ĐOÀN ĐBQH TỈNH CAO BẰNG GÓP Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI

27/05/2020

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 26/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tập trung thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Tại điểm cầu Cao Bằng, tham dự có đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Bế Minh Đức, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh.

 

Tại kỳ họp, các đại biểu nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. 

Thảo luận tại phiên họp, các ĐBQH cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; đánh giá, nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật. Các đại biểu thảo luận, tranh luận về một số vấn đề như: tiêu chuẩn đối với ĐBQH; công tác quản lý cán bộ đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách; về Đoàn ĐBQH; bộ máy giúp việc của Đoàn ĐBQH; phạm vi lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; về việc chuyển các ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội…

Đại biểu Bế Minh Đức, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng phát biểu đóng góp ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Tham gia thảo luận trực tuyến tại kỳ họp, đại biểu Bế Minh Đức, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo Luật, cho rằng với việc quy định tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% trong tổng số ĐBQH là hợp lý; đồng tình với đề xuất về cơ chế dành tỷ lệ nhất định (khoảng 3 - 5%) cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đủ điều kiện có thể tham gia làm ĐBQH hoạt động chuyên trách mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của Quốc hội. Đại biểu Bế Minh Đức, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng phát biểu ý kiến đóng góp: “Nếu thực hiện theo hướng này sẽ đảm bảo nguồn nhân sự đầu vào đủ tỷ lệ 40% đại biểu chuyên trách, đồng thời đây cũng là nguồn lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với hoạt động của các ĐBQH hoạt động chuyên trách. Thứ hai, về địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn ĐBQH (Điều 43), tôi đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể, chi tiết hơn về địa vị pháp lý của Đoàn ĐBQH để tạo sự thống nhất và thuận lợi hơn trong quá trình hoạt động, thực hiện nhiệm vụ của ĐBQH, Đoàn ĐBQH tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thứ ba, về việc chuyển các ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội, tôi cho rằng việc nâng cấp các ban này thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội là hết sức cần thiết, đồng thời không làm tăng biên chế, không tăng tổ chức mà phù hợp với tầm quan trọng và chức năng , nhiệm vụ do Quốc hội giao. Tôi kiến nghị xem xét bổ sung vào Luật Tổ chức Quốc hội quy định về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này”.

Về việc đổi tên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và Ủy ban về các vấn đề xã hội, ĐBQH tỉnh nhất trí với tên gọi mới là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Ủy ban Xã hội trong dự thảo. Về hiệu lực thi hành, theo dự thảo Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021, đề nghị Quốc hội điều chỉnh về thời gian Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.

Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao các góp ý trách nhiệm, tâm huyết của các ĐBQH tại phiên họp. Đề nghị các vị ĐBQH tiếp tục đóng góp ý kiến bằng văn bản cho dự thảo Luật này. Về các nội dung các đại biểu góp ý cụ thể tại phiên họp, Ủy nban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiên cứu, tiếp thu và có báo cáo giải trình đầy đủ trước Quốc hội, để các đại biểu Quốc hội tiếp tục đóng góp ý kiến thêm.

(Theo Phát thanh - Truyền hình Cao Bằng)