THẢO LUẬN TẠI TỔ 10: QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ CHẾ TÀI ĐỐI VỚI VIỆC CHẬM GỬI TÀI LIỆU

24/10/2022

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 24/10, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Tại Tổ 10, nhiều đại biểu đề nghị làm rõ các nội dung trong dự thảo Luật để quy định cụ thể, tưởng minh hơn nữa về chế tài đối với việc các cơ quan hữu quan chậm gửi tài liệu đến Quốc hội.

THẢO LUẬN TỔ 1: XÁC ĐỊNH RÕ PHẠM VI TÀI LIỆU MẬT GỬI TỚI ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

THẢO LUẬN TẠI TỔ 10: CẦN GIẢI PHÁP BÌNH ỔN GIÁ CẢ, TẠO MÔI TRƯỜNG KINH DOANH THUẬN LỢI

Toàn cảnh phiên họp

Tổ 10 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk, Lào Cai.

Tại phiên họp, đa số các đại biểu bày tỏ đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Nội quy Kỳ họp nhằm cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn với nhiều quy trình, thủ tục mới được cập nhật, góp phần thúc đẩy hoạt động của Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, bài bản và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các kỳ họp Quốc hội.

Thảo luận tại Phiên họp, đại biểu Lê Tiến Châu, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho biết, Luật Tổ chức Quốc hội không có quy định cụ thể nội dung nào thảo luận, nội dung nào quyết định tại kỳ họp bất thường. Do vậy, việc dự thảo Nghị quyết quy định về nội dung này là không cần thiết và vượt thẩm quyền.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị dự thảo Nghị quyết quy định rõ ràng về trách nhiệm tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo về nhân sự. Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Quốc hội quy định chủ thể trình đề nghị cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ là Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy cho nên chủ thể này cũng sẽ có thẩm quyền xem xét, quyết định các vấn đề liên quan đến tiếp thu, chỉnh lý Nghị quyết. Về nguyên tắc là như vậy rồi. Khoản 1, Điều 38 thì quy định thẩm quyền này cũng là của Thủ tướng nhưng đến điểm i, khoản 2, Điều 38 thì chuyển thẩm quyền này từ Thủ tướng sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo nghị quyết. Đại biểu Lê Tiến Châu đề nghị điều chỉnh quy định này để đảm bảo thống nhất trong dự thảo Nghị quyết cũng như trong hệ thống pháp luật.

Về vấn đề giải trình ý kiến tại tổ, đại biểu cho biết, từ trước tới nay, các diễn biến nội dung ở các phiên họp tổ chỉ tổng hợp chung thôi, sau đó chủ thể chủ trì dự án luật đó sẽ cung cấp thông tin tiếp thu, giải trình. Hiện nay, để nâng cao trách nhiệm của cơ quan trình, đại biểu Quốc hội trình dự án luật phải cung cấp thông tin, giải trình cụ thể những vấn đề tại tổ. Nhiều đại biểu cho rằng quy định này thiếu tính khả thi, vì để thực hiện được việc này thì cơ quan chủ trì phải cử người có đủ năng lực, hiểu biết tới tất cả các tổ để nắm bắt tinh thần tiếp thu, rồi cung cấp thông tin để  giải trình. Đại biểu cho rằng cần cân nhắc kỹ quy định này.

Các đại biểu phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận

Về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi tham dự kỳ họp, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Nghị quyết lần này đã quy định rõ hơn trách nhiệm nghĩa vụ của đại biểu Quốc hội, từ đó nâng cao hơn chất lượng các cuộc thảo luận. Tuy nhiên tại khoản 2 điều 3 quy định trách nhiệm của đại biểu Quốc hội không thể tham dự phiên họp tại kỳ họp, cụ thể, trường hợp không thể tham dự phiên họp tại kỳ họp, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm sau đây: Báo cáo Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, đồng thời thông báo đến Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp báo cáo Chủ tịch Quốc hội nếu vắng mặt tổng số từ 02 ngày làm việc trở xuống trong cả kỳ họp; Báo cáo bằng văn bản, có nêu rõ lý do đến Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, đồng thời thông báo đến Tổng Thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội quyết định nếu không thể tham dự kỳ họp hoặc vắng mặt tổng số trên 02 ngày làm việc trong cả kỳ họp.

Có ý kiến đề nghị nên quy định những trường hợp nghỉ trên 2 ngày liên tiếp thì mới cần có văn bản, để đảm bảo linh hoạt cho các đại biểu trong việc thực hiện nhiệm vụ, công việc đột xuất, cấp bách, hoặc xử lý các vấn đề công việc phát sinh bất khả kháng. Các đại biểu cũng đề nghị cân nhắc để quy định phù hợp hơn đối với trường hợp một số đại biểu bắt buộc phải vắng mặt tại một số phiên họp toàn thể, họp Tổ ... để tham gia các cuộc làm việc với cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan về tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ thuật các dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thì không coi là vắng họp. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, trong các trường hợp đó, thủ tục báo cáo, xin phép cần đơn giản hơn, cần thông báo cho Tổng Thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội.

Về tài liệu phục vụ Kỳ họp, điều 7 trong dự thảo đã bổ sung các chế tài nhằm khắc phục việc gửi chậm tài liệu của các cơ quan hữu quan. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh- Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai đề nghị cần quy định rõ việc công khai cơ quan chậm gửi tài liệu cần được thực hiện công khai ngay trong Kỳ họp, hay khi Kỳ họp kết thúc, hay vào cuối năm?

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu của ban soạn thảo Nghị quyết, quy định việc công khai thông tin về chậm gửi tài liệu là cơ sở để đánh giá việc thực hiện trách nhiệm của các cơ quan. Đại biểu đặt câu hỏi, việc đánh giá này cụ thể được tiến hành như thế nào, có được lồng ghép trong thi đua, khen thưởng hay không, hay bằng hình thức nào. Về điểm này, cần quy định cụ thể để đảm bảo tính rõ ràng.

Về thời lượng phát biểu, các đại biểu đề nghị quy định rõ, từ lần phát biểu thứ 3 thì thời lượng phát biểu cụ thể là bao nhiêu. Cùng quan tâm đến vấn đề thời lượng phát biểu, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung cho rằng, ngay từ đầu phiên họp, qua số lượng đăng ký phát biểu, người điều hành phiên họp đã có thể ước lượng được thời lượng cần thiết cho mỗi lần phát biểu để đảm bảo phiên họp diễn ra đúng theo thời gian dự định và mỗi đại biểu đều có quyền phát biểu ngang nhau. Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung kiến nghị, người điều hành phiên thảo luận nên giới hạn thời gian phát biểu của các đại biểu ngay từ đầu phiên họp, tránh trường hợp các đại biểu phát biểu đầu giờ có thời lượng phát biểu dài hơn các đại biểu phát biểu sau.

Ngoài ra, trong dự thảo Nghị quyết có quy định, trường hợp đại biểu Quốc hội nhận được thông tin xấu, độc về những nội dung đang được xem xét, quyết định tại kỳ họp thì có trách nhiệm thông báo với Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội và Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ nội hàm của “thông tin xấu độc”, đồng thời cũng cần giải thích kỹ quy trình xử lý với từng loại hình thông tin xấu độc cụ thể. 

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Quang cảnh phiên họp

Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tại phiên họp

Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang tại phiên họp

Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai tại phiên họp

Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc tại phiên họp

Đại biểu Lê Ngọc Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk nêu ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận

Đại biểu Lê Tất Hiếu tham gia đóng góp ý kiến 

Đại biểu Ngô Trung Thành- Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu thảo luận./.

Minh Hùng- Nghĩa Đức