ĐOÀN ĐBQH TỈNH PHÚ THỌ LẤY Ý KIẾN ĐÓNG GÓP DỰ THẢO LUẬT THANH TRA (SỬA ĐỔI)

12/08/2022

Ngày 12/8, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ chủ trì, phối hợp với Thanh tra tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) chuẩn bị trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Đồng chí Nguyễn Thành Nam - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị.


Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thành Nam phát biểu tại buổi lấy ý kiến đóng góp

Luật Thanh tra năm 2010 được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao hoạt động thanh tra, góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, Luật Thanh tra năm 2010 còn chưa cụ thể hóa quan điểm đổi mới của Đảng trong hơn 10 năm qua và Hiến pháp năm 2013 và bộc lộ những hạn chế, gây khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tại buổi lấy ý kiến, về cơ bản, các đại biểu đồng tình, nhất trí với Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị, nên giữ nguyên thanh tra cấp huyện cũng như cơ cấu tổ chức của hệ thống ngành Thanh tra hiện nay. Có ý kiến khác cho rằng, về quy mô bộ máy thanh tra cần quy định cụ thể, cho đồng bộ, nói rõ đơn vị nào, ngành nào cần có thanh tra, không nên thể hiện “tùy vào điều kiện cụ thực tế để xây dựng tổ chức thanh tra” sẽ dẫn đến tùy tiện, không chính đáng; nên giao quyền cho UBND cấp tỉnh thống nhất quản lý biên chế lực lượng làm công tác thanh tra tại các sở, ngành và các địa phương.

Đại diện thanh tra một số sở, ngành như: Sở Tư pháp, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Dân tộc, Quản lý thị trường... cũng làm rõ thêm về hoạt động, kết quả thanh tra chuyên ngành của từng đơn vị; có hay không sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra chuyên ngành, thanh tra thường xuyên và thanh tra hành chính ở các địa phương...

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, đồng chí Nguyễn Thành Nam tiếp thu và ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu. Các ý kiến đóng góp sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp chuyển đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, đồng thời làm cơ sở để Đoàn ĐBQH tỉnh nghiên cứu tham gia phát biểu ý kiến tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

(Theo Báo điện tử Phú Thọ)