Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng đoàn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang phát biểu.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng đoàn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, đóng góp 2 nội dung như sau:
Một là, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung giải thích từ ngữ đối với cụm từ "thanh niên có tài năng" để hiểu đúng, thống nhất giữa các địa phương trong vấn đề này. Bởi, thời gian qua, việc xây dựng và ban hành các chính sách trọng dụng nhân tài ở nhiều địa phương có sự khác nhau, cách làm ở các địa phương về "thu hút nhân tài" cũng không giống nhau. Bộ Nội vụ đã có thanh tra, rút kinh nghiệm tại một vài địa phương, gây thiệt thòi cho những người được thực hiện chính sách nói riêng, cũng như của địa phương nói chung về vấn đề này. Vì, khi quyết định chọn về công tác tại địa phương là người đó đã bỏ qua các cơ hội công tác ở những nơi khác, chưa tính đến điều kiện làm việc, đãi ngộ và cơ hội phát triển nghề nghiệp cho họ.
Tuy nhiên, tùy điều kiện nguồn lực của mỗi địa phương khác nhau mà chính sách ban hành ra sẽ không giống nhau, nhưng trên hết, việc hiểu đúng, trúng về khái niệm "thanh niên có tài năng" là rất quan trọng, cần có một chuẩn mực tiêu chuẩn chung cho hầu hết các địa phương và có thể có một vài ngoại lệ đối với những nơi có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn. Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đối với thanh niên có tài năng là một việc làm rất quan trọng trong mọi thời kỳ, chứ không riêng gì ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, chính sách cần được ban hành và thực thi một cách thống nhất, hợp lý, đúng pháp luật để tạo đồng thuận cao trong xã hội.
Hai là, qua rà soát nhận thấy, dự thảo Luật có nhiều nội dung giải thích từ ngữ nằm rải rác tại các điều luật như: Khoản 1, Điều 22; Khoản 1, Điều 27; Khoản 1, Điều 28; Khoản 1, Khoản 2, Điều 29. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung vào Chương I (những quy định chung) điều luật quy định về "Giải thích từ ngữ" nhằm tập hợp chung các nội dung quy định mang ý nghĩa giải thích từ ngữ để người đọc dễ hiểu, dễ theo dõi; đồng thời, thiết kế như vậy cũng phù hợp với bố cục thông thường của một dự thảo luật như hầu hết các luật khác mà Quốc hội đã ban hành.
Về trách nhiệm của thanh niên đối với gia đình (tại Điều 14) nêu tại Khoản 2 Điều này, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung từ "hiếu thảo" vào sau từ "kính trọng" nhấn mạnh trách nhiệm của thanh niên trong gia đình không chỉ ở sự kính trọng ông bà, cha mẹ, mà còn phải hiếu thảo, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, giúp giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp này của ông cha ta từ ngàn xưa; đồng thời, góp phần xây dựng đạo đức nhân cách con người Việt Nam trong giới trẻ hiện nay.
Về Điều khoản thi hành (Chương VII), qua rà soát cho thấy, dự án Luật có 3 khoản quy định sẽ được Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể: Khoản 5 Điều 22, Khoản 3 Điều 23 và Khoản 8 Điều 26. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định về giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết các điều luật được giao trong Luật này vào sau Điều 41 để quy định được đầy đủ, chặt chẽ, thống nhất về bố cục trình bày như một số dự án Luật đã được thông qua trước đây như Luật Đất đai năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015... Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ ban hành văn bản quy định chi tiết phù hợp với quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 11 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về văn bản quy định chi tiết.
Như vậy, Chương VII về Điều khoản thi hành này được thể hiện lại như sau:
"Điều 41. Hiệu lực thi hành
Điều 42. Quy định chi tiết
Chính phủ quy định chi tiết các điều được giao trong Luật này. "