THƯỢNG TƯỚNG TRẦN QUANG PHƯƠNG - PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI BỘ TƯ LỆNH CẢNH SÁT BIỂN

03/04/2023

Chiều ngày 03/4, tại Hà Nội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu Đoàn công tác thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.

ĐOÀN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ CỦA QUỐC HỘI NGHIÊM KHẮC PHÊ BÌNH CÁC ĐỊA PHƯƠNG CHẬM BÁO CÁO

  

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu Đoàn công tác thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam

Cùng đi có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, đại diện Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh; đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Về phía Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển có Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Thiếu tướng Lê Quang Đạo; Chính ủy Cảnh sát biển, Trung tướng Bùi Quốc Oai.

Tại buổi làm việc, Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã báo cáo với Đoàn công tác về 3 nội dung chính bao gồm: việc triển khai các nhiệm vụ trong năm 2022, những tháng đầu năm 2023; vai trò của Cảnh sát biển Việt Nam trong tham gia triển khai chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam và vai trò, đóng góp của Cảnh sát biển Việt Nam trong việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp không khai báo, không theo quy định (IUU).

Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam

Cụ thể, trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, các cơ quan, đơn vị trọng toàn lực lượng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh, duy trì thực thi pháp luật trên biển; tham gia xây dựng nền quốc phòng, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên biển vững chắc; chủ động, tích cực tham gia vào bảo vệ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Chất lượng tổng hợp, sức mạnh, trình độ và khẳ năng sẵn sàng chiến đấu của toàn lực lượng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, trọng tâm là bảo vệ  vững chắc chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc.

Toàn lực lượng luôn sẵn sàng chiến đấu cao; đẩy mạnh thực hiện đột phá “Ba mạnh” về công tác tham mưu “mạnh về tham mưu đề xuất, mạnh về hướng dẫn chỉ đạo, mạnh về kiểm tra đôn đốc” nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, giáo dục đào tạo; xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh, toàn diện. Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu các cấp theo quy định (8 tàu trực tại 8 cảng, 10 tàu, 1 xuồng trực tại 10 điểm, đảo). Các tàu Cảnh sát biển đã phát hiện, tuyên truyền đến 1.587 tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, ghi số hiệu 853 tàu; lập biên bản, điểm chỉ hải đồ, phóng thích trên 57 tàu.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc 

Từ năm 2022 cho đến nay, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển đã triển khai 10 đợt chống khai thác IUU trên thực địa, hiện duy trì 10 tàu ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài. Chỉ đạo cơ quan, đơn vị phối hợp với lực lượng hiệp đồng, cơ quan chức năng chính quyền địa phương xác minh, điều tra làm rõ các vụ việc tàu cá Việt nam vi phạm khai thác IUU, bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ; xây dựng kế hoạch, chuyên án đấu tranh bóc gỡ các đường dây môi giới đưa tàu cá, ngư dân sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Qua kiểm tra, kiểm soát, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về IUU 180 vụ/214 tàu cá/204 đối tượng, tổng số tiền trên 2,9 tỷ đồng.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến đã đi kiểm tra Phòng điều hành, Trung tâm chỉ huy của Bộ Tư lệnh cảnh sát biển.

Tại đây, Phó Chủ tịch Quốc hội đã thăm hỏi, động viên ngư dân tỉnh Quảng Ngãi và các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển đang trực sẵn sàng chiến đấu, tuần tra kiểm soát, chống khai thác IUU khu vực giáp ranh thông qua hệ thống VSAT. Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao quyết tâm chính trị, tinh thần trách nhiệm của các cán bộ, chiến sĩ trong thực thi nhiệm vụ, nhất là vai trò nòng cốt trong thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn trên biển, triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Về nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, sắp tới, Ủy ban châu Âu sẽ tổ chức đoàn kiểm tra lần thứ 4 tới Việt Nam, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị lực lượng Cảnh sát biển cần chủ động tham mưu với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương để tiếp tục tăng cường trao đổi, phối hợp, tháo gỡ khó khăn và sớm triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ thẻ vàng của EC, gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển bền vững.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý cán bộ, chiến sỹ cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác dân vận, thực hiện có hiệu quả Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành cùng với ngư dân”, “Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc, tôn giáo”; Cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương” nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của nhân dân, nhất là ngư dân trong chống IUU.

Liên quan tới các kiến nghị của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển về sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Hình sự (Bổ sung Đoàn trưởng, Phó Đoàn trưởng Đoàn Trinh sát là người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra…) và sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (Bổ sung Đoàn Trinh sát là cơ quan được tiến hành một số hoạt động điều tra của Cảnh sát biển; bổ sung thẩm quyền tiến hành một số hoạt đọng điều tra của Cảnh sát biển đối với các tội phạm tại điều 150 đến 152 và 190 đến 195, 303 và một số tội danh khác), Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, hiện nay trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024 nội dung sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự theo nhiệm vụ rà soát pháp luật thì Chính phủ phải báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 6/2022 nhưng hiện nay chưa có báo cáo, chưa có đề xuất điều chỉnh trong năm 2024.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tặng quà lưu niệm Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các cơ quan của Quốc hội theo chức năng, thẩm quyền sẽ tiếp tục nghiên cứu, đôn đốc các bên liên quan, sửa đổi, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để lực lượng Cảnh sát biển hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển lưu ý tích cực tham gia vào một số nhiệm vụ quan trọng khác như quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch vùng bờ. Đồng thời cũng là nhiệm vụ góp phần vào việc phát triển kinh tế biển vững chắc theo chiến lược đã đề ra./.

Dương Dung

Các bài viết khác