Hội nghị Tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021, triển khai kế hoạch công tác năm 2022 khu vực miền Bắc
Năm 2021, HĐND thành phố Hải Phòng đã cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, Thành ủy bằng việc ban hành 84 nghị quyết HĐND thành phố (tăng 64,7% so với trung bình năm nhiệm kỳ 2016-2021). Trong đó có 24 nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án cấp bách, trọng điểm; 18 nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công, ngân sách địa phương; 06 nghị quyết quy định chính sách đặc thù của thành phố; 04 nghị quyết về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, 05 nghị quyết quy định mức chi và mức phí.v.v...tập trung xác định rõ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu - chi ngân sách nhà nước, đầu tư công, các dự án đầu tư chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng giao thông, các cơ chế chính sách đặc thù trong công tác phòng chống dịch Covid-19, thực hiện các chính sách an sinh xã hội của thành phố để các cấp, các ngành thực hiện kịp thời.
Năm 2021, thành phố Hải Phòng được đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện nhiệm vụ vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế và thích ứng linh hoạt, an toàn trong tình hình mới. Kinh tế thành phố tiếp tục có sự tăng trưởng trong tốp đầu cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố tăng 12,38%, gấp khoảng 4 lần bình quân chung của cả nước. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu khác vẫn duy trì tăng trưởng như: Chỉ số sản xuất công nghiệp (+18,5%); kim ngạch xuất khẩu đạt 25,11 tỷ USD (+23,19%); thu nội địa đạt 35.000 tỷ đồng (+6,92%); thu hút vốn FDI đạt 3,13 tỷ USD (+ 91,44%).
Để có được những quyết sách đúng và trúng trong việc ban hành nghị quyết nhất là trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xây dựng và phát triển đô thị, Thường trực HĐND thành phố và các Ban HĐND thành phố đã lựa chọn những nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với điều kiện thực tiễn và gắn với những vấn đề quan trọng, định hướng chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở thành phố như: Việc thực hiện thí điểm xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu; công tác quản lý và bảo vệ nguồn nước ngọt; thu gom, xử lý chất thải rắn nông thôn; việc quản lý, vận hành hệ thống các hồ điều hòa, cống, trạm bơm và việc xử lý úng ngập đô thị trên địa bàn các quận; việc quản lý nhà thuộc sở hữu nhà nước; công tác quản lý, vận hành, cho thuê, bảo trì, cải tạo, sửa chữa nhà ở cũ trên địa bàn thành phố; công tác quản lý, sử dụng tài sản công và thực hiện nghị quyết của HĐND thành phố về dự toán thu, chi ngân sách, kế hoạch đầu tư công năm 2021. Các cuộc giám sát được triển khai đảm bảo quy trình, chú trọng khảo sát thực tế từ địa phương, cơ sở để nắm bắt, đánh giá toàn diện việc chấp hành pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của HĐND thành phố, qua đó đã phát hiện và kịp thời kiến nghị với các cơ quan chức năng nhiều vấn đề cần quan tâm trong công tác quản lý nhà nước. Các kiến nghị sau giám sát, khảo sát đã được cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng chịu sự giám sát tiếp thu và chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước; đề nghị UBND thành phố xây dựng nghị quyết đối với những nội dung quan trọng.
Kỳ họp HĐND thành phố Hải Phòng
Thường trực HĐND thành phố Hải Phòng điều hành linh hoạt, phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng trong công tác tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết và tổ chức các hoạt động giám sát, thẩm tra kịp thời, đúng trọng tâm giúp HĐND thành phố đã ban hành những biện pháp, cơ chế chính sách, quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án của thành phố để phát triển đô thị ngày càng văn minh, hiện đại theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc nâng cao hiệu lực hiệu quả quyết định của HĐND thành phố trong lĩnh vực phát triển kinh tế, nhất là xây dựng và phát triển đô thị, theo Thường trực HĐND, thứ nhất, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng đối với hoạt động của HĐND thành phố. Việc xây dựng chương trình hoạt động của HĐND cần bám sát Chương trình hành động của Thành ủy, các nghị quyết chỉ thị của Đảng và các chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước.
Chủ động, tích cực, đổi mới hoạt động của HĐND thành phố trên cơ sở phát huy cao trách nhiệm của đại biểu HĐND, các Ban HĐND, nhất là các đại biểu HĐND chuyên trách. Phát huy tính tiền phong, gương mẫu, tinh thần trách nhiệm của người đại biểu dân cử với cử tri, nhất là tính chủ động, sáng tạo, tích cực đổi mới trong hoạt động giám sát, thẩm tra, chất vấn, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tham gia ý kiến xây dựng pháp luật...của đại biểu HĐND thành phố.
Thứ hai, HĐND cần bám sát các quy định của pháp luật để thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, thể hiện vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương đã được ghi trong Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 để từ đó góp phần nâng cao vị thế của HĐND, bảo đảm HĐND hoạt động thực sự hiệu quả, thực quyền, tạo được sự tín nhiệm, tôn trọng của các cơ quan, đơn vị và cử tri thành phố.
Thứ ba, tăng cường mối quan hệ phối hợp hoạt động giữa HĐND thành phố với Đoàn ĐBQH, UBND, Ủy ban MTTQVN thành phố và các cơ quan, tổ chức hữu quan. Ban hành, sửa đổi các Quy chế phối hợp hoạt động cho phù hợp với thực tiễn và quy định pháp luật; đồng thời triển khai các chương trình công tác lớn, nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá của thành phố theo Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố đã để ra với những giải pháp then chốt là “Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở phát triển 03 trụ cột kinh tế chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao; cảng biển, logictics; du lịch, thương mại...”.
Thứ tư, chú trọng nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu HĐND bằng việc thường xuyên cử cán bộ hoặc tổ chức các hội nghị tập huấn, hội thảo chia sẻ, trao đổi những kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động của đại biểu hoặc cập nhật thông tin về những chính sách pháp luật mới ban hành nhất là những văn bản luật chuyên ngành.
Thứ năm, trong phát triển kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, HĐND thành phố Hải Phòng đã tập trung ổn định tạo sự ổn định, đoàn kết, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, đột phá trong cải cách hành chính, thu, chi ngân sách, thu hút đầu tư.
Thứ sáu, tăng cường phối hợp với UBND thành phố chỉ đạo xây dựng các nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp phụ trợ, tham gia chuỗi giá trị, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; nghị quyết phát triển du lịch biển gắn với bảo vệ môi trường nhằm phát huy tối đa những tiềm năng lợi thế về kinh tế cảng biển, du lịch dịch vụ của thành phố Hải Phòng.
Thường trực HĐND thành phố tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 6 của HĐND thành phố
Thứ bảy, HĐND thành phố nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động giám sát, trong đó có giám sát tại kỳ họp thông qua hoạt động chất vấn và tái chất vấn; xem xét các báo cáo của UBND thành phố và các ban ngành liên quan đồng thời tăng cường giám sát chuyên đề giữa hai kỳ họp, trong đó chú trọng lựa chọn những vấn đề giám sát trọng tâm, trọng điểm về lĩnh vực kinh tế đô thị như: các vấn đề về quy hoạch, bảo vệ môi trường, việc triển khai các dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực xây dựng, đô thị, giao thông; việc quản lý, sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên khoáng sản; việc quản lý sử dụng các nguồn thu ngân sách và sử dụng vốn đầu tư công; việc giải quyết các vướng mắc kiến nghị của cử tri về tái định cư, bồi thường giải phóng mặt bằng.v.v...
Để tiếp tục nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp để HĐND phát huy đầy đủ vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, Thường trực HĐND Thành phố Hải Phòng đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo một số vấn đề hoàn thiện pháp luật, cải tiến quy trình công tác, phối hợp với các cơ quan liên quan.
Theo đó, sớm rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các pháp luật chuyên ngành bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo và khắc phục những vướng mắc từ thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ của HĐND, bảo đảm hiệu lực của HĐND. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua Khen thưởng về thẩm quyền và hình thức khen thưởng đối với các đại biểu HĐND, nhất là đại biểu chuyên trách có thành tích trong công tác dân cử.
Sớm ban hành văn bản hướng dẫn Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Trong đó cần có quy định cụ thể về chế tài xử lý trách nhiệm đối với việc thực hiện các kết luận giám sát và việc thực hiện đúng, kịp thời, nghiêm túc, đồng bộ các nghị quyết của HĐND thành phố. Bên cạnh đó cũng cần có quy định về cơ chế ràng buộc giữa đại biểu với cử tri, cũng như phương thức để HĐND và cử tri đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi đại biểu HĐND; có cơ chế mời chuyên gia, các nhà khoa học tham gia vào các cuộc giám sát, thẩm tra.
Chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương có hướng dẫn cụ thể, chi tiết để triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-TW của Bộ Chính trị; đồng thời, điều chỉnh một số các văn bản quy phạm pháp luật nâng thẩm quyền của thành phố về thu, chi ngân sách, về quy mô và thẩm quyền quyết định các dự đầu tư công lĩnh vực đường bộ, cảng, hàng không, khu hậu cần sau cảng; về quản lý đất đai, ... phù hợp thông lệ quốc tế.
Có cơ chế chính sách quan tâm đến các điều kiện bảo đảm phục vụ hoạt động cho đại biểu HĐND thành phố; công tác quy hoạch, đào tạo, giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND để thu hút đội ngũ cán bộ chuyên trách có tâm huyết, tài năng, trí tuệ cống hiến cho hoạt động của HĐND thành phố.
Các ngành, các đơn vị, các doanh nghiệp Trung ương trên địa bàn thành phố Hải Phòng đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu kinh tế ngành, đơn vị theo đúng đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.