THẢO LUẬN TẠI TỔ 15: “PHẤN KHỞI” NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC “CHỦ QUAN”

22/10/2022

Sáng ngày 22/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Đa số các ý kiến tại Tổ 15 cho rằng những kết quả đã đạt được rất đáng "phấn khởi" nhưng không nên "chủ quan".

Toàn cảnh phiên họp

Tổ 15 gồm các đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa.

Thực hiện khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ

Theo Tờ trình của Chính phủ, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời đề ra các định hướng, quyết sách lớn của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chủ động, tích cực, đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kiều bào ta ở nước ngoài; sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình KTXH trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Các đại biểu tại phiên họp

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,73%, ước cả năm khoảng 4%. Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định; tăng trưởng tín dụng 9 tháng đạt khoảng 11%, tập trung nhiều cho sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; khu vực dịch vụ phát triển sôi động trở lại nhờ kiểm soát được dịch bệnh. Sự phục hồi kinh tế diễn ra khá đồng đều giữa các địa phương, trong đó nhiều địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao. Các ngân hàng thương mại yếu kém, doanh nghiệp thua lỗ, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả kéo dài đã và đang được quyết liệt tháo gỡ, xử lý; thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt kết quả tích cực. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát an toàn. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam...

Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí với các kết quả đạt được theo Báo cáo của Chính phủ. Trong bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến mới, nhanh chóng và phức tạp, gây ra không ít khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo, nhưng do có sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự đồng hành chủ động, tích cực, linh hoạt và giám sát chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt, bài bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và kết quả tốt đẹp của hội nhập quốc tế, chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả….

Sự cố gắng của toàn dân, toàn hệ thống chính trị

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, nội dung Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp này đã được chuẩn bị kỹ càng, cẩn thận trên cơ sở tổng hợp các ý kiến từ các bộ, ngành, các địa phương, có sự đồng thuận cao trong Trung ương, trong Thường vụ Quốc hội.

Trong bối cảnh hết sức khó khăn, khó khăn hơn cả dự báo, tất cả các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, đoàn thể đều nỗ lực ngoại giao vaccine, sự đóng góp cho quỹ vaccine của các cá nhân, doanh nghiệp…Qua đó cho thấy, giúp đất nước vượt qua đại dịch và phục hồi không phải là việc riêng của Chính phủ, ở đây có sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tầng lớp nhân dân. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, thành công về kinh tế-xã hội 9 tháng qua là sự cố gắng, nỗ lực của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và hệ thống chính trị.

Các tổ chức kinh tế thế giới đã có sự thay đổi trong đánh giá khả năng phục hồi kinh tế Việt Nam. Việt Nam đang đi ngược lại với thế giới, trong khi thế giới lạm phát, Việt Nam ổn định; trong khi kinh tế thế giới suy giảm tăng trưởng Việt Nam tăng trưởng cao vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

“Phấn khởi” nhưng không được “chủ quan”

Đại biểu Lê Hữu Trí- Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng, trong bối cảnh thế giới có những diễn biến mới, nhanh chóng và phức tạp, khó lường, bối cảnh kinh tế trong nước cũng mới đang bắt đầu phục hồi, những kết quả về kinh tế- xã hội đạt được trong 9 tháng vừa qua là điểm sáng hết sức phấn khởi.

Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng, trong bối cảnh đất nước ta vẫn đang đối mặt với đại dịch Covid- 19, thiên tai, dịch bệnh, bão lũ liên tục, thì những con số kết quả trong Báo cáo của Chính phủ về kinh tế xã hội trong 9 tháng đầu năm  là rất ngoạn mục, khiến cử tri và nhân dân cả nước phất khởi, vui mừng.

Đại biểu Quốc hội trong Tổ phát biểu

Tuy nhiên, đại biểu tỉnh Quảng trị lưu ý, chúng ta “phấn khởi” chứ không thể “quá lạc quan” để dẫn đến “chủ quan”. Bên cạnh những đề xuất, giải pháp của Chính phủ, trong thời gian tới, đại biểu Thắng đề xuất, Chính phủ cần có những giải pháp căn cơ, mang tính chiến lược lâu dài để ổn định tình hình xăng dầu; đảm bảo công tác phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm; quan tâm, hỗ trợ nhà ở cho giáo viên miền núi, vùng đặc biệt khó khăn…

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu– Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cũng nhấn mạnh, mặc dù những kết quả khả quan đạt được rất đáng phấn khởi nhưng không nên vội hài lòng và chủ quan bởi trong thời gian tới, tình hình thế giới năm  dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Ở trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Cho rằng, các doanh nghiệp là nguồn lực then chốt cho phát triển nền kinh tế, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu đề nghị, Báo cáo của Chính phủ cần đề cập rõ hơn những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp; lý giải thật cụ thể nguyên nhân số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường, số doanh nghiệp giải thể và rút khỏi thị trường đều khá lớn trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đã tạm ổn như hiện nay.

Đại biểu Phan Đức Hiếu cũng nhấn mạnh, Báo cáo của Chính phủ cũng cần biểu dương sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp. Bởi lẽ, theo đại biểu, kết quả tích cực như trên của kinh tế, xã hội có sự đóng góp trực tiếp của cộng đồng doanh nghiệp trong kết quả chung, bên cạnh nỗ lực của các ngành, các cấp. Đặc biệt là khi doanh nghiệp cũng trải qua hai năm rất vất vả, khó khăn vừa qua. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tuy đã phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn do áp lực giá nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất…Đại biểu đề nghị Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên phân tích rõ hơn những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, xem khó khăn nằm ở lĩnh vực nào và những khó khăn chủ yếu là gì.

Ngoài ra, các đại biểu trong Tổ cũng đề nghị Chính phủ làm rõ các giải pháp xử lý được những hạn chế, tồn tại nhiều năm, nhất là trong giải ngân vốn đầu tư công thực hiện một số chương trình mục tiêu quốc gia, việc huy động nguồn lực xã hội, nguồn lực đầu tư công, hiệu quả điều hành một số lĩnh vực còn hạn chế và nhiều vấn đề mới nổi lên chưa được khắc phục hiệu quả nhưng các vấn đề liên quan đến xăng dầu, y tế, giáo dục…/.

Thu Phương- Nghĩa Đức