ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH ĐẮK LẮK TIẾP XÚC CỬ TRI TẠI HUYỆN M’DRẮK

29/09/2021

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 29/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk do ông Y Vinh Tơr, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi tiếp xúc với đại diện cử tri huyện M’Đrắk.

 

Toàn cảnh hội nghị

Tại hội nghị, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã báo cáo nội dung, chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sau kỳ họp thứ nhất đến nay. Dự kiến, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV dự kiến khai mạc vào ngày 20/10 và bế mạc ngày 13/11. Kỳ họp sẽ tiến hành theo 2 đợt bằng các hình thức họp trực tuyến và họp tập trung tùy theo tình hình dịch COVID-19. Kỳ họp Quốc hội lần này sẽ tập trung xem xét và quyết định thông qua 2 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết và xem xét, cho ý kiến 5 dự án luật. Thảo luận, quyết định các nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và những vấn đề quan trọng khác.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri bày tỏ sự vui mừng trước những kết quả tại Kỳ họp thứ nhất, đồng thời đánh giá cao hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp. Cử tri mong muốn các Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia phát biểu ý kiến tại các kỳ họp, nhất là đối với những vấn đề quan trọng của đất nước, của tỉnh, những vấn đề dư luận quan tâm. 

Cử tri huyện M’Drắk kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc phòng, chống dịch COVID-19, tạo nguồn vắc-xin tiêm phòng cho nhân dân, tăng cường nguồn lực về y tế như đội ngũ, trang thiết bị, nhất là đội ngũ cán bộ y tế cơ sở để sớm đẩy lùi dịch COVID-19, đưa đất nước sớm trở lại trạng thái bình thường mới.

Cử tri Lê Văn Thao, huyện M’Đrắk, đề xuất để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh ở địa phương, ngoài lực lượng làm nhiệm vụ trong tuyến đầu chống dịch và đối tượng thuộc nhóm ưu tiên cũng cần quan tâm  tạo điều kiện  cung cấp nguồn vắc-xin cho người dân thuộc vùng đó nhằm tạo hệ miễn dịch trong cộng đồng về lâu dài, đặc biệt vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là nhưng nơi có khả năng xảy ra dịch bệnh trong cộng đồng  trong khi điều kiện cách ly cũng như phòng chống dịch  rất khó khăn.

Cử tri phát biểu ý kiến

Bên cạnh đó, các cử tri huyện M’Dăk cũng kiến nghị: cần sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật như: Luật Đất đai, Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Thi đua khen thưởng… để các cấp, các ngành dễ triển khai bảo đảm tính răn đe các hành vi vi phạm pháp luật và phù hợp với thực tiễn cuộc sống; Tiếp tục thực hiện các giải pháp thực hiện phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp; Có cơ chế, chính sách tuyển dụng đặc cách đối với cán bộ, công chức cấp xã. Đảm bảo chất lượng dạy và học trực tuyến tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Đầu tư, nâng cấp, hoạt động hiệu quả của các công trình thủy lợi trong sản xuất nông nghiệp và phòng chống thiên tai; Nâng mức hỗ trợ cho các hộ, nhóm hộ thực hiện nhận khoán, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Cử tri Phạm Đăng Đảng - Chủ tịch xã Cư San, nêu ý kiến: xã Cư San có trên 20.000 ha diện tích rừng. Hiện nay vấn để quản lý và bảo vệ rừng, phát triển rừng  chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân dẫn đến việc người dân không còn mặn mà với việc nhận khoán bảo vệ rừng. Đặc biệt, đối với diện tích rừng chưa có chủ hiện nay đang giao cho UBND xã quản lý. Tuy nhiên về kinh phí, cơ chế để xây dựng lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng với xã chưa có. Tại quy định số 05-2012 của Thủ tướng Chính phủ  đối với diện tích rừng chưa có chủ mà giao xã quản lý  thì được hỗ trợ 100 nghìn đồn/ha/năm,với kinh phí như thế không đủ để giao khoán cho người dân với hạn mức 30 ha cho một hộ gia đình (khoảng 3 triệu/năm). Với diện tích rộng như thế giao cho người dân quản lý  chắc chắn sẽ không hiệu hiệu vì không tương sức với công họ bỏ ra. Chưa kể đến việc nhiều năm nay xã chúng tôi chưa hề nhận được kinh phí này dù phía tỉnh đã quan tâm và dự toán. “Chưa kể đến vấn đề hiện nay nhu cầu về đất ở, đất sản xuất tăng cao cũng dẫn đến việc khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng” - cử tri Phạm Đăng Đảng cho biết thêm.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk, Y Vinh Tơr ghi nhận ý kiến của cử tri

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, ông Y Vinh Tơr, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị, phản ánh cử tri. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương có liên quan trao đổi, giải đáp và trả lời bằng văn bản để cử tri được biết. Đối với những ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp gửi đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo quy định. Trước mắt, các cấp, các ngành chức năng, các địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mục tiêu “kép” vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả; đảm bảo hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trong điều kiện dịch, bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ theo sát các hoạt động, phát huy vai trò giám sát để thúc đẩy triển khai thực hiện, góp phần vào sự phát triển của tỉnh./.

Djuang Niê - Đức Hưng