Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu kết luận buổi giám sát.
Tiếp đoàn có Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Dương Hồng Thắng; Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hóc Môn Nguyễn Văn Hiệp, đại diện lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể huyện.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiệp thông tin,trong giai đoạn 2020 - 2022, huyện có 15 công trình trường học được đưa vào hoạt động, số phòng học tăng thêm 257 phòng, tổng số học sinh toàn huyện là 96.735 học sinh. Số trường, số học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày mở rộng, 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập; tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THCS, THPT hàng năm ổn định. Kết quả phổ cập giáo dục phổ thông được duy trì vững chắc. Huyện Hóc Môn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập bậc trung học. Tính đến tháng 8 năm 2022, tổng nhân sự tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện là 3.558 người, với 75 trường, 2 đơn vị trực thuộc…
Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn đã trao đổi, so sánh, đánh giá giữa chương trình giáo dục mới với chương trình giáo dục cũ; nội dung bộ sách giáo khoa mới với những ưu điểm, hạn chế và các giải pháp khắc phục; những khó khăn về thiếu giáo viên, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được việc tăng tỷ số học sinh cơ học, chế độ đãi ngộ, tiền lương để thu hút và giữ chân giáo viên, việc tập huấn, bồi dưỡng, phân công để giáo viên đủ chuẩn dạy chương trình tích hợp còn bất cập…
Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Dương Hồng Thắng cho biết, để đánh giá hiệu quả chương trình giáo dục mới là rất khó, vì cần thời gian dài mới có thể đánh giá được hiệu quả bộ sách giáo khoa mang lại. Nhiều ý kiến cho rằng, giá sách hiện nay vẫn còn khá cao, khối lượng kiến thức trong sách giáo khoa mới là rất nhiều, trong đó tập trung phát triển năng lực, phẩm chất cho các em. Đối với việc thực hiện 2 nghị quyết, trên lĩnh vực giảng dạy còn khó khăn nhất định do mỗi năm số lượng học sinh tăng từ 2.000 học sinh. Bên cạnh đó, từ năm 2015 - 2020 huyện có 35 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng đến nay chỉ có 3 dự án được ghi vốn đầu tư công. Còn 32 dự án chưa được ghi vốn gây khó khăn cho việc xây dựng cơ sở vật chất. Ngoài ra, huyện kiến nghị cần có cơ chế, chính sách để nâng thu nhập cho giáo viên…
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hóc Môn Nguyễn Văn Hiệp trao đổi tại buổi giám sát.
Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết đánh giá huyện Hóc Môn là một trong những địa phương thực hiện 2 nghị quyết này khá bài bản. Việc lựa chọn sách giáo khoa tiến hành đầy đủ, công khai, minh bạch, đảm bảo học sinh có sách học. Đoàn giám sát chia sẻ những khó khăn của huyện trong việc triển khai thực hiện 2 nghị quyết do thời gian tập huấn ngắn, tập huấn online do dịch bệnh; việc thiếu giáo viên, cơ sở vật chất, các dự án không được ghi vốn… trong điều kiện có nơi, có lớp sĩ số học sinh 56-57 học sinh/lớp, quá cao so với quy định, kéo theo việc đảm bảo cho học sinh học 2 buổi/ngày, phân công giáo viên đứng lớp sẽ gặp rất nhiều khó khăn…
Đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị huyện Hóc Môn cần rà soát và quy hoạch mạng lưới trường lớp trong giai đoạn mới; quan tâm đầu tư thiết bị tối thiểu trong việc dạy học theo Thông tư 37, phê duyệt mua sắm đầu tư thiết bị dạy học cho lớp 3, lớp 7; quan tâm bồi dưỡng cho giáo viên đảm bảo đủ chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục, bổ sung giáo viên còn thiếu và tập huấn cho giáo viên mới. Bên cạnh đó, huyện cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện ưu điểm, mô hình hay để nhân rộng và xử lý ngay những trường hợp thực hiện chưa đúng quy định.