Tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình gồm các đồng chí: Trần Công Thuật, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tinh; Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các đại biểu đã tham gia thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Sau khi nghe báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đã tham gia phát biểu nêu một số thực trạng đáng báo động về xâm hại trẻ em, đồng thời khẳng định việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về “phòng, chống xâm hại trẻ em” là vô cùng cần thiết, thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự quan tâm đến trẻ em, đến thế hệ trẻ tương lai của Tổ quốc. Qua giám sát đã làm rõ thực trạng vi phạm và thực tiễn xử lý vi phạm. Đặc biệt, đây cũng là việc làm cảnh báo, răn đe đối tượng vi phạm, đồng thời xem xét sửa đổi, điều chỉnh văn bản pháp luật để xử nghiêm đối tượng vi phạm.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cũng nêu lên những kết quả quan trọng mà Quảng Bình đã đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, một số giải pháp cần tập trung thời gian tới là: Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu để trình Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng bổ sung hình phạt các tội danh liên quan đến xâm hại trẻ em. Mở rộng hình phạt bằng hình thức thiến hóa học, nâng mức xử phạt hành chính, lao động công ích, công khai danh tính kẻ xâm hại, ghi tội danh vào hồ sơ, lý lịch… để răn đe các đối tượng xâm hại, chống xu hướng tái phạm cao, bảo đảm an toàn cho trẻ em.
Các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu để có cơ chế phối hợp trong quá trình lấy lời khai của trẻ em bị xâm hại, cần sự có mặt của bác sĩ tâm lý, người giám hộ và có thể ghi hình để sử dụng các đoạn băng này làm chứng cứ trước tòa. Cần bố trí các phòng xử án thân thiện để bảo đảm việc bí mật hình ảnh, danh tính cho trẻ. Báo chí, công luận cũng cần lưu ý trong quá trình đưa tin tránh làm ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.
Cần thường xuyên tập huấn cho đội ngũ điều tra, kiểm sát, xét xử về nghiệp vụ, kỹ năng làm việc với trẻ em cũng như thống nhất quan điểm không đưa những lý do biện hộ cho hành vi xâm hại trẻ em vào quá trình điều tra, xét xử để tránh việc thoát người lọt tội.
Cuối cùng là đề nghị bổ sung trong Luật Giám định tư pháp việc trưng cầu giám định pháp y về xâm hại trẻ em là loại đặc biệt, phải được thực hiện nhanh để xác định thủ phạm. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu bổ sung cụ thể vào luật các hành vi phạm tội đối với đối tượng là người đồng tính; quy định xét xử đối với đối tượng là người nước ngoài. Bởi quá trình hội nhập cũng đồng thời du nhập của nhiều loại hình tội phạm mới về Việt Nam, trong đó có loại tội phạm lấy trẻ em là mục tiêu.