ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐẮK NÔNG: PHẢI XEM XÉT KỸ NĂNG LỰC CỦA NHÀ ĐẦU TƯ VÀ TÍNH KHẢ THI CỦA DỰ ÁN

04/01/2022

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, chiều 04/01 dưới sự chủ trì của Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đã thảo luận tại tổ dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

 

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông thảo luận tại tổ.

Thảo luận tại tổ, các đại biểu thống nhất sự cần thiết ban hành Nghị quyết và cho rằng việc phân phối ngân sách Nhà nước phải gắn với các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong khuôn khổ kế hoạch tài chính trung và dài hạn của từng ngành, lĩnh vực. Cơ cấu chi ngân sách Nhà nước được đổi mới, đảm bảo tập trung cho những mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước nhằm duy trì và phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách tiền lương, an sinh xã hội...

Để việc thực hiện chính sách tài khóa trong đầu tư phát triển phát huy hiệu quả cao nhất cần quan tâm triển khai toàn diện, đồng bộ các chế định pháp lý của quá trình đầu tư, từ việc chuẩn bị dự án, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư, theo dõi, kiểm tra, đánh giá, thanh tra theo quy định của Luật Đầu tư công. Đồng thời, tăng cường kiểm soát khâu chuẩn bị đầu tư, nhất là việc lập báo cáo đề xuất và phê duyệt chủ trương đầu tư; kiên quyết khắc phục tình trạng chuẩn bị sơ sài và quyết định chủ trương đầu tư một cách cảm tính, gây lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả; phải thẩm định làm rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho từng dự án cụ thể, bảo đảm dự án được phê duyệt có đủ nguồn lực tài chính

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông Dương Khắc Mai đóng góp ý kiến.

Bên cạnh đó, cần cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và phát triển bền vững, tổ chức sản xuất theo chuỗi để phát huy được hết tiềm năng của ngành này đối với tỷ trọng đầu tư còn chưa đáng kể như hiện nay. Ngoài ra, cần tăng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho ngành nông nghiệp, nông thôn kết hợp nghiên cứu, bổ sung cơ chế để thu hút các nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này.

Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách còn tồn tại tình trạng dàn trải, manh mún. Các cơ quan có thẩm quyền cần hoàn thiện các quy định về chế độ báo cáo công khai, minh bạch đối với các hoạt động của các quỹ tài chính này, rà soát và đánh giá tình hình thực tế. Quỹ nào hoạt động kém hiệu quả phải thực hiện giải thể, sáp nhập các quỹ tài chính có chức năng, nhiệm vụ gián thu, tương tự nhau cần được hợp nhất để tập trung nguồn lực.

Về gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/11/2012  của Ủy ban thường vụ Quốc hộivề ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch covid-19 là gói hỗ trợ linh hoạt giúp doanh nghiệp có được nguồn tài chính để vực dậy trong và sau đại dịch. Tuy nhiên, việc miễn các loại thuế từ Quý III đến hết Quý IV năm 2021 chỉ mang lại lợi ích cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chứ người người tiêu dùng trực tiếp thì không hưởng được lợi ích này. Ngày 19/11/2021 Nghị quyết mới ban hành thay vì áp dụng ngược về tháng 7/2021 thì nên lùi về từ thời điểm ban hành đến quý I/2022 để kích cầu tiêu dùng trong dịp tết cho người dân đồng thời người dân được hưởng lợi trực tiếp từ giá mua hàng. Bởi thời gian, Nghị quyết được ban hành thì người mua hàng đã trả tiền thuế giá trị gia tăng cho người bán, vì Thuế GTGT là thuế gián thu. Do đó khoản thuế này được miễn thì người bán hàng được hưởng vì không phải nộp Ngân sách nhà nước.

Đề xuất các giải pháp thu ngân sách Nhà nước trong thời gian tới, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính về thuế, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế; tăng cường chống thất thu, trong đó tập trung vào các lĩnh vực thu từ đất đai, khoáng sản; thu từ các dự án hết thời gian ưu đãi, thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số…

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho rằng cần đảm bảo tính linh hoạt trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, ĐBQH tỉnh Đắk Nông tiếp tục đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần cân đối, bố trí nguồn vốn nhiều hơn nữa trong giai đoạn 2021-2025 để đầu tư nâng cấp và phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là mạng lưới giao thông đường bộ đối ngoại liên vùng cho các tỉnh Tây Nguyên. Đồng thời, sớm xây dựng đường cao tốc kết nối Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải Miền Trung và Đông Nam Bộ nói chung. Ưu tiên trước cho tuyến Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) để tạo động lực cho Tây Nguyên phát triển. Điều này cũng là góp phần thực hiện Nghị quyết số 88, ngày 18/11/ 2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Bên cạnh đó, Trung ương cũng cần có chính sách hỗ trợ Đắk Nông phát triển các doanh nghiệp lớn, nhất là hỗ trợ để dự án luyện kim Trần Hồng Quân, các dự án điện gió sớm đi vào hoạt động, tạo điều kiện tăng trưởng bền vững nguồn thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh./.

Lệ Quyên