PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG CHỦ TRÌ ĐOÀN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI UBND TP.ĐÀ NẴNG VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

18/07/2022

Hôm nay (18/7), Đoàn giám sát chuyên đề do Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn làm việc với UBND Tp.Đà Nẵng về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về thực hành tiết kiệm, chông lãng phí

Toàn cảnh buổi làm việc

Tham dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Phó Trưởng Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh - Phó Trưởng Đoàn giám sát; các thành viên Đoàn giám sát, các chuyên gia, khách mời tham gia Đoàn giám sát.

Phát biểu khai mạc cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh đây là chuyên đề giám sát rất quan trọng, đề nghị Tp.Đà Nẵng tập trung vào 3 vấn đề về tình hình ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đánh giá toàn diện việc quản lý sử dụng ngân sách, tài sản công, quản lý tài nguyên, sử dụng lao động, tinh giản biên chế, khó khăn vướng mắc trong thí điểm chính quyền đô thị.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường tại buổi làm việc 

Theo báo cáo của Tp.Đà Nẵng, giai đoạn 2016 – 2021, khi phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên cho các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên theo dự toán để tạo nguồn điều chỉnh tiền lương theo số dự toán Bộ Tài chính giao là gần 2,7 nghìn tỷ đồng.

Về giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, bình quân hàng năm giải ngân đạt 80-90% so với kế hoạch được giao. Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo NQ 39 của BCH TW, năm 2021, Bộ Nội vụ thẩm định đối với Đà Nẵng là hơn 17,4 nghìn chỉ tiêu, giảm hơn 2300 chỉ tiêu, đạt tỷ lệ 11,7%.

Về quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, có 81 dự án, khu đất đầu tư đã được gia hạn nhưng sau 24 tháng gia hạn vẫn chưa đưa đất vào sử dụng với tổng diện tích hơn 1700km2. Toàn địa bàn còn 326 khu đất lớn với tổng diện tích hơn 2000km2 còn tồn đọng chưa được sử dụng, xử lý. Trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra, bản án liên quan đến đất đai tại Đà Nẵng, có nhiều nội dung chưa thực hiện do vấn đề phát sinh từ thực tiễn, vướng các quy định pháp luật, một số nội dung xuất phát từ lỗi của các cơ quan nhà nước nên cần phải cẩn nhắc với lợi ích của nhà đầu tư khi thực hiện các kết luận thanh tra. Tp.Đà Nẵng kiến nghị để quản lý đầu tư xây dựng các dự án, cần thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu tư, tiến hành rà soát cắt giảm 100% dự án không nằm trong quy hoạch, thu hồi đối với các dự án quá thời hạn không triển khai theo cam kết hoặc giấy phép, tạm dừng hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả thấp, xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản.

Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được về triển khai thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Đà Nẵng còn nhiều hạn chế, để xảy ra vi phạm và thậm chí vi phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt về đất đai. Nhiều dự án tồn đọng ảnh hưởng đến đời sống dân sinh như các dự án ở quận Hải Châu kéo dài hàng chục năm, dự án Làng đại học đã kéo dài 25 năm; nhiều dự án đầu tư công, dự án chuyển tiếp chậm tiến độ, như dự án cảng Liên Chiểu, Bệnh viện Phụ Sản – Nhi, các dự án tái định cư có nguy cơ gây lãng phí lớn về nguồn lực.

Ông Nguyễn Công Long - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp

Ông Nguyễn Công Long - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp bày tỏ: “Tại Đà Nẵng, nhiều dự án treo lâu năm, gây ảnh hưởng đến nhân dân, Tổ công tác đề nghị Quốc hội có chỉ đạo xử lý dứt điểm”.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đặt vấn đề về 15.528 lô đất tái định cư, trong đó có 7225 lô không có trên thực tế cho thấy điều gì? Điều này phản ánh rằng các đồng chí làm dự án là quá thừa, có lãng phí không trong bối cảnh hiện nay, là lãng phí trong sử dụng tài nguyên….

Trước kiến nghị thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu tư xây dựng các dự án, tiến hành rà soát cắt giảm 100% dự án không nằm trong quy hoạch, thu hồi đối với các dự án quá thời hạn không triển khai theo cam kết hoặc giấy phép, tạm dừng hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả thấp, xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản, các thành viên Đoàn giám sát đặt vấn đề về việc Đà Nẵng cần có kế hoạch triển khai nội dung này một cách thực chất để đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Liên quan đến những vướng mắc, bất cập trong thực hiện các kết luận thanh tra, bản án dẫn đến lãng phí rất lớn nguồn lực đất đai tại Đà Nẵng trong hàng chục năm qua, đại diện Thanh tra Chính phủ trong quá trình thực hiện các kết luận thanh tra, bản án, nhiều nội dung chưa thực hiện do phát sinh từ thực tiễn, vướng quy định pháp lý, một số nội dung đã xảy ra từ hàng chục năm trước nên rất khó khăn trong việc xác định lại giá trị hoặc dự án; thửa đất dự án đã chuyển nhượng qua nhiều nhà đầu tư.

Ông Trần Văn Minh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ chi biết:“Quay lại thời kỳ cũ thì quy định pháp luật gỡ không nổi, cần phải báo cáo QH. Ví dụ họ là F5 rồi, kết luận thanh tra thì phải thu chứ, cái đó là cái khó”.

Về nội dung thống kê danh mục các dự án chậm triển khai liên quan đến tiết kiệm, chống lãnh phí, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Đà Nẵng nên tách thành hai nhóm danh mục cụ thể, một nhóm dự án tồn tại trước 2016 có tính đặc thù, một nhóm dự án phát sinh trong giai đoạn 2016 – 2020 để có hướng giải quyết cụ thể.

Ông Trần Quốc Phương- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu

Ông Trần Quốc Phương- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ: “Trong các dự án giai đoạn 2016 – 2021, có một nhóm tạm gọi là nhóm nguy cơ, là những dự án mà có thể được phê duyệt chủ trương hoặc thậm chí được phê duyệt quyết định đầu tư rồi nhưng chưa thực hiện. Nên việc phê duyệt mà chưa thực hiện thì có thể nói là có nguy cơ không hiệu quả trong tương lai nhưng trên thực tế chưa phát sinh về chi tiêu”.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.Đà Nẵng thừa nhận lãng phí đất đai đang là vấn đề nhức nhối của địa phương. Theo Luật Đất đai năm 2013 có quy định chủ đầu tư 12 tháng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ triển khai dự án 24 tháng thì sẽ rơi vào đối tượng phải thu hồi. Tuy nhiên đặc thù của Đà Nẵng trước đây là giao đất, cho thuê đất là không có dự án đầu tư, sau khi giao đất cho thuê đất thì chủ đầu tư mới triển khai thủ tục từ phê duyệtq uy hoạch, đánh giá tác động môi trường, dẫn đến không có cơ sở kiểm tra tiến độ sử dụng đất, và thành phố chỉ triển khai kiểm tra từ 2016.

Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.Đà Nẵng

Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.Đà Nẵng cho biết: “Sau khi kiểm tra, ban hành quyết định gia hạn 24 tháng, hết 24 tháng các chủ đầu tư vẫn không triển khai được, thì có 31 dự án, trong đó có dự án có yếu tố nước ngoài, vướng kết luận thanh tra. Đơn giản nhất là một khu đất chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì không thể thực hiện các bước như là đầu tư, cấp phép xây dựng, bị đóng băng lại”.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Thành phố Đà Nẵng nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Tổ công tác, các ý kiến thành viên Đoàn Giám sát và các cơ quan liên quan. Đoàn cũng nhận thấy còn nhiều vấn đề Thành phố cần khắc phục như về chất lượng báo cáo, sự thống nhất về số liệu, cần làm rõ nguyên nhân của các khó khăn vướng mắc, chỉ rõ trách nhiệm cơ quan tổ chức chịu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, đảm bảo nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội 

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh:“Làm rõ trách nhiệm các cấp các ngành, nhất là người đứng đầu, đề xuất giải pháp khắc phục, nhất là kết quả thanh tra kiểm tra hoạt động công vụ. Có đồng chí nói là thanh tra kiểm tra xử lý thế này thì không ai dám làm, liệu điều đó có đúng không, hay là như này sẽ giúp cho tốt hơn?”

Qua phiên họp và các ý kiến của thành viên đoàn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Thành ủy, HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng chỉ đạo thực hiện, tiếp tục câp nhật, bổ sung thông tin, số liệu, tài liệu theo đề xuất của Đoàn giám sát. Gửi thông tin báo cáo bổ sung cho Đoàn và phối hợp hoàn thiện những nội dung được yêu cầu. Thành phố cần đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật cụ thể, rõ ràng để cung cấp thông tin cho đoàn giám sát, trong đó tránh trùng lặp mâu thuẫn giữa đánh giá ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân chủ quan, khách quan, không rõ trách nhiệm của từng cấp. Những vấn đề đã rõ, thuộc phạm vi của thành phố cần chỉ đạo khắc phục ngay, không đợi khi có báo cáo và nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát.

Đối với những vướng mắc vượt thẩm quyền, Đoàn giám sát sẽ có trách nhiệm báo cáo với Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan tháo gỡ bằng cơ chế, chính sách, pháp luật và bằng các biện pháp cụ thể./.

Nguyễn Hùng

Các bài viết khác