Toàn cảnh Phiên họp
Tại Phiên thảo luận, các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng ta được ban hành trong thời gian gần đây về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, thể chế hóa Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013. Theo đó, hoạt động người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc là một chủ trương nhất quán và quan trọng, lâu dài, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Cho ý kiến tại Phiên thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân- Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ đề nghị cần quan tâm hơn nữa về vấn đề giới, nhất là nhóm lao động nữ và lao động yếu thế. Ngoài ra đại biểu cũng chỉ ra rằng, Dự án Luật đã quy định về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước. Tuy nhiên, tên này chưa thật sự phù hợp, nên đổi tên quỹ cho thực sự phù hợp vơi tên Luật. Đồng thời, hiện tại Dự Luật quy định Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước có nhiệm vụ hỗ trợ như: công tác thông tin, tuyên truyền về pháp luật của Việt Nam về người lao động đi làm việc ở nước ngoài; về thị trường lao động ngoài nước và các chính sách, quy định, pháp luật của nước tiếp nhận lao động để mở rộng, ổn định và phát triển thị trường lao động ở nước ngoài; Doanh nghiệp dịch vụ khai thác và đưa được lao động đi làm việc tại thị trường mới, ngành nghề mới; tham gia xúc tiến, quảng bá về nguồn lao động Việt Nam; Xây dựng và duy trì hoạt động sàn giao dịch việc làm ngoài nước trực tuyến cho người lao động có nhu cầu tìm hiểu, đăng ký đi làm việc ở nước ngoài…Đại biểu cho rằng cần tiếp tục bổ sung thêm nhiệm vụ của Quỹ này.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân phát biểu
Tham gia phát biểu tại Phiên thảo luận, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai- Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên quan tâm đến một số nội tại Điều 18 về giao nhiệm vụ cho đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp dịch vụ. Cụ thể đại biểu đề nghị làm rõ cơ sở của quy định doanh nghiệp dịch vụ được giao nhiệm vụ cho không quá 03 đơn vị phụ thuộc. Ngoài ra đại biểu cũng đề nghị rà soát kỹ lại các nội dung liên quan tới việc doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề quy định tại Mục 4 của Dự án Luật.
Thảo luận tại Phiên làm việc, đại biểu Leo Thị Lịch- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang quan tâm đến quy định về chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm chính sách của nhà nước về lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền, vùng khó khăn. Đồng thời cần quy định thêm trách nhiệm quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong trường hợp để lao động vượt biên trái phép.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến
Cho ý kiến tại Phiên họp tổ về Dự án Luật này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ phạm vi điều chỉnh của Luật đã khẳng định, Luật này quy định chính sách về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Do đó, các trường hợp đi lao động chui, trái phép thì không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật này. Ngoài ra, Dự án Luật đã có quy định rất rõ về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Các hành vi vi phạm pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đều bị xử lý nghiêm minh để răn đe./.