PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ 5 CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

07/09/2023

Chiều 7/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Đoàn giám sát chuyên đề “Việc triển khai các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030” tổ chức Phiên họp thứ 5.

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TỔ CHỨC PHIÊN HỌP LẦN THỨ 5

Toàn cảnh Phiên họp thứ 5 của Đoàn giám sát

Tham dự Phiên họp có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh - Phó Trưởng Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh - Phó Trưởng Đoàn giám sát; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên Đoàn giám sát, Tổ giúp việc Đoàn giám sát…

Phát biểu điều hành Phiên họp, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho biết, nhờ sự cố gắng, nỗ lực của các thành viên Đoàn giám sát, Tổ giúp việc cũng như sự chỉ đạo của Trưởng Đoàn và Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội, đến nay cơ bản khoảng 80% khối lượng công việc đạt yêu cầu. Đoàn đã hoàn thành báo cáo chính, báo cáo tóm tắt và dự thảo Nghị quyết về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) và một số báo cáo liên quan đến các Tổ Công tác làm việc với các địa phương.

Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành đề nghị Tổ giúp việc, Tổ Công tác tiếp tục hoàn thiện báo cáo của 2 Đoàn giám sát còn lại để hoàn chỉnh. Để bổ sung vào Báo cáo giám sát và đảm bảo tính logic, đầy đủ, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị các Tổ Công tác, Tổ giúp việc tiếp tục hoàn thiện thêm Báo cáo, cần chắt lọc thêm số liệu để bổ sung nội dung, thông tin cho báo cáo chính.

Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành

Nêu rõ mục đích của Phiên họp thứ 5 là cho ý kiến vào 2 Báo cáo quan trọng: Báo cáo tóm tắt và Dự thảo Nghị quyết về giám sát chuyên đề về các CTMTQG, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh, Phiên họp thứ 5 được tổ chức để các đại biểu cho ý kiến vào các báo cáo kết quả giám sát nhằm phục vụ cho Phiên họp thứ 26 của UBTVQH và sớm trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023.

Tại Phiên họp, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết về chuyên đề giám sát về các CTMTQG, góp ý vào các nội dung cụ thể trong báo cáo như: phần đánh giá chung, nguyên nhân, bất cập, tổn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm, giải pháp và kiến nghị.

Theo dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, Đoàn giám sát ghi nhận, đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương hoàn thành khối lượng lớn các văn bản về quản lý, chỉ đạo điều hành, hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; tổng hợp 339 kiến nghị của địa phương và ban hành Công điện 71/CĐ-TTg ngày 23.2.2023 của Thủ tướng Chính phủ phân công, giao nhiệm vụ cho 18 bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, trả lời và tham mưu, sửa đổi văn bản có nhiều vướng mắc. Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ rõ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện 3 CTMTQG như kết quả giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững, phong trào xây dựng nông thôn mới còn nặng về thành tích... Việc thành lập tổ chức, bộ máy giúp việc chưa có sự thống nhất giữa Trung ương và địa phương. Chính phủ và các cơ quan bộ, ngành liên quan còn hạn chế trong quản lý và tổ chức thực hiện các Chương trình...

Qua thảo luận, các ý kiến đánh giá Báo cáo giám sát rất công phu, bám sát đề cương, đầu tư nhiều công sức, tâm huyết và trách nhiệm với tinh thần cầu thị. Đồng thời tập trung góp ý về bố cục, cấu trúc, cách thức thể hiện của 3 CTMTQG, chỉ rõ nguyên nhân, các kết quả đạt được, đặc biệt các góp ý liên quan đến phần kiến nghị và giải pháp. Các ý kiến tại phiên họp rất xác đáng, Tổ giúp việc sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến, hoàn thiện Báo cáo, sắp xếp và điều chỉnh cho thống nhất.

Góp ý tại Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan nhấn mạnh Báo cáo giám sát đã bám sát ý chính, tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, tuy nhiên bày tỏ băn khoăn việc đánh giá giữa các Chương trình có cân bằng nhau hay không? Nhận thấy cách viết về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia còn chưa đồng nhất, nhất là CTMTQG phát triển đồng bào DTTTS&MN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan đề nghị nên có một đoạn nói về các vấn đề chung của cả 3 CTMTQG. Ngoài ra, cho rằng vấn đề giải ngân nguồn vốn ODA thể hiện trong báo cáo chưa rõ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan đề nghị xem xét thêm nội dung này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Lâm Văn Đoan đã nêu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai nhận thấy, sau khi cho ý kiến lần đầu vào Báo cáo kết quả giám sát, các thành viên của Đoàn giám sát, của Tổ giúp việc không kể ngày đêm tổng hợp Báo cáo, xây dựng và hoàn thiện Báo cáo của các bộ, ngành và địa phương mà Đoàn đã đi giám sát. Đến nay, các báo cáo thành phần của các CTMTQG đã cơ bản hoàn thành.

Nhìn chung, Báo cáo kết quả giám sát đã bám sát đề cương, công phu, dày dặn, nêu nổi bật nội dung của 3 CTMTQG cũng như khó khăn mà các CTMTQG gặp phải. Đồng thời đã đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể các nguyên nhân trong báo cáo thành phần.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị cần nhấn mạnh hơn CTMTQG xây dựng nông thôn mới đã được hỗ trợ bởi nhiều cơ chế đặc thù. Mô hình tổ chức, cơ chế làm việc còn mờ nhạt, nên đánh giá và viết lại nội dung này. Đồng thời đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các địa phương chứ không chỉ nêu trách nhiệm của Chính phủ và các bộ ngành, qua đó phải nêu cụ thể hơn trong báo cáo.

Cho rằng phần kiến nghị còn nêu chung chung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai nhận thấy, các kiến nghị này trong Báo cáo đều liên quan đến Luật Đầu tư công và Luật NSNN, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, do vậy cần sửa đổi các nội dung liên quan đến các Luật đó như thế nào. Đề nghị Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội xem xét, cho ý kiến về các nội dung này.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Cũng tại Phiên họp, nhiều ý kiến đề nghị cần cân nhắc thực hiện Sổ tay hướng dẫn theo hướng số hóa trong bối cảnh chuyển đổi số, công nghệ số, vì mỗi lần cập nhật sẽ tốn nhiều thời gian, chi phí, ảnh hưởng đến việc hướng dẫn của địa phương. Do đó, cần cân nhắc để thống nhất vấn đề này.

Đáng lưu ý, các đại biểu nhất trí với việc đề nghị bổ sung yếu tố “nhân dân” vào Báo cáo kết quả giám sát, khẳng định việc thực hiện 3 CTMTQG có tính nhân dân như: nhân dân hiến đất, nhân dân đóng góp ngày công, tích cực ứng dụng đổi mới khoa học công nghệ, nhân dân có vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Các Chương trình có sự tham gia của người dân và có đóng góp ý kiến của họ thì cần bổ sung trong Báo cáo.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân đề nghị cần thống nhất cách viết giữa 3 CTMTQG vì vẫn còn một số nội dung trùng nhau. Đồng thời đề nghị bổ sung thêm một số tồn tại, hạn chế vào Báo cáo: không lồng ghép được mà chỉ dừng lại ở chủ trương; vấn đề đối ứng của địa phương, trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hỗ trợ của NSNN đối với các Chương trình rất thấp thì vấn đề đối ứng của các địa phương càng khó khăn, dẫn đến một số dự án, tiểu dự án của Chương trình không thực hiện được. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân cũng đề nghị bổ sung việc huy động nguồn lực ngoài xã hội hóa rất khó khăn.

Góp ý về phần kiến nghị, giải pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân đề nghị nên có nhiệm vụ, giải pháp đối với 3 chủ Chương trình, kèm theo phụ lục các văn bản cần sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, báo cáo tóm tắt cần tiếp tục rút gọn lại còn 14 trang sao cho cô đọng hơn.

Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát đề nghị Tổ công tác tiếp thu tối đa các ý kiến, đưa tất cả ý kiến hay nhất vào Báo cáo giám sát, không bỏ nhận định, đánh giá nào của đại biểu và các thành viên trong Đoàn vì đây là những nhận định quan trọng, thể hiện trí tuệ của các thành viên trong Đoàn giám sát. Về vấn đề số liệu, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị thống kê số liệu cần phải dẫn nguồn và có cơ quan chịu trách nhiệm. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Báo cáo tóm tắt cần nêu vấn đề, đi thẳng vào vấn đề, lược bỏ các thành phần bổ ngữ, trạng ngữ, không trọng tâm.

Đối với từng Chương trình mục tiêu quốc gia, bên cạnh việc dẫn chiếu, nêu Nghị quyết, nêu nguồn vốn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý khi đánh giá cần bám vào từng Nghị quyết của mỗi Chương trình, xem xét đã bám vào mục tiêu của Chương trình đó hay chưa. Đề nghị Tổ giúp việc hoàn thiện Báo cáo, sắp xếp và điều chỉnh cho thống nhất.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Quang cảnh Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội phát biểu kết luận Phiên họp.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại Phiên họp.

Cho rằng vấn đề giải ngân nguồn vốn ODA thể hiện trong báo cáo chưa rõ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan đề nghị xem xét thêm nội dung này.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân đề nghị cần thống nhất cách viết giữa 3 CTMTQG vì vẫn còn một số nội dung trùng nhau. Đồng thời đề nghị bổ sung thêm một số tồn tại, hạn chế vào Báo cáo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan mong muốn những vấn đề liên quan đến cơ chế quản lý các CTMTQG nên có phần chung đánh giá về kết quả thực hiện các CTMTQG, đó là lồng ghép vốn, huy động vốn, phân cấp, phân quyền, cơ chế dự án đặc thù, cơ chế về sản xuất chuỗi giá trị...

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ trong giai đoạn tới cần đánh giá lại cơ chế phối hợp của 3 CTMTQG, nghiên cứu phương thức mới của 3 CTMTQG cho phù hợp với điều kiện của các vùng, các địa bàn trên cả nước.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương đồng tình với ý kiến của Trưởng Đoàn giám sát là số liệu phải chính xác, nhận định đánh giá phải gắn với số liệu có minh chứng.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lò Thị Việt Hà góp ý về vấn đề Sổ tay hướng dẫn thực hiện các CTMTQG./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác