ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH BÌNH DƯƠNG: KHẢO SÁT, GHI NHẬN CÁC KIẾN NGHỊ VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, CHUYỂN ĐỔI SỐ

25/08/2022

Trong 2 tuần qua, đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương do bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn đã tiến hành các buổi khảo sát thực tế về thực hiện cải cách hành chính (CCHC) và chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn tỉnh.


Ghi nhận nhiều kiến nghị

Trong chương trình, đoàn giám sát đã làm việc với UBND TP.Thủ Dầu Một, UBND TP.Dĩ An; khảo sát thực tế tại xã Tân Long (huyện Phú Giáo), phường Tân Định (TX.Bến Cát). Các thành viên trong đoàn đã tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn trong công tác thực hiện việc CĐS trong CCHC, CĐS trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là việc giải quyết hồ sơ trực tuyến trên môi trường mạng hiện nay như một xu hướng tất yếu, khách quan trong tương lai, nhằm tạo nền tảng vững chắc để báo cáo, kiến nghị cho tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp theo kế hoạch thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy về CĐS.

Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát thực tế tại Trung tâm Phục vụ hành chính công TP.Thủ Dầu Một

Qua các buổi khảo sát thực tế ở cơ sở, đoàn đã lắng nghe các khó khăn, vướng mắc được kiến nghị. Cụ thể là các kiến nghị khắc phục lỗi không truy cập được của Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh để việc đăng ký trực tuyến được thực hiện dễ dàng, tránh việc chờ đợi lâu; kiến nghị Sở Thông tin và Truyền thông kịp thời cập nhật các thủ tục hành chính (TTHC) trên Cổng dịch vụ công tỉnh theo đúng các quyết định công bố TTHC của tỉnh; tăng cường chỉ đạo, tổ chức tập huấn thực hiện số hóa hồ sơ và tổ chức, triển khai Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24-6-2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh, các sở, ngành, đoàn tiếp tục ghi nhận các kiến nghị, như: Khó khăn về thanh toán không dùng tiền mặt, chưa có chính sách khuyến khích để người dân thanh toán không dùng tiền mặt; việc thực hiện chữ ký số, chưa có dữ liệu và chia sẻ dữ liệu dùng chung gây khó khăn trong việc số hóa hồ sơ, thủ tục. Bên cạnh đó, Bình Dương có dân số đông nhưng số lượng đội ngũ cán bộ công chức (CBCC) mỏng, khó đáp ứng nhu cầu trong giải quyết TTHC, xây dựng chính quyền số. Nhiều khó khăn do cơ sở vật chất, chế độ tài chính, chế độ chính sách cho đội ngũ CBCC trực tiếp làm việc tại bộ phận “một cửa” các cấp được nêu lên, nhất là áp lực về số lượng hồ sơ phát sinh nhiều tại các địa phương đông dân cư của tỉnh, như: Bình Hòa, An Phú, Thuận Giao, Bình Chuẩn (TP.Thuận An), An Bình, Tân Bình, Bình Thắng, Tân Đông Hiệp (TP.Dĩ An)…

Cần có lộ trình, tạo sự vững chắc

Trong buổi làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành, đoàn giám sát đã nghe nhiều kiến nghị, đề xuất. Ông Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Việt Đức, đại biểu HĐND tỉnh, chuyên gia do đoàn giám sát mời, cho rằng: “Trong giải quyết TTHC mức độ 3, mức độ 4 hiện nay còn nhiều vướng mắc, thiếu đồng bộ. Chúng ta không nên CĐS chạy theo chỉ tiêu đề ra, làm bằng mọi giá mà phải có lộ trình rõ ràng; cần phải có nhiều kế hoạch nhỏ cho kế hoạch lớn, phải làm từng bước và có lộ trình cụ thể. Yếu tố con người, yếu tố tài chính, yếu tố công nghệ… cần phải chuẩn bị vững chắc, đồng bộ. Vì mục đích cuối cùng của CĐS, xây dựng chính quyền số là phục vụ lợi ích nhân dân”.

Qua các chuyến khảo sát, nhiều khó khăn do cơ sở vật chất, chế độ tài chính, chế độ chính sách cho đội ngũ CBCC trực tiếp làm việc tại bộ phận “một cửa” các cấp đã được nêu lên, nhất là áp lực về số lượng hồ sơ phát sinh nhiều tại các địa phương đông dân cư của tỉnh, như: Bình Hòa, An Phú, Thuận Giao, Bình Chuẩn (TP.Thuận An), An Bình, Tân Bình, Bình Thắng, Tân Đông Hiệp (TP.Dĩ An)… 

Các thành viên đoàn giám sát và các chuyên gia khách mời đến từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh đã nêu các kiến nghị về chính sách cho cán bộ, công tác đào tạo CBCC thời 4.0, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, tổ chức; công tác rà soát, loại bỏ những văn bản là rào cản trong chuyển đổi; kiến nghị Trung ương ban hành tổng thể TTHC ngành dọc, hướng dẫn mô hình “Đơn vị hành chính đặc thù”…

Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân nhìn nhận, thời gian qua công tác CCHC và CĐS đã được các cấp, các ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện tốt. Qua đó, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực về cải cách thể chế; rà soát, đơn giản hóa TTHC, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước được chú trọng thực hiện. Bộ máy các cấp nhìn chung đã được tinh gọn, giảm đầu mối, phần nào khắc phục được sự chồng chéo, trùng lắp, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, vướng mắc. Đoàn sẽ tìm hiểu kỹ lưỡng tất cả những khó khăn, kiến nghị để có cái nhìn toàn diện nhằm báo cáo, đề xuất tham mưu cho tỉnh đề ra các giải pháp tốt hơn thực hiện trong thời gian tới.

(Theo Báo điện tử Bình Dương)