Cùng dự có Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí; đại diện lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Nội chính Trung ương; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Nội vụ, Kiểm toán nhà nước, Hội Luật gia Việt Nam…
Điều hành nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, xem xét về 04 Nghị quyết do Tòa án nhân dân tối cao trình để triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung Phiên họp
Theo đó, xem xét 04 dự thảo Nghị quyết thuộc thẩm quyền của UBTVQH gồm: (1) Dự thảo Nghị quyết về việc phê chuẩn đề nghị thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao; (2) Dự thảo Nghị quyết quy định về bậc, điều kiện của từng bậc, việc nâng bậc và số lượng, cơ cấu tỷ lệ các bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân; (3) Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 730/2004/UBTVQH11, Nghị quyết 1212/2016/UBTVQH13 về thang lương của Thẩm phán và phụ cấp một số chức vụ của Tòa án; (4) Dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế phối hợp giữa TANDTC và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến
Trình bày Báo cáo tóm tắt về 04 dự thảo Nghị quyết nêu trên, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết, liên quan đến dự thảo Nghị quyết về việc phê chuẩn đề nghị thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), TANDTC đề xuất trên nguyên tắc không làm phát sinh thêm đầu mối. Cụ thể, các cục, vụ và tương đương của TANDTC gồm 11 đơn vị giữ nguyên số lượng như hiện nay, trong đó 05 đơn vị giữ nguyên tên gọi, 05 đơn vị được tổ chức lại, 01 đơn vị được thành lập mới, giải thể 01 đơn vị (giải thể Vụ Thi đua - Khen thưởng để sáp nhập vào Vụ Tổ chức - Cán bộ của TANDTC). Về cơ quan báo chí của TANDTC gồm báo Công lý và Tạp chí Tòa án nhân dân giữ nguyên như hiện nay…
Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp tán thành việc TANDTC xây dựng hồ sơ trình UBTVQH ban hành các Nghị quyết của UBTVQH để thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng; cụ thể hóa Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024. Hồ sơ các dự thảo Nghị quyết cơ bản được chuẩn bị nghiêm túc, công phu; tuy nhiên, 04 dự thảo Nghị quyết nêu trên còn thiếu Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị TANDTC sớm hoàn thiện các tài liệu liên quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga
Đối với dự thảo Nghị quyết về việc phê chuẩn đề nghị thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp tán thành việc giữ nguyên 05 đơn vị cấp vụ, cục; 02 cơ quan báo chí; giải thể Vụ Thi đua - Khen thưởng (để nhập vào Vụ Tổ chức - Cán bộ); tán thành tổ chức lại 4/5 đơn vị cấp vụ.
Riêng thành lập Cục Công nghệ thông tin trên cơ sở tổ chức lại Vụ Tổng hợp; thành lập mới Vụ IV, Ủy ban Tư pháp cũng cơ bản tán thành; tuy nhiên, Nghị quyết 18-NQ/TW yêu cầu: “Tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các tổ chức của hệ thống chính trị… Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế; trường hợp đặc biệt cần tăng thêm đầu mối từ cấp vụ, cục hoặc tương đương trở lên phải có ý kiến của Bộ Chính trị”. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc thành lập Cục Công nghệ thông tin trên cơ sở tổ chức lại Vụ Tổng hợp và thành lập mới Vụ IV cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
Đối với dự thảo Nghị quyết quy định về bậc, điều kiện của từng bậc, việc nâng bậc và số lượng, cơ cấu tỷ lệ các bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân, về bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân (Điều 1), Ủy ban Tư pháp tán thành quy định trong ngạch Thẩm phán TAND được chia thành 03 bậc. Cụ thể: Thẩm phán bậc 1 (tương đương Thẩm phán sơ cấp); Thẩm phán bậc 2 (tương đương Thẩm phán trung cấp); Thẩm phán bậc 3 (tương đương Thẩm phán cao cấp).
Chánh án Toà án nhân dân tối cao Lê Minh Trí tham dự Phiên họp
Về điều kiện của từng bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân (Điều 2), TANDTC đề nghị quy định điều kiện của từng bậc Thẩm phán (bậc 1, bậc 2, bậc 3). Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành quy định cụ thể điều kiện của từng bậc Thẩm phán; đồng thời, đề nghị cân nhắc thêm nội dung sau: (1) Người có thời gian công tác pháp luật nhiều năm, sau khi được bổ nhiệm Thẩm phán TAND, thì có thể cân nhắc để xếp bậc Thẩm phán cao hơn (bậc 2 hoặc bậc 3) nếu họ có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. (2) Dự thảo Nghị quyết quy định: Thẩm phán TAND công tác tại TANDTC có cả 3 bậc, nhưng chưa quy định điều kiện cụ thể về năng lực xét xử các vụ việc phù hợp với bậc Thẩm phán.
Liên quan đến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 730/2004/UBTVQH11, Nghị quyết 1212/2016/UBTVQH13 về thang lương của Thẩm phán và phụ cấp một số chức vụ của Tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, về sửa đổi phụ cấp chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, TANDTC đề xuất phụ cấp Thẩm phán TANDTC là 1,30. Đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên mức phụ cấp như hiện nay đối với Thẩm phán TANDTC. Chính phủ và Thường trực Ủy ban Pháp luật đều đề nghị giữ nguyên phụ cấp 1,25 đối với Thẩm phán TANDTC. Tuy nhiên, đây là nội dung quan trọng liên quan đến chế độ, chính sách đối với cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý, do đó cần xin ý kiến của cấp có thẩm quyền.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự Phiên họp
Về thang lương của Thẩm phán Tòa án nhân dân, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành ý kiến của Chính phủ; đồng thời đề nghị trong khi chờ chủ trương, quyết định của Trung ương thì chưa nên chuyển xếp lại thang lương (ở mức cao hơn) đối với Thẩm phán bậc 1, bậc 2. Do TANDTC đề nghị chuyển xếp lại thang lương của Thẩm phán; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ, nội dung này cần báo cáo xin ý kiến của Bộ Chính trị theo đúng quy định tại Nghị quyết 27 về chính sách cải cách tiền lương.
Đối với dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế phối hợp giữa TANDTC và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành các nội dung của dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát về nội dung dự thảo Nghị quyết, như sự thống nhất giữa nội dung và tên điều (Điều 7)… Ủy ban Tư pháp đề nghị UBTVQH xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết tại phiên họp này./.