THẢO LUẬN TỔ 07 VỀ DỰ ÁN LUẬT THỎA THUẬN QUỐC TẾ: LÀM RÕ KHÁI NIỆM THỎA THUẬN QUỐC TẾ

10/06/2020

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, sáng 10/6, thảo luận tại Tổ 07 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, Thái Bình, Ninh Thuận và Quảng Trị về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế, tán thành với sự cần thiết ban hành Luật song các đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm và chủ thể kí kết thỏa thuận quốc tế.

Tổ đại biểu số 07 (bao gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh Tuyên Quang, Thái Bình, Ninh Thuận và Quảng Trị) 

Trước đó trong đợt 1 của Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thỏa thuận quốc tế. Pháp lệnh về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 20/04/2007 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2007 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập của đất nước và triển khai thực hiện có hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta thời gian qua. Tuy nhiên một số bất cập trong pháp luật hiện hành đòi hỏi có giải pháp khắc phục. Do đó cần thiết ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế, nhất là sau khi ban hành Hiến pháp năm 2013, Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn nhu cầu ký kết thỏa thuận quốc tế, thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Thảo luận tại Tổ 07, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật tuy nhiên một số nội dung cần được làm rõ như phạm vi điều chỉnh của Luật để tránh chồng lấn với Luật Điều ước quốc tế cũng như làm rõ khái niệm thỏa thuận quốc tế để tạo thống nhất trong cách hiểu, thực thi pháp luật. Các đại biểu cũng đề nghị cân nhắc giới hạn chủ thể có thẩm quyền kí kết thỏa thuận quốc tế, không nên quá mở rộng.

Dự thảo Luật quy định: Thỏa thuận quốc tế là cam kết bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài, không làm thay đổi, phát sinh, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước CHXHCN Việt Nam theo pháp luật quốc tế”.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ khái niệm này bởi nếu thỏa thuận quốc tế không làm phát sinh nghĩa vụ thì ý nghĩa giá trị của thỏa thuận như thế nào và không phát sinh nghĩa vụ theo pháp luật quốc tế thì việc thực hiện thỏa thuận quốc tế này phát sinh theo quy định nào.

Ghi nhận sự chuẩn bị công phu của cơ quan chủ trì soạn thảo, có sự tiếp thu ý kiến của các cơ quan hữu quan trong quá trình xây dựng Luật, đại biểu Hoàng Bình Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cho biết, chưa bao giờ Việt Nam có độ mở hội nhập như hiện nay, trong tương lai Việt Nam còn hội nhập còn sâu rộng và toàn diện hơn hơn. Trước thực tế đó đòi hỏi cần thiết có Luật này.

Đại biểu Hoàng Bình Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Có cùng quan tâm về khái niệm thỏa thuận quốc tế, đại biểu Hoàng Bình Quân cho rằng nếu xác định thỏa thuận quốc tế không làm phát sinh, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của Nhà nước là không thuyết phục bởi dù chủ thể nào kí kết nhưng cũng đều liên quan đến đất nước, dân tộc và chỉ khác nhau về phạm vi không gian, thời gian, lĩnh vực, đối tượng. Đại biểu nhấn mạnh, ở đây là kí kết bao gồm kí và cam kết do đó có bao hàm tình ràng buộc trách nhiệm thực hiện của mỗi bên tham gia thỏa thuận. Việc quy định trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các cam kết quốc tế cũng là nội dung được đặt ra trong văn kiện đại hội Đảng, thực hiện điều này cũng là nhằm tăng cường niềm tin, uy tín quốc gia đối với thế giới. Đại biểu cũng cho rằng với khái niệm như hiện nay trong dự thảo cũng chưa rõ ràng, phân định với điều ước quốc tế. Do đó đại biểu đề nghị cần đầu tư nghiên cứu thêm về khái niệm này; đồng thời bổ sung quy định về đối tượng áp dụng của  Luật vào ngay trong Điều 1.

Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Bình Quân cũng bày tỏ băn khoăn khi dự thảo luật quy định chủ thể kí kết thỏa thuận quốc tế mở rộng quá, phân cấp đến Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã đên cấp huyện cấp xã đều kí. Lý giải cho vấn đề này, đại biểu Hoàng Bình Quân nêu rõ, thực tiễn đàm phán thỏa thuận quốc tế rất khó khăn có tính ràng buộc nhất định nên nơi kí đòi hỏi có thông tin về đối tác, có năng lực về đàm phán và kí kết. Hơn nữa, liên quan đến đến yếu tố nước ngoài cần được thận trọng  điều này cần thận trọng để bảo đảm chính trị, quốc phòng an ninh. Do đó, đại biểu đề nghị không nên mở rộng quá các đối tượng kí kết thỏa thuận quốc tế mà cần quy định chặt chẽ.

Liên quan đến trách nhiệm của Bộ ngoại giao, dự thảo Luật có quy định để bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, cơ quan kí kết thỏa thuận quốc tế phải có trao đổi với Bộ Ngoại giao và các Bộ ngành hữu quan về xem xét về đối tác, nội dung, trình tự, hồ sơ. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần thể hiện gọn hơn và bổ sung trách nhiệm cung cấp thông tin cho các bên kí kết về đối tác, đặc biệt là thông tin về đối tác ưu tiên.

Đại biểu Hoàng BÌnh Quân nhấn mạnh, quy định trách nhiệm cung cấp thông tin này là rất cần thiết bởi nhiều nơi, nhiều cơ quan, đơn vị trong hội nhập không có mạng lưới đối tác tốt vì không có điều kiện nắm đầy đủ thông tin hay hiểu biết để mở rộng hệ thống đối tác. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao là cơ quan có hệ thống, tổ chức bộ máy và nắm được thông tin về các chủ thể nước ngoài thì phải có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời và chính xác nhất có thể và đưa ra khuyến nghị.

Theo đại biểu Hoàng Bình Quân nếu luật hóa được nội dung mang tính định hướng này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế. Đồng thời, lưu đến việc lấy ý kiến của các cơ quan hữu quan như Bộ Công an để không làm phát sinh thủ tục quá cồng kềnh ảnh hưởng đến quá trình hợp tác nhưng cũng cần có sự kiểm soát tình hình bảo đảm an ninh./.

Bảo Yến