PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG DỰ VÀ CHỈ ĐẠO PHIÊN HỌP THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT ĐƯỜNG BỘ

18/10/2023

Chiều 18/10 tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức họp phiên toàn thể lần thứ 9, Thẩm tra dự án Luật Đường bộ. Thượng tướng Trần Quang Phương – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo Phiên họp.

ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH HỌP PHIÊN TOÀN THỂ, THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT ĐƯỜNG BỘ

ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH TỔ CHỨC TỌA ĐÀM VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐƯỜNG BỘ

Trung tướng Lê Tấn Tới - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm; Thường trực và thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện các Bộ, ngành, Ban soạn thảo dự án Luật. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dự và chỉ đạo Phiên họp.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng đường bộ

Trình bày Tờ trình dự án Luật Đường bộ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm nêu rõ, việc xây dựng Luật Đường bộ nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phát triển vận tải đường bộ nhằm nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn tại Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tạo cơ chế đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại hóa; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng…

Thực tiễn cũng cho thấy, sau 13 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã bộc lộ một số vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là các quy định về cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ; ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động đường bộ… Do đó, việc xây dựng dự án Luật Đường bộ là hết sức cần thiết.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm báo cáo tại phiên họp.

Dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 92 điều. So với dự thảo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã chuyển 03 chương sang Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (đó là chương: quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, phương tiện tham gia giao thông đường bộ).

So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật có các điểm mới thay đổi phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, theo đó Luật này quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ; bổ sung các khái niệm mới như: đường giao thông nông thôn; đường địa phương; phương tiện công nghệ mới; phương tiện đa tính năng; bổ sung quy định về áp dụng Luật Đường bộ và các luật khác…

Theo dự thảo báo cáo thẩm tra dự án Luật Đường bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thị Xuân cho biết Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản tán thành Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Đường bộ để tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động giao thông vận tải đường bộ. Đồng thời, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, nhất là trong việc xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh báo cáo tại phiên họp.

Về các ý kiến liên quan đến việc tách Luật Giao thông đường bộ thành dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản tán thành với các nội dung tiếp thu, giải trình của Chính phủ và thấy rằng việc xây dựng 02 dự án luật đã được Chính phủ thảo luận, cân nhắc, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước ta và thông lệ quốc tế; đồng thời thể chế hóa Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới”. Hai Luật được ban hành sẽ khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nhấn mạnh.

Về các ý kiến liên quan đến thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chưa thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và đã được quy định tại khoản 6 Điều 42 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Các thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh dự phiên họp.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản tán thành phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và cho rằng có một số nội dung giao thoa cần được quy định trong cả 2 dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát để tránh lỗ hổng pháp luật, đồng thời tránh chồng chéo quy định của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung một số quy định cụ thể về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ phù hợp với xu hướng phát triển giao thông thông minh, phương tiện đa tính năng; về giao thông đô thị, đường chuyên dùng, đường nội bộ, đường cao tốc…

Bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính khả thi của dự thảo Luật

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tập trung cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh và một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật, làm rõ yêu cầu bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính khả thi của dự thảo Luật. Các ý kiến phát biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết xây dựng dự án Luật Đường bộ trên cơ sở kế thừa một số nội dung của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, nhằm quy định chuyên sâu về công tác quản lý, đầu tư, xây dựng, khai thác, bảo trì đường bộ và hoạt động vận tải đường bộ. Các ý kiến cũng tập trung làm rõ những nội dung trọng tâm của dự án Luật, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn để xây dựng dự án Luật và những nội dung cơ bản của dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Dự án Luật Đường bộ đã được Quốc hội cho phép đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Hồ sơ dự án Luật được xây dựng đúng quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao các ý kiến phát biểu đều đi vào các nội dung quan trọng của dự thảo Luật Đường bộ. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là dự thảo Luật được xây dựng song song với dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ nên cần tiếp tục rà soát, làm rõ hơn nội hàm, phạm vi điều chỉnh và từng nội dung cụ thể để quy định trong mỗi dự thảo Luật cho phù hợp, hạn chế chồng chéo, trùng lặp.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, những nội dung nào đã chín, đã rõ cần quy định ngay để luật sớm đi vào cuộc sống. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng lưu ý Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Ban soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để sửa đổi phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Đồng thời tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, tổng hợp và hoàn thiện báo cáo thẩm tra chính thức trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 tới đây./.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Toàn cảnh phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dự và chỉ đạo Phiên họp.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu mở đầu phiên họp.

 

Các đại biểu dự phiên họp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế về quy định giao thông thông minh để bổ sung trong dự thảo luật.

Đại biểu Quản Minh Cường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu tại phiên họp.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương Nguyễn Thị Ngọc Xuân phát biểu tại phiên họp.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba đề nghị rà soát dự thảo Luật để bảo đảm tính đồng bộ của pháp luật.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng phát biểu tại phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác