Đại biểu Quốc hội thảo luận về báo cáo kinh tế - xã hội tại Tổ 07 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, Thái Bình, Ninh Thuận và Quảng Trị
Theo báo cáo của Chính phủ, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội dự kiến kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao với 5 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Qua đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, trong số 12 chỉ tiêu đã hoàn thành, có 7 chỉ tiêu vượt và 5 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch. Như vậy, so với số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, tăng thêm 2 chỉ tiêu vượt kế hoạch, gồm: (i) tốc độ tăng GDP đạt 7,02% (số đã báo cáo là khoảng 6,8%) và (ii) tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 8,4% (số đã báo cáo là khoảng 7,9%).
Đại biểu Hoàng Bình Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đánh giá cao kết quả này và cho rằng chỉ tiêu về GDP và tổng kim ngạch xuất khẩu là những chỉ tiêu quan trọng mang tính chi phối, là nguồn mạch cho sự phát triển kinh tế. Do đó việc vượt kế hoạch đề ra ở cả hai chỉ tiêu này là điều rất quan trọng, cần được phân tích sâu hơn để thấy được sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan. Ngoài ra theo đại biểu, huy động vốn xã hội đạt 33,9% cũng là dấu hiệu tích cực.
Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Bình Quân cũng chỉ ra một số tồn tại hạn chế trong phát triển kinh tế xã hội như chậm giải ngân vốn đầu tư công. Chỉ rõ giải ngân vốn đầu tư công trong Quý I/2020 mới chỉ đạt hơn 20% là kết quả rất thấp, đại biểu cho rằng mục tiêu giải ngân cho được, cho đúng, cho trúng, cho hiệu quả là một thách thức. Nếu giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả sẽ là bù đắp lớn cho tăng trưởng.
Đại biểu Hoàng Bình Quân cũng bày tỏ lo lắng khi các nhiệm vụ giải pháp để phát triển kinh tế trong thời gian tới lại chưa chú trọng ứng phó với biến đổi khí hậu nhất là xa mạc hóa ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, cũng như xâm ngập mặn Đồng bằng sông Cửu Long. Đại biểu cho rằng vấn đề này ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp nước nhà khi mà nông nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế, do đó, nếu không được quan tâm xử lý sẽ ảnh hưởng đến phát triển.
Về tình hình năm 2020, tán thành với đánh giá của Chính phủ song đại biểu Hoàng Bình Quân cũng cho rằng, hậu Covid-19 sẽ là bức tranh khác về kinh tế - xã hội không chỉ của Việt Nam mà toàn thế giới bởi dịch không làm thay đổi trật tự thế giới nhưng sẽ làm thế giới thay đổi nhiều và nếu không thận trọng thì cuối năm 2020 sẽ là khủng hoảng nghiêm trọng. Đại biểu phân tích, Covid làm thay đổi toàn cầu hóa, chủ nghĩa dân tộc sẽ lên ngôi, biên giới cứng lên ngôi, vai trò nhà nước ở mỗi quốc gia phải tăng gắn với bảo hộ, hợp tác quốc tế sẽ khác đi nhiều, chuỗi cung ứng sẽ thay đổi. Đại biểu đặt vấn đề trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ ứng phó như thế nào.
Theo đại biểu Hoàng Bình Quân, việc Chính phủ đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng là hoàn toàn đúng đắn, việc điều chỉnh này quan trọng và cần thiết, bởi điều chỉnh chỉ tiêu thì sẽ mới rõ ràng trong phân bổ nguồn lực cũng như điều tiết, điều hành thực hiện.
Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần nỗ lực thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để bù đắp cho thiếu hụt động lực tăng trưởng, trong đó ưu tiên những dự án giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, hạ tầng, tăng cường công nghệ thông tin.
Chính phủ cũng cần rà soát lại các chính sách về tiền tệ, tín dụng, tài khóa đề kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp. Chính phủ cần tổ chức nghiên cứu để có chương trình cụ thể để thích ứng với tình hình khi chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ có sự thay đổi và đón dòng vốn đầu tư. Đại biểu lưu ý khi Việt Nam trở thành tâm điểm của dòng chuyển dịch đầu tư thì hạ tầng, thủ tục hành chính, nhân sự, lực lượng lao động trong nước có đáp ứng, giải quyết vấn đề đa dạng hóa thị trường, độc lập tự chủ về kinh tế là những điểm quan trọng cần lưu ý.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị
Đồng tình với nhiều nội dung đánh giá của Chính phủ kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 và tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020, đại biểu Đỗ Văn Sinh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng về nhiệm vụ giải pháp, Chính phủ cần tăng cường hơn nữa đầu tư kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin. Đại biểu cho rằng hiện nay đầu tư để nền kinh tế phát triển theo hướng kinh tế số thì sự quan tâm của Nhà nước chưa theo kịp. Đại biểu chỉ rõ thực tế hạ tầng phần cứng chủ yếu là do doanh nghiệp làm, còn cơ sở dữ liệu thì các cơ quan, bộ ngành, địa phương đều có cơ sở dữ liệu rất tốn kém nhưng không kết nối dẫn đến vừa thừa vừa thiếu. Vì vậy đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm làm tốt việc này, nhất là trong việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu về định danh cá nhân, định danh tổ chức.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Tuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị Chính phủ làm rõ thêm một số nội dung hạn chế về sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong đầu năm 2020 bởi tác động của dịch Covid trong các lĩnh vực này là rất rõ. Chính phủ cũng cần đánh giá sâu hơn thế mạnh, hiệu quả trong lãnh đạo chỉ đạo điều hành trong nông nghiệp, cũng với đó là các vấn đề sản phẩm có sản lượng chiếm tỉ trọng cao ở các vùng chưa nhiều, việc tăng giá đối với sản phẩm chăn nuôi hay định hướng tái đàn; xử lý môi trường trong nông nghiệp và xử lý rác thải nông thôn càng ngày càng phức tạp; tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội, bạo lực học đường, bảo vệ trẻ em phụ nữ tiếp tục diễn biến phức tạp.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuân cũng đề nghị có thêm đánh giá về tình hình năm 2020 và nhận diện cơ hội thách thức trong năm và các năm tiếp theo để có lộ trình phòng chống, không thể chủ quan với dịch. Theo đại biểu cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo chỉ đạo điều hành, gỡ nút thắt trong quản lý đất đai, giải ngân vốn đầu tư công; đánh giá lại việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đi vào thực chất hiệu quả hơn nhất là hộ kinh doanh và có cơ chế đẩy nhanh giải pháp biện pháp cơ cấu ngành sản xuất công nghiệp bù đắp phát triển.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng báo cáo của Chính phủ cần có thêm đánh giá về sự hi sinh ngắn về kinh tế để an toàn sức khỏe cho người dân trong bối cảnh dịch Covid-19. Đại biểu nhấn mạnh điều này không chỉ mang ý nghĩa nhân văn nhưng cũng là phương châm hành động của Chính phủ. Đây là bài học quan trọng trong ứng phó các tình huống trong tương lai. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở để đề xuất Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới cũng như đánh giá tác động của các nhóm chính sách này.
Làm rõ thêm một số nội dung về kinh tế xã hội tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong năm 2020 mặc dù dưới tác động lớn của đại dịch nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước thì Việt Nam đã thực hiện thành công kiểm soát dịch bệnh, cơ bản khống chế tình hình. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước kịp thời có các chính sách ứng phó, không chủ quan, tổ chức triển khai quyết liệt. Điều này cũng cho thấy thấy sự ưu việt của chế độ và ưu việt của y tế công ở nước ta.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên thảo luận tổ
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đại dịch Covid lần này đã đứt gãy chuỗi giá trị, ảnh hưởng đến du lịch, giảm nhu cầu, giảm xuất nhập khẩu. Tình hình tháng 4 xấu, tháng 5 có khởi sắc nhưng đến tháng 6 tình hình còn rất khó khăn. Trong bối cảnh đó Chính phủ đã theo dõi hết sức chặt chẽ tình hình, liên tục đưa ra giải pháp, có các gối hỗ trợ hướng đến nhóm đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương và doanh nghiệp trong đó hướng đến người lao động, giãn hoãn các khoản phải nộp phải thu phải đóng của doanh nghiệp, hướng đến miễn giảm các khoản phải nộp để làm giảm áp lực cho doanh nghiệp, mục tiêu vượt qua khó khăn ko làm đứt gãy chuỗi sản xuất.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng chia sẻ, về dự báo tình hình, khi chưa có vacxin chưa có thuốc đặc trị bệnh thì chưa nói lên điều gì. Do đó Chính phủ đã cân nhắc mọi mặt và quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng ở mức 4,5% để báo cáo Quốc hội xem xét quyết định. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng 4,5% vẫn là mức rất cao nhưng để đặt mục tiêu thấp thì ko còn động lực phấn đấu. Do đó đòi hỏi quyết tâm và sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị để thực hiện mục tiêu đề ra.
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ xác định các giải pháp chính như tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp; giải ngân nhanh và hết vốn đầu tư công, chú trọng dự án trọng điểm quan trọng, nâng cao năng lực cạnh tranh; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tranh thủ tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA, kích cầu tiêu dùng thị trường nội địa; đồng thời tranh thủ sự dịch chuyển đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nghiên cứu và xây dựng chiến lược quyết sách về vấn đề này, đang hoàn thiện để báo cáo Chính phủ để có quyết sách thu hút đầu tư có chọn lọc trong đó xác định rõ tiêu chí để thực hiện./.