• Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023
  • Phiên họp thứ 22
  • Hội nghị đại biểu Quốc hội tháng 4/2023
  • 80 năm Quốc hội Việt Nam
  • Phiên họp thứ 21
  • Phiên họp thứ 17
  • Hội thảo Văn hoá 2024
  • Phiên họp thứ 16
  • Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022
  • Phiên họp thứ 15
  • Góc nhìn: Tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm chất lượng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8

    22/08/2024

    Tại Kỳ họp thứ 8 tới, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Trịnh Thị Tú Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng với tiêu đề “Tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm chất lượng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8”.

    GÓC NHÌN: HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT ĐỂ TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI

    Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 đã tạo thêm cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử thực hiện quyền giám sát chủ động, tích cực, đầy đủ theo chương trình, kế hoạch và thực sự có chuyển biến đáng kể, tăng cường chất lượng, hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; bảo đảm sự thống nhất, khoa học trong xác định đối tượng, phạm vi, thẩm quyền, trình tự giám sát của từng chủ thể giám sát; bảo đảm quyền, trách nhiệm của chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát; phát huy vai trò của giám sát, góp phần nâng cao, chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước…

    Sau 08 năm thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, có thể khẳng định hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao, cụ thể:

    Một là, giám sát tối cao của Quốc hội; giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội được tăng cường. Nội dung giám sát cơ bản đã bao quát hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tư pháp, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…, tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng mà cử tri, dư luận xã hội quan tâm; việc theo dõi kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát được chú trọng thực hiện. Thông qua hoạt động giám sát đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, pháp luật, cũng như kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập và đưa ra kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; đồng thời kiến nghị trách nhiệm chính trị của tổ chức, cá nhân, bảo đảm kỷ cương, từ đó các cơ quan hữu quan nhận thức đầy đủ trách nhiệm và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.

    Hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

    Cùng với Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, để hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ cho hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản quy định cụ thể, hướng dẫn việc tổ chức một số hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, như: Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23/6/2023 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 ngày 11/01/2017 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội; Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của UBTVQH hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân; Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 ngày 22/7/2022 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng dân tộc, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 ngày 25/01/2024 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Nhiều nội dung hướng dẫn của các nghị quyết đã phát huy giá trị trong thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

    Hai là, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân; các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân không ngừng đổi mới, cải tiến phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, thực hiện tốt vai trò của cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Thông qua hoạt động giám sát đã kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập để đưa ra kiến nghị giúp các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương nâng cao trách nhiệm, thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương kịp thời tháo gỡ những vướng mắc nhất là về thể chế, cơ chế, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật còn bất cập, chồng chéo, vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo lĩnh vực của ngành, của địa phương.

    Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân; các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân không ngừng đổi mới, cải tiến phương thức. Trong ảnh: Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Lâm Đồng kiểm tra thực tế tại Dự án Khu dân cư phường Lộc Phát (TP Bảo Lộc)

    Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục:

    Thứ nhất, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân hiện hành chưa quy định nguyên tắc về bảo đảm hoạt động giám sát cung cấp thông tin thực tiễn cho hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương. Trong quá trình giám sát, việc đánh giá kết quả tổ chức thi hành luật, pháp lệnh nhiều khi còn chung chung, chưa xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người đứng đầu chịu sự giám sát.

    Thứ hai, đối với hoạt động giám sát của Quốc hội: chưa có quy định về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, người bị chất vấn, giám sát chuyên đề, vấn đề được giải trình, người được yêu cầu giải trình tại kỳ họp, phiên họp, hoạt động giám sát của các cơ quan có thẩm quyền giám sát. Hoạt động giám sát chuyên đề vẫn dựa trên việc xem xét báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát, thời gian làm việc với các địa phương, giám sát thực tế tại các đơn vị, cơ sở còn ít; thành phần Đoàn giám sát còn nặng tính cơ cấu, thiếu thành phần có chuyên môn sâu; chưa có cơ chế, chính sách cụ thể về việc sử dụng chuyên gia tham mưu, tư vấn đối với lĩnh vực đòi hỏi có chuyên môn sâu, lĩnh vực chuyên ngành, đặc thù trong hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương. Hoạt động giải trình mới chỉ được một số cơ quan Quốc hội quan tâm triển khai và hiệu quả còn hạn chế. Việc theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị giám sát cũng chưa thực sự quyết liệt, thường xuyên. Việc tổ chức hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội còn gặp khó khăn; hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội chủ yếu theo chương trình giám sát của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, ít đại biểu có hoạt động giám sát riêng...

    Thứ ba, đối với hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân: chưa có các quy định về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn, tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân; chưa có quy định cụ thể việc thực hiện hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp tại các địa phương thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị (các thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh)…

    Thứ tư, chưa quy định cụ thể việc theo dõi, đôn đốc, giám sát công tác tổ chức thực hiện các kết luận giám sát, nghị quyết của Quốc hội về giám sát, dẫn đến việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị sau giám sát có lúc, có cơ quan còn chưa thực sự quyết liệt, nên không ít trường hợp, vấn đề tồn tại, bất cập phát hiện qua hoạt động giám sát nhưng chậm được giải quyết…đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung hoàn thiện.

    Thứ năm, chưa quy định đầy đủ về việc cung cấp, chia sẻ, trao đổi, xử lý, sử dụng, quản lý, bảo quản thông tin từ các tài liệu, dữ liệu, hoạt động giám sát có liên quan để kiểm chứng, đưa ra nhận định, đánh giá, kết luận về các vấn đề liên quan trong hoạt động giám sát; thiếu quy định về việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát.

    Tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã xác định các nhiệm vụ: (1) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật: “Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật”…(2) Tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, trong đó có hoạt động giám sát: “Tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp thực tiễn; nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng việc theo dõi, xem xét, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát; thực hiện nghiêm việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội”.

    Để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW, tôi cho rằng việc xây dựng, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân là hết sức cần thiết. Theo Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 08/6/2024 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khoá XV. Nghiên cứu, góp ý vào dự thảo Hồ sơ dự án Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân tôi xin có một số kiến nghị Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số vấn đề sau:

    (1) Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương đồng nhất, đồng dạng cho cả nông thôn, đô thị, hải đảo. Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (được sửa đổi, bổ sung 2019) đã bước đầu đa dạng hóa mô hình chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo. Thực tế, khi thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đối với hoạt động của chính quyền địa phương nói chung và đối với chính quyền đô thị đang được triển khai theo các Nghị quyết của Quốc hội nói riêng (các thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh) vẫn chưa được tháo gỡ. Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân đối với cơ quan hành chính nhà nước tại phường, quận - nơi không tổ chức cấp chính quyền vẫn còn lúng túng và khó thực hiện.

    Vì vậy, cần có những rà soát, đánh giá từ thực tiễn việc thực hiện hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp tại các địa phương thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung nội dung này trong dự thảo Luật rõ ràng hơn, tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật, quy định thống nhất để các địa phương triển khai thực hiện, phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị, tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để Hội đồng nhân dân làm tốt chức năng giám sát của mình.

    (2) Tại khoản 9 Điều 1 dự thảo Luật (điểm d khoản 2 Điều 15b) quy định: Người bị chất vấn không được uỷ quyền cho người khác trả lời thay. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 15a lại quy định: “Trường hợp có lý do đặc biệt, chính đáng không thể tham dự phiên họp thì người bị chất vấn gửi văn bản nêu rõ lý do đến Tổng thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định”. Như vậy, trong dự thảo Luật cũng đã xác định có thể xảy ra trường hợp “có lý do đặc biệt, chính đáng không thể tham dự phiên họp” thì người bị chất vấn gửi văn bản đến Tổng Thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định nội dung điểm d khoản 2 Điều 15b cho phù hợp với thực tiễn, thống nhất với quy định tại khoản 2 Điều 15a.

    Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và chỉ đạo Hội thảo Lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

    (3) Để tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hòa, phối hợp trong hoạt động giám sát chuyên đề, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và bố trí kế hoạch giám sát phù hợp, bảo đảm cân đối thời gian tổ chức các đoàn giám sát tại các địa phương, tránh tình trạng cùng một thời điểm hoặc trong thời gian ngắn có các đoàn giám sát, khảo sát liên tiếp đến làm việc. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi khoản 2 Điều 36b trong hồ sơ dự thảo theo hướng quy định thời gian làm việc tại địa phương của các Đoàn công tác “cách nhau ít nhất 05 ngày”, đồng thời sửa đổi lại như sau:

    “2. Nguyên tắc điều hòa hoạt động giám sát của các cơ quan: Bảo đảm tại 01 bộ, ngành, cơ quan ở trung ương, 01 địa phương trong 01 tháng có không quá 02 Đoàn công tác đến làm việc; đối với thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh, trong 01 tháng có không quá 03 Đoàn công tác đến làm việc; thời gian tổ chức làm việc giữa các Đoàn công tác tại cùng 01 bộ, ngành, cơ quan ở trung ương, 01 địa phương cách nhau ít nhất 05 ngày.”

    Bên cạnh đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Luật cần rà soát, đánh giá tác động, tính thống nhất, phù hợp với các quy định pháp luật liên quan như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Nghị quyết số 96/2023/QH15; Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15; Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15; Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15… và các quy định khác có liên quan để bảo đảm khi Luật được ban hành và có hiệu lực sẽ giải quyết được các vướng mắc, hạn chế trong thời gian vừa qua./.

         

    TS. Trịnh Thị Tú Anh

    Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng