PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG DỰ VÀ CHỈ ĐẠO TẠI TỌA ĐÀM VỀ 02 DỰ THẢO LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ VÀ LUẬT CĂN CƯỚC

09/09/2023

Sáng ngày 09/9/2023, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đến dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi Tọa đàm về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và dự thảo Luật Căn cước.

TỌA ĐÀM VỀ DỰ THẢO LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ VÀ LUẬT CĂN CƯỚC

Toàn cảnh buổi Toạ đàm

Cùng chủ trì Tọa đàm có Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an và bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Cuộc Tọa đàm do Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, với hơn 80 đại biểu tham dự, gồm các đại biểu Quốc hội chuyên trách thuộc các Ủy ban của Quốc hội; các đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Nam và đại diện Công an một số tỉnh, thành phố và một số cơ quan nghiên cứu, đào tạo như: Đại học Cảnh sát nhân dân, Đại học An ninh nhân dân, Cao đẳng Cảnh sát nhân dân.

Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh 

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật Căn cước của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, tại Kỳ họp thứ 5, dự án Luật đã nhận được 151 lượt ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội. Đa số các ý kiến tán thành về sự cần thiết ban hành Luật, cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo và góp ý nhiều vấn đề cụ thể. Tại Phiên họp thứ 25, tháng 8/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đại biểu Quốc hội. Qua thảo luận của đại biểu Quốc hội và ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hiện có 2 loại ý kiến như sau:

Loại ý kiến thứ nhất đồng ý đổi tên luật thành Luật Căn cước như dự thảo Luật Chính phủ trình.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ tên luật là Luật Căn cước công dân

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với loại ý kiến thứ nhất và cho rằng: Việc đổi tên Luật thành Luật Căn cước sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với các chính sách dự kiến đề xuất bổ sung khi lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật; phản ánh đúng, đủ bản chất căn cước, căn cước điện tử, đáp ứng yêu cầu quản lý căn cước cả về trước mắt cũng như lâu dài, phục vụ công tác quản lý nhà nước, quản lý công dân, bảo vệ quyền con người. Ngoài ra, qua rà soát hệ thống pháp luật thì việc thay đổi tên thành Luật Căn cước không phát sinh việc sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết khác của Quốc hội, theo đó, không có tác động xáo trộn, thay đổi về mặt pháp luật. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh kiến nghị Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng để xã hội, Nhân dân hiểu hơn các quy định mới của dự thảo Luật và mục đích, ý nghĩa của các quy định này để tạo sự đồng thuận cao khi Luật này ban hành.

Về tên gọi của Thẻ căn cước, đây cũng là nội dung được các vị đại biểu Quốc hội quan tâm và còn 2 loại ý kiến khác nhau. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị đại biểu tiếp tục nghiên cứu, cho ý kiến về tên gọi của thẻ.

PGS.TS Trần Quang Huyên, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân

Tại buổi tọa đàm, các ý kiến cho rằng, Luật Căn cước phù hợp với tính thời đại, khu vực và quốc tế. Việc triển khai đem lại thuận lợi cho việc thực hiện Chính phủ số, công dân số và kinh tế số không làm xáo trộn việc thực hiện trước đây. Về vấn đề này, PGS.TS Trần Quang Huyên, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân cho rằng: “Triển khai Luật Căn cước công dân, thì từ 14 tuổi bắt đầu cấp thẻ, đến 25,40 và 60 tuổi thì phải đổi. Nay chuyển thành Luật Căn cước, khi đến thời hạn cấp đổi lại, vẫn làm thủ tục như thế thôi, chỉ bỏ từ “công dân” đi thành “Thẻ Căn cước”, cũng không tốn kém về kinh phí, không có vấn đề gì”.

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đặt câu hỏi: “Có nhất thiết chỉ vì bổ sung đối tượng điều chỉnh là người gốc Việt Nam đang sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch mà phải đặt ra vấn đề đổi tên Luật?”

Giải trình về vấn đề này, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định tên gọi Luật Căn cước mang tính khoa học, bao trùm, dễ thực hiện và phù hợp với thông lệ quốc tế, thể hiện đúng bản chất của công tác quản lý căn cước là nhằm xác định rõ danh tính con người, quản lý xã hội một cách đầy đủ, toàn diện.

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an

“Việc lược bỏ cụm từ “công dân” trong tên gọi của Luật không tác động đến yếu tố chủ quyền quốc gia cũng như vấn đề quốc tịch, địa vị pháp lý của công dân Việt Nam. Chúng tôi cũng đã rà soát tất cả các luật, pháp lệnh thì việc thay đổi tên Luật cũng không có tác động gì đến việc chồng chéo, mâu thuẫn xung đột với các luật khác”, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh. Vì vậy Ban soạn thảo báo cáo và xin đưa vào nội dung giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với nội dung như vậy.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, cần giải trình tường minh, phân tích rất khách quan cả ưu điểm và hạn chế của 2 phương án. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đa số các ý kiến thành viên Thường vụ Quốc hội đều cho rằng, dù theo phương án nào cũng phải có quy định về việc cấp 1 loại giấy tờ hợp pháp nào đó cho người gốc Việt Nam sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần phân tích rõ cơ sở lý luận về khoa học căn cước, làm rõ tính bao trùm, toàn diện của vấn đề này trên cơ sở phân, căn cứ vào lịch sử của Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn, tâm lý người dân.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần rà soát thêm hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan: “Nếu đổi tên Thẻ thì phải tính toán tất cả các điều kiện bảo đảm. Đổi tên thành Luật Căn cước thì bao nhiêu luật khác phải sửa, có tạo thống nhất với hệ thống pháp luật hay không?”.

Thay mặt Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban trân trọng cảm ơn các ý kiến xác đáng, chất lượng và đầy trách nhiệm của các vị đại biểu, chuyên gia, đồng thời khẳng định, Ủy ban sẽ nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội. Theo dự kiến, dự án Luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6./.

Khắc Phục

Các bài viết khác