THẢO LUẬN TỔ 7: RÀ SOÁT, QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐẤU GIÁ BIỂN SỐ XE Ô TÔ

26/10/2022

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 26/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số xe ô tô thông qua đấu giá; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Thảo luận tại Tổ 7, các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành các Nghị quyết đồng thời, góp ý vào nhiều nội dung cụ thể quy định tại Dự thảo…

THẢO LUẬN TỔ 7: CẦN BỔ SUNG, LÀM RÕ CÁC ĐỐI TƯỢNG BÁO CÁO TRONG DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN (SỬA ĐỔI)

TIỀN LƯƠNG LÀ CHÍNH SÁCH ĐẶC BIỆT TRONG CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

THẢO LUẬN TẠI TỔ 7: KẾT QUẢ TÍCH CỰC TRONG PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2022 LÀ NỖ LỰC CỦA CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

 

Toàn cảnh phiên họp tại Tổ 7

Tại Tổ 7 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Nam, Đồng Tháp, do Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy điều hành nội dung thảo luận.

Cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số xe ô tô thông qua đấu giá, các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết ban hành và nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người mua xe muốn được cấp biển số xe theo mong muốn cá nhân; bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Theo các đại biểu, Dự thảo Nghị quyết có một số chính sách mới, khác với quy định của một số luật hiện hành, nên cần trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 về thẩm quyền, hình thức văn bản.

Góp ý vào nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết, đại biểu Vương Quốc Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, khái niệm về biển số đấu giá là vấn đề quan trọng. Theo đại biểu, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc nghiên cứu sửa đổi theo hướng thiết kế lại khoản 1, Điều 2 cho rõ ràng hơn, tách thành các điểm quy định rõ nội dung về loại biển số ô tô thực hiện đấu giá, đăng ký lựa chọn biển số ô tô chưa đưa ra đấu giá; loại biển số ô tô không thực hiện đấu giá;…

Đồng thời, đại biểu tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc mở rộng phạm vi thí điểm đấu giá biển số xe ô tô có nền màu vàng, chữ màu đen, biển số xe mô tô và xe gắn máy để góp phần tăng ngân sách nhà nước, khai thác có hiệu quả tài sản công là kho biển số, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Đại biểu Vương Quốc Thắng cũng cho biết, tại Điều 158, Bộ Luật Dân sự 2015 quy định quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu. Do vậy, tại dự thảo Nghị quyết cần cân nhắc kỹ quy định hạn chế quyền của người trúng đấu giá, người nhận quyền chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế;…

Đồng tình với sự cần thiết của việc ban hành Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số xe ô tô thông qua đấu giá, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho rằng về phạm vi điều chỉnh, dự thảo nghị quyết quy định mang tính chất liệt kê các nội dung. Do đó, cần nghiên cứu quy định về phạm vi điều chỉnh tại dự thảo mang tính chất khái quát hơn.

Về loại biển số đấu giá tại Điều 2, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị nên quy định những biển số nào sẽ thực hiện đấu giá, loại biển số nào thì thực hiện không đấu giá. Đồng thời, cần chia các khung biển số vì theo như quy định trong dự thảo hiện nay thì số lượng biển số là rất lớn, nên có quy định cụ thể để tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện.

Cũng theo đại biểu, dự thảo Nghị quyết cần rà soát, quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục đấu giá và thực hiện việc xác định giá khởi điểm để việc tổ chức thực hiện trên thực tế đảm bảo đúng chủ trương, mục đích đề ra.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình

Liên quan đến quy định về phương thức đấu giá, đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị, nên cân nhắc giao cho các địa phương tự tổ chức thực hiện, hoặc thực hiện theo cụm khu vực một số tỉnh; có sự giám sát của Bộ Công an và sự phối hợp của Bộ Tài chính, các ngành liên quan để đảm bảo chặt chẽ, tránh áp lực lên Bộ Công an khi tổ chức đấu giá trong toàn quốc, đồng thời tạo điều kiện để người dân ở các tỉnh được tham gia đấu giá biển số ngay tại địa phương mình.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị, nên chia nhóm biển số thành nhóm biển là một dãy số đồng nhất (nhóm biển siêu đẹp) và nhóm biển gồm những số được yêu thích (biển đẹp); xem xét bỏ những con số được coi là không đẹp, không may mắn ra khỏi kho số không đấu giá để người dân yên tâm;...

Cũng tại phiên họp Tổ, các đại biểu còn cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Qua thảo luận, các đại biểu bày tỏ tán thành việc ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk là cần thiết. Tuy nhiên, các đại biểu lưu ý, dự thảo Nghị quyết phải thể chế hóa được đầy đủ, đúng đắn tinh thần Kết luận 67 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Buôn Ma Thuột; Các chính sách phải góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh đặc thù; tạo bước đột phát trong tăng trưởng; bảo đảm tính lan tỏa vùng miền, tạo tiền đề phát triển không chỉ đối với thành phố Buôn Ma Thuột mà cần tác động sâu rộng đối với cả khu vực Tây Nguyên; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả thực chất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải – Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam

Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải – Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho biết, thành phố Buôn Ma Thuột có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Việc ban hành cơ chế đặc thù sẽ góp phần tạo tiền đề thu hút đầu tư; nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tán thành sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích những yếu tố, nét đặc thù của thành phố trong phát triển, có tác động lan tỏa tới cả vùng Tây Nguyên. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng lưu ý nghiên cứu quy định về cơ chế phù hợp để đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị sản phẩm đối với một số cây trồng đặc thù; ưu đãi đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là y tế, giáo dục;...

Khẳng định đây là trường hợp đặc biệt khi lần đầu tiên Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho một đơn vị hành chính cấp huyện là thành phố trực thuộc tỉnh, các đại biểu tập trung thảo luận về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, về quản lý tài chính ngân sách nhà nước, về các chính sách ưu đãi thuế, về quản lý quy hoạch đô thị;…

Chiều cùng ngày, Quốc hội làm việc phiên toàn thể tại hội trường nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự. Đồng thời, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Một số hình ảnh tại phiên họp Tổ 7:

Toàn cảnh phiên họp tại Tổ 7

Đại biểu Vương Quốc Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam 

Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Nguyễn Thành Trung, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái

 Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy điều hành nội dung thảo luận

 Tổ 7 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Nam, Đồng Tháp

Lê Anh - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác