không thì sẽ hình thành đội ngũ chuyên đấu giá rồi tặng cho, bán lại để thu tiền, ảnh hưởng đến công tác quản lý chung.

“Thí điểm nếu rút ngắn càng nhanh càng tốt để sau thời gian thí điểm có thể sửa quy định pháp luật chính thức để tương ứng, tương thích với các quy định pháp luật khác, đảm bảo các quyền, đặc biệt là quyền sở hữu tặng, cho, thừa kế”, đại biểu Dương Ngọc Hải giải thích thêm.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng, quy định theo vùng 1, vùng 2 không cần thiết vì tất cả biển số trong cả nước được công khai. Đồng thời cần xem xét lại các khái niệm “số đẹp ít” và “số rất đẹp”, hoặc số mà người đó thích, có ý nghĩa với họ nhưng chưa phải số đẹp… để đưa ra mức giá khởi điểm khác nhau sao cho hợp lý, không thể đồng nhất.

Cũng tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Đa số ý kiến nhất trí chủ trương ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Buôn Ma Thuột và nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Nghị quyết này. Các ý kiến đề nghị sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu một số cơ chế đặc thù phù hợp, tạo động lực phát triển vùng Tây Nguyên, trong đó lưu ý: (1) Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng sạch; phát triển chuỗi giá trị sản phẩm đối với một số cây trồng đặc thù..; (2) Ưu đãi đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng xanh, sinh thái, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; (3) Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là y tế, giáo dục./.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận Tổ 2:

Đề cập đến quyền và nghĩa vụ của người đấu giá (Điều 3), đại biểu Dương Văn Thăng đề nghị cần quy định rõ có được thế chấp, cầm cố, cho thuê biển số xe ô tô hay không? Dự thảo Nghị quyết nếu không quy định cụ thể thì có thể áp dụng theo quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Luật Giao thông đường bộ năm 2018 và các văn bản vi phạm pháp luật khác liên quan.

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang đồng tình Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá và góp ý vào Điều 3, người trúng đấu giá thì được đăng ký gắn với xe ô tô thuộc sở hữu của mình. 

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân góp ý vào dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, đại biểu Đỗ Đức Hiển trình bày lí do tại sao xem xét dự thảo Nghị quyết này. Đồng thời nhất trí với đại biểu Dương Văn Thăng, kho số xe ô tô là tài sản công, để tránh không minh bạch, đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng cần có nhiều thí điểm và Chính phủ đề xuất thí điểm trên phạm vi cả nước. Thời gian thí điểm dự kiến 3 năm.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức đánh giá cao Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chi tiết, đầy đủ, tổng hợp ý kiến của rất nhiều đại biểu, các ban ngành liên quan tham gia. Tuy nhiên còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến tên gọi của Nghị quyết. Đại biểu cho rằng để tránh tiêu cực và đảm bảo quyền của người dân, cần thu NSNN.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân góp ý vào Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Đề nghị nên có chính sách ưu đãi mạnh hơn, ở dự thảo Nghị quyết hiện này đề cập còn khiêm tốn, do đó cần khuyên khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư công nghệ để chế biến nông sản. Đồng thời Nhà nước và Bộ Nội vụ nên quan tâm đến cơ chế, chính sách đặc thù để hút được các chuyên gia, nhà khoa học và tài năng đặc biệt. 

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị ưu tiên đầu tiên là hạ tầng giao thông để kết nối với các địa phương khác, ưu tiên đầu tư các tuyến giao thông, kết nối với các vùng phát triển cà phê, kết nối vùng du lịch. Đồng thời cần có nguồn ngân sách nhất định để khôi phục, duy trì các văn hóa đặc trưng của đồng bảo dân tộc ở Buôn Ma Thuột.

Đại biểu Trần Anh Tuấn đề nghị cần có chính sách đặc thù để Buôn Ma Thuột phát triển sàn giao dịch hàng hóa, trung tâm giao dịch hàng hóa cho các sản phẩm cây công nghiệp của Tây Nguyên.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức