Cần thiết sửa đổi căn bản, toàn diện Luật Luật sư

02/12/2024

Nhiều ĐBQH cho rằng việc đề nghị bổ sung dự án Luật Luật sư (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 theo quy trình 2 kỳ họp là cần thiết nhằm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Luật sư.

Ngày 29/6/2006, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Luật sư số 65/2006/QH11, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/0/2007 và được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Luật sư số 20/2012/QH13 ngày 20/11/2012 của Quốc hội (sau đây gọi tắt là Luật Luật sư). Sau hơn 17 năm thực hiện, Luật Luật sư đã đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả, tạo hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của luật sư phát triển. Tuy nhiên, Luật Luật sư cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn phát triển nghề luật sư. 

Ảnh minh họa

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, dự án Luật Luật sư (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư. Đồng thời, bảo đảm luật sư thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm theo đúng pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động luật sư; xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi kỹ năng hành nghề, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế; khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển tổ chức và hoạt động của luật sư phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thông lệ quốc tế.

Dự kiến, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi) với 03 chính sách lớn. Cụ thể, chính sách 1: Xây dựng đội ngũ luật sư có bản lĩnh chính trị, đạo đức; Chính sách 2: Phát triển mạnh thị trường dịch vụ pháp lý, đồng thời xây dựng các tổ chức hành nghề luật sư hoạt động chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế; Chính sách 3: Nâng cao trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư; tăng cường quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh

Về nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên nhấn mạnh, sửa đổi Luật Luật sư là cần thiết nhằm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Luật sư.

Về các chính sách của dự án Luật, đề nghị lưu ý làm rõ một số nội dung như: đánh giá kỹ lưỡng chính sách và giải trình thấu đáo hơn về việc bỏ quy định miễn đào tạo nghề luật sư; rà soát các quy định về quyền và nghĩa vụ của luật sư tập sự nhằm bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật về tố tụng; nghiên cứu bổ sung đánh giá chính sách về chế định “luật sư công” để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; nghiên cứu bổ sung cụ thể chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc đối với Đoàn luật sư cho phù hợp với điều kiện thực tiễn tại mỗi địa phương.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên

Nêu quan điểm, đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng, Luật Luật sư có hiệu lực từ ngày 01/7/2007, được sửa đổi, bổ sung năm 2012, tạo hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của luật sư phát triển. Tuy nhiên, sau quá trình triển khai thi hành, Luật Luật sư cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn phát triển nghề Luật sư. Do đó, việc sửa đổi là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay.

Theo đại biểu lần sửa đổi này nên tập trung vào các chính sách lớn, có trọng tâm; thể chế hóa kịp thời Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng, phát triển đội ngũ luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Do đó, việc đề xuất bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 theo quy trình hai kỳ họp (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 10) là hoàn toàn phù hợp, có cơ sở và căn cứ.

 Đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa 

Cùng quan điểm, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết, xuất phát từ thực tiễn, yêu cầu quản lý tại địa phương, các tỉnh, thành phố đã có đề xuất Bộ Tư pháp xem xét, kiến nghị với Chính phủ để đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung dự án Luật Luật sư (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ thời điểm cách đây 1 đến 2 năm. Đến thời điểm hiện nay, việc sửa đổi toàn diện Luật Luật sư là hoàn toàn cần thiết. Hồ sơ cũng đã được Chính phủ chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng và nghiêm túc theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Mặt khác, 03 chính sách lớn được đề xuất sửa đổi tại dự án Luật lần này là những vấn đề đã chín, đã rõ được tổng kết, thuyết minh, giải trình thuyết phục. Trong đó, đối với chính sách quy định về người được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư cũng như là quy định về đối tượng được miễn đào tạo nghề và miễn tập sự nghề luật sư việc đề xuất sửa đổi là phù hợp. Bởi vì, trên thực tế những người đã là thẩm phán, kiểm sát viên và điều tra viên hay giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật đều là những người có kiến thức, am hiểu về pháp luật và kinh nghiệm tham gia hoạt động tố tụng; có bản lĩnh chính trị. Tuy nhiên, những nhóm đối tượng này chưa được trang bị các kiến thức đầy đủ về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, nhận thức về thể chế chính trị được vận dụng trong quá trình hành nghề như thế nào và kỹ năng hành nghề luật sư cũng có những đặc thù riêng. Do đó, để trang bị bổ sung những kiến thức này cần tham gia khóa đào tạo 6 tháng thay vì đào tạo 12 tháng như các đối tượng khác, tức là vẫn phải đào tạo nhưng thời gian đào tạo có thể ngắn hơn và đặc biệt là để bảo đảm đồng bộ, thống nhất về chính sách trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp khác.

 Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Về thứ tự ưu tiên và thời điểm trình, đại biểu tỉnh Bắc Giang cho rằng, dự án Luật có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn. Trong đó, về cơ sở chính trị, pháp lý, thời gian qua, nhiều Nghị quyết, văn kiện của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước đã được ban hành, xác định rõ chủ trương, định hướng cũng như giải pháp, quy định về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, hoạt động bổ trợ tư pháp, trong đó có xây dựng, hoàn thiện thể chế về luật sư và hành nghề luật sư, nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn luật sư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư; tạo điều kiện thuận lợi, đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành nghề luật sư như: Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Kết luận số 69-KL/TW ngày 24/02/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư; Quyết định số 118-QĐ/TW ngày 22/8/2023 của Ban Bí thư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương.

Do đó, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà bày tỏ nhất trí cao với việc bổ sung dự án Luật Luật sư (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Đồng thời, tán thành đề xuất của Chính phủ trình dự án luật theo quy trình 2 kỳ họp, theo đó, dự luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025)./.

Lê Anh