Báo cáo với Đoàn Giám sát của Quốc hội, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh nêu rõ, kết quả kiểm toán giai đoạn 2016 -2021 cho thấy, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức thực hiện kịp thời và đạt được những kết quả nhất định, góp phần tiết kiệm nguồn lực cho ngân sách nhà nước, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Nhiều cơ quan quản lý hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp đã chủ động sử dụng nguồn lực tài chính được giao theo quy định ddeer tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác, phát triển nguồn nhân lực và đầu tư trang thiết bị phục vụ cải cách hành chính, góp phần tăng thu nhập và đãi ngộ cho người lao động,…
Tuy nhiên, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước cũng nhấn mạnh, cùng với kết quả đạt được, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra nhiều tồn tài, hạn chế liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cụ thể: Cơ chế quản lý tài chính, ngân sách chưa phát huy được ưu điểm về quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ được quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015; Các văn bản hướng dẫn Nghị định số 16/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ chậm ban hành, gây khó khăn cho việc thực hiện cơ chế tự chủ; tỷ lệ tổ chức đấu thầu qua mạng tại nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa đảm bảo theo lộ trình; Việc ban hành các văn bản quản lý, chính sách, chế độ, định mức của một số lĩnh vực còn chậm, dẫn đến khó khăn trong tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chi; nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý còn thiếu đồng bộ, trái với quy định quản lý cấp trên hoặc không phù hợp với thực tiễn, tạo kẽ hở trong quản lý tài chính công, tài sản công;…
Tổ trưởng công tác của Đoàn Giám sát Lê Minh Nam cho rằng, kết quả kiểm toán giai đoạn 2016 – 2021 do Kiểm toán Nhà nước cung cấp có giá trị quan trọng trong phục vụ lập Báo cáo giám sát tổng hợp. Hơn nữa, việc tiếp tục báo cáo bổ sung thông tin kết quả kiểm toán chi tiết theo 7 nhóm nội dung; bổ sung thông tin kết quả thực hiện kết luận kiến nghị kiểm toán theo 8 nhóm nội dung theo đó xác định cụ thể đối tượng đến từng địa phương, Bộ, Ngành được kiểm toán đã thể hiện nỗ lực của Kiểm toán Nhà nước trong báo cáo kết quả giám sát. Những thông tin cụ thể này sẽ được sử dụng phục vụ lập báo cáo Giám sát để minh chứng cho những đánh giá, kết luận và kiến nghị trên góc độ tổng thể, vĩ mô, gắn với mục tiêu giám sất tối cao của Đoàn Giám sát và các Tổ công tác khi thực hiện rà soát kết quả ban đầu và tham gia giám sát trực tiếp tại các Bộ, Ngành, địa phương.
Tổ trưởng công tác của Đoàn Giám sát Lê Minh Nam kiến nghị Đoàn Giám sát cho phép sử dụng kết quả kiểm toán phục vụ hoạt động giám sát trực tiếp và đối chiếu với các báo cáo của các tổ chức chịu sự giám sát còn lại để có những đánh giá, kết luận giám sát phù hợp. Đồng thời, cho phép sử dụng kết quả kiểm toán để biên tập thành 01 Phụ lục Báo cáo giám sát, Phụ lục này sẽ là bằng chứng chứng minh cho những nhận định, đánh giá, nhận xét, về việc thực hành tiết kiệm, chông lãng phí của các Bộ, ngành, địa p hương được kiểm toán giai đoạn 2016 -2021.
Qua thảo luận, đa số ý kiến thành viên Đoàn Giám sát cũng như các chuyên gia tham dự đều ghi nhận những nỗ lực của Kiểm toán Nhà nước trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Một số ý kiến bày tỏ tin tưởng và đánh gía cao giá trị thông tin từ hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. “Từ trước đến nay tôi luôn cho rằng, thông tin cũng như hoạt động của Kiểm toán Nhà nước có vai trò hỗ trợ rất lớn trong việc thực hiện chức năng giám sát…”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai, cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, một số ý kiến chuyên gia cũng tán thành sự cần thiết phải tham khảo, sử dụng thông tin kiểm toán việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí tại Bộ, Ngành, địa phương trong quá trình giám sát. Tuy nhiên, để tiếp tục có thêm thông tin, tài liệu phục vụ giám sát đề nghị Kiểm toán Nhà nước bổ sung, cập nhật kết quả kiểm toán của các Bộ, ngành, địa phương thực hiện kiểm toán năm 2022 có phạm vi kiểm toán thuộc giai đoạn 2016 -2021;…
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương – Trưởng Đoàn Giám sát
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Đoàn Giám sát đánh giá cao vai trò chỉ đạo sát sao, kịp thời của Tổng Kiểm toán Nhà nước, sự tích cực chuẩn bị báo cáo kỹ lưỡng, công phu với nhiều nội dung được thể hiện cụ thể, chi tiết cùng hệ thống phụ lục, bảng biểu khoa học.
Khẳng định đây là Giám sát chuyên đề có nội dung quan trọng được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm, nhưng đồng thời cũng là chuyên đề khó, liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên ngành mang tính chuyên môn sâu, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, kết quả báo cáo của Kiểm toán Nhà nước có ý nghĩa, giá trị quan trọng trong sử dụng tổng hợp, báo cáo đánh giá chung của Đoàn Giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, Kiểm toán Nhà nước tiếp thu tối đa ý kiến phân tích, thảo luận tại cuộc làm việc, khẩn trương rà soát hoàn thiện báo cáo. Trong đó, chú trọng một số vấn đề như sau: Tiếp tục bổ sung, cập nhật kết quả kiểm toán từ các Bộ, ngành, địa phương thực hiện kiểm toán năm 2022 có phạm vi trong giai đoạn 2016 -2021 nhưng chưa phát hành đến thời điểm lập báo cáo (01/6/2022); Tiếp tục phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu cụ thể về kết quả kiểm toán tại các Bộ, ngành, địa phương phục vụ công tác giám sát trực tiếp tại các đầu mối; Rà soát để phối hợp phân tích, đánh giá sâu thêm về những sai phạm về quản lý sử dụng nguồn lực, về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý; Bố trí nhân sự phối hợp tham gia trong quá trình dự thảo và hoàn thiện Báo cáo giáo sát chung của Đoàn Giám sát;…
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, dữ liệu, tình hình thực hiện kiểm toán và kết quả kiểm toán việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại bộ, ngành, địa phương là kênh thông tin quan trọng trong quá trình giám sát cùng với thông tin từ Thanh tra, báo cáo của các Bộ, ngành và địa phương. Do đó, đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiếp tục rà soát, bổ sung thông tin, số liệu đầy đủ, chính xác; có bóc tách số liệu rõ ràng đối với từng bộ, ngành, địa phương,.../.