PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ THANH LÀM VIỆC VỚI THƯỜNG TRỰC ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC

08/08/2024

Chiều 8/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh chủ trì làm việc với Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về kế hoạch chuẩn bị giám sát chuyên đề về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực; báo cáo việc tiếp thu, giải trình dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ THANH LÀM VIỆC VỚI THƯỜNG TRỰC ỦY BAN XÃ HỘI VỀ VIỆC TIẾP THU, GIẢI TRÌNH, CHỈNH LÝ 02 DỰ THẢO LUẬT

Toàn cảnh cuộc họp

Cùng dự có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; các đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục.

Tại cuộc họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ đã báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội về việc tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Thực hiện Nghị quyết số 130 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, Nghị quyết số 1114 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã xây dựng dự thảo Kế hoạch và Đề cương giám sát; xin ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội; làm việc với một số cơ quan của Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng để thảo luận, tham vấn ý kiến xây dựng Kế hoạch giám sát chi tiết, Đề cương báo cáo và các vấn đề liên quan; phân công nhiệm vụ và tổ chức thực hiện.

Theo đó, đối tượng giám sát là Chính phủ; các bộ, ngành liên quan trực tiếp đến đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực; UBND một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Nội dung giám sát nhằm đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh

Báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội về một số nội dung chủ yếu của Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về nội dung này. Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo để tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý nội dung dự thảo Nghị quyết và các văn bản liên quan.

Qua đó, một số nội dung đã có sự thống nhất giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra; còn một số nội dung tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý liên quan đến mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, phạm vi Chương trình, thời gian thực hiện chương trình, kinh phí thực hiện Chương trình, danh mục dự án đầu tư, một số nội dung của Chương trình thực hiện khác quy định của pháp luật và quy định về chính sách đặc thù trong dự thảo Nghị  quyết…

Về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), ngay sau Kỳ họp, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tổ chức cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan để thống nhất việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật và các nội dung báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tai Phiên họp thứ 36.

Về cơ bản, dự thảo Luật sau khi chỉnh lý đã thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, gồm 9 chương, 101 điều, giảm 01 điều so với dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 7.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cũng báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội về một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý liên quan đến: tên gọi và phạm vi điều chỉnh; sở hữu di sản văn hóa; chính sách của nhà nước về di sản văn hóa; các hành vi bị nghiêm cấm; kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, kiểm kê di tích, kiểm di sản tư liệu; quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và xử lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp; Quỹ bảo tồn di sản văn hóa…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh ghi nhận, đánh giá cao Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trong việc triển khai các nội dung công việc phục vụ Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; làm việc với cơ quan chủ trì soạn thảo, các bộ, ngành liên quan trong việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Một số nội dung chủ yếu về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 để phục vụ Phiên họp tháng 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kỳ họp thứ 8.

Cho ý kiến về công tác chuẩn bị phục vụ tổ chức giám sát chuyên đề, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Đoàn giám sát chuyên đề  “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”. Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã chuẩn bị cơ bản đầy đủ các tài liệu phục vụ Đoàn giám sát, như kế hoạch giám sát, đề cương giám sát, dự kiến thành phần; đề cương báo cáo các đối tượng giám sát... thể hiện quyết tâm và sự chỉ đạo sát sao của các đồng chí trong Thường trực Ủy ban.

Đồng tình với đề xuất phạm vi giám sát của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định, đây là chuyên đề giám sát có phạm vi rộng, liên ngành, có nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh, phạm vi giám sát tập trung vào việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực là phù hợp. Tuy nhiên, cần tiếp tục làm rõ trong đề cương giám sát về nội dung, đối tượng, phạm vi để trong quá trình giám sát đưa ra nhận định, kiến nghị xác đáng. Kế hoạch giám sát, Đề cương giám sát cần toát lên trọng tâm giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, nhưng cũng cần đề cập đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, để đảm bảo tính logic, bao quát, toàn diện của hoạt động giám sát.

Cơ bản đồng tình với đối tượng giám sát là các trường giáo dục chuyên biệt (trường năng khiếu, trường chuyên) Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục mở rộng đối tượng giám sát là các trường dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, các trường đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sỹ; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo và sử dụng nhân lực trong lĩnh vực nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, lưu ý Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cân nhắc yếu tố vùng, miền khi tổ chức làm việc tại cơ sở để có cái nhìn toàn diện về lĩnh vực đào tạo nghề và sử dụng nguồn nhân lực...

Một số hình ảnh tại cuộc họp:

Toàn cảnh cuộc họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu mở đầu cuộc họp

Đại biểu tham dự cuộc họp

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh báo cáo về một số nội dung liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đinh Công Sỹ

Đại biểu tham dự cuộc họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận 

Lan Hương - Phạm Thắng

Các bài viết khác