Toàn cảnh phiên họp
Tham dự phiên họp có Trưởng Ban Dân nguyện, Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát Dương Thanh Bình; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó trưởng giám sát Y Thanh Hà Niê Kđăm; các thành viên đoàn Giám sát; đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, một số ban, ngành có liên quan.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn Giám sát, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, phiên họp được tổ chức để thông tin, báo cáo kết quả giám sát bước đầu của Thường trực Đoàn giám sát và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 9, đồng thời thảo luận, cho ý kiến về báo cáo dự kiến kế hoạch chi tiết làm việc trực tiếp với các Bộ, ngành địa phương.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyên đề giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong phương thức giám sát, cần có kế hoạch giám sát chi tiết và cụ thể với từng Bộ, ngành, địa phương, bám sát theo đặc thù và các vấn đề, những vướng mắc ở Bộ, ngành, địa phương, để đảm bảo cả “điểm” và “diện”, nâng cao hiệu quả giám sát xứng tầm với trách nhiệm giám sát tối cao của Quốc hội.
Tại Phiên họp, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công nêu rõ, kết luận Phiên họp thứ 9 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo kết quả giám sát bước đầu về chuyên đề thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ghi nhận trách nhiệm và những nỗ lực của thường trực Đoàn giám sát và Tổ giúp việc cũng như các thành viên của Đoàn giám sát. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần phải khẩn trương triển khai nhiều công việc tiếp theo để bảo đảm tiến độ và chất lượng giám sát đạt kết quả cao nhất, nhất là chuẩn bị báo cáo bước đầu cho đầy đủ.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công trình bày báo cáo
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định đây là chuyên đề rất quan trọng liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân, gồm các luật chủ yếu như: Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và cũng liên quan đến nhiều bộ luật khác của đời sống kinh tế - xã hội, phạm vi rộng. Vì vậy, phải bảo đảm tính toàn diện, trọng tâm, trọng điểm và làm đến nơi, đến chốn; kiến nghị, xử lý được những tồn tại; chấn chỉnh việc tổ chức thực hiện và kiến nghị sửa đổi các văn bản luật.
Về kế hoạch giám sát tại một số Bộ, ngành và địa phương đối với chuyên đề giám sát này, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cho biết, Đoàn giám sát đã ban hành Kế hoạch giám sát chi tiết số 76/KH-ĐGS ngày 24/10/2021. Căn cứ trên kế hoạch chi tiết, Đoàn giám sát sẽ tiến hành giám sát tại một số Bộ, ngành, địa phương nhằm tìm hiểu thực tế, thu thập thêm thông tin và một số nội dung cần làm rõ thêm về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện cũng nêu rõ, đối tượng giám sát dự kiến sẽ gồm các Bộ, ngành: Thanh tra Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Công an; các tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Khánh Hòa, Lào Cai. Ngoài các nội dung báo cáo theo đề cương chung, Đoàn Giám sát sẽ tổ chức buổi làm việc của Đoàn với từng Bộ, ngành.
Về nội dung giám sát, theo Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Đoàn giám sát sẽ tập trung đánh giá về việc ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cụ thể, Đoàn sẽ giám sát việc bố trí cán bộ, công chức thực hiện tiếp công dân, việc niêm yết nội duy, công khai lịch tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, người đứng đầu; việc phân loại, ghi sổ tiếp công dân theo quy định; công tác phối hợp tiếp công dân giữa các cơ quan hữu quan với các tổ chức, đoàn thể, luật sư, hội luật gia; việc thông báo kết quả tiếp công dân.
Giám sát về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, Đoàn giám sát sẽ tập trung vào các vấn đề tiếp nhận, phân loại đơn khiếu nại, tố cáo; việc đảm bảo quy định về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại; việc thực hiện quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo: thụ lý tố cáo, thẩm tra, xác minh nội dung tổ cáo; thời hạn giải quyết; kết luận nội dung tố cáo; việc công khai kết luận nội dung tố cáo và quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo nếu có…
Bên cạnh đó, Đoàn giám sát sẽ tập trung đánh giá kết quả việc thực hiện việc rà soát đối với các khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, đông người; đánh giá kết quả về công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo; đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ, công chức; đánh giá công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; đánh giá kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến các đại biểu đánh giá kế hoạch giám sát đã được chuẩn bị tương đối toàn diện, bám sát Đề cương báo cáo giám sát mà Đoàn giám sát đã đề ra, thể hiện đúng tinh thần của Kết luận tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung xem xét báo cáo kết quả bước đầu giám sát chuyên đề việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Các đại biểu đề nghị cần giám sát có trọng tâm, trọng điểm, đi sâu vào các vấn đề nóng, nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận ở từng Bộ, ngành, đặc biệt là các khiếu nại, tố cáo liên quan đến vấn đề đất đai. Về việc giám sát tại các địa phương, nhiều ý kiến cho rằng cần đặc biệt chú ý đến các vụ việc liên quan đến nhiều người, đã khiếu nại, tố cáo qua nhiều cấp nhưng đến nay chưa giải quyết được, thu hút sự chú ý của dư luận.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh phát biểu
Bên cạnh đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh và các đại biểu cũng đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng và toàn diện việc triển khai thực hiện các quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo ở các Bộ, ngành, địa phương, cần làm rõ những khó khăn, tồn tại, vướng mắc, và có giải pháp khắc phục, lộ trình cải thiện rõ ràng.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lê Thị Nguyệt cùng một số đại biểu cho rằng, cần có sự phối hợp giữa việc nghiên cứu hồ sơ, giám sát văn bản với giám sát thực tế tổ chức thực hiện tại địa phương, cần có sự phân công trách nhiệm, phân bố thời gian cụ thể và hợp lý cho phù hợp với đặc thù và các vấn đề của các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình giám sát. Một số ý kiến cho rằng cần công bố dự thảo kết luận giám sát ngay tại cuộc làm việc với Bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện bộ ngành giải trình, trao đổi và khẩn trương có biện pháp giải quyết các vấn đề còn tồn tại.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao các ý kiến đóng góp trách nhiệm và tâm huyết của các đại biểu, đồng thời đề nghị Vụ Dân nguyện tiếp thu ý kiến của các đại biểu, thành viên Đoàn giám sát, chuẩn bị ban hành kết luận bằng văn bản.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu kết luận
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các thành viên Đoàn giám sát cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo kế hoạch giám sát chi tiết tại một số Bộ, ngành, địa phương, đưa ra nhiều ý kiến đề xuất có trọng tâm, trọng điểm, các yêu cầu cụ thể cần đạt được trong quá trình giám sát thực tế, chuẩn bị báo cáo theo đề cương giám sát. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổ giúp việc tiếp thu ý kiến các đại biểu, hoàn thiện kế hoạch chi tiết các cuộc làm việc với các Bộ, ngành, địa phương.
Nêu rõ mục đích cử đoàn đi giám sát là để khẳng định lại nhận định, đánh giá trong báo cáo bước đầu, giám sát xử lý các vụ việc để nhìn nhận rõ các vấn đề vĩ mô, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Đoàn giám sát cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, có định hướng, trọng tâm, trọng điểm trong giám sát, làm việc chủ động, tích cực với tinh thần trách nhiệm cao để việc giám sát đạt được kết quả cao nhất.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:
Nguyên Phó Trưởng Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương cho rằng cần giám sát có trọng tâm, trọng điểm, đi sâu vào các vấn đề nóng, nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận ở từng Bộ, ngành, đặc biệt là các khiếu nại, tố cáo liên quan đến vấn đề đất đai.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho rằng cần có sự phối hợp giữa việc nghiên cứu hồ sơ, giám sát văn bản với giám sát thực tế tổ chức thực hiện tại địa phương
Ông Bùi Văn Xuyền, Đại biểu Quốc hội khóa XIV chỉ rõ, cần đánh giá kỹ lưỡng và toàn diện việc triển khai thực hiện các quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo ở các Bộ, ngành, địa phương
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giám sát văn bản, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng giám sát văn bản là việc đúng tầm cao của Quốc hội, giúp điều chỉnh chính sách cho phù hợp đường lối của Đảng, đảm bảo hiệu quả của công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại.
Đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị Đoàn giám sát tập trung vào các vấn đề tiếp nhận, phân loại đơn khiếu nại, tố cáo; việc đảm bảo quy định về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại.
Một số ý kiến đề nghị cần công bố dự thảo kết luận giám sát ngay tại cuộc làm việc với Bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện bộ ngành giải trình, trao đổi và khẩn trương có biện pháp giải quyết các vấn đề còn tồn tại
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Đoàn giám sát cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, có định hướng, trọng tâm, trọng điểm trong giám sát, làm việc chủ động, tích cực với tinh thần trách nhiệm cao để việc giám sát đạt được kết quả cao nhất.
Bên lề Phiên họp, các đại biểu chia sẻ thực tế tổ chức thực hiện công tác giám sát tại địa phương, sự phân công trách nhiệm, phân bố thời gian để phù hợp với đặc thù và các vấn đề của các Bộ, ngành...
Đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm về việc giám sát đối với các vụ việc liên quan đến nhiều người, đã khiếu nại, tố cáo qua nhiều cấp nhưng đến nay chưa giải quyết được, thu hút sự chú ý của dư luận./.