PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15
Toàn cảnh phiên họp
Theo báo cáo, đến hết năm 2021, Bộ Tài chính đã giảm 11 đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015, tương đương giảm 29,7%, đạt mục tiêu đến hết năm 2021 giảm tối thiểu 10% số đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW. Từ năm 2017 đến nay, bộ đã thực hiện giải thể, dừng hoạt động, sáp nhập, chuyển đổi thành tổ chức hành chính đối với 12 đơn vị sự nghiệp công lập. Từ năm 2015 đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện tinh giản biên chế theo quy định đối với gần 1.300 trường hợp. Đến hết năm 2023, Bộ Tài chính đã giảm 1 đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021, tương đương 3,33%.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng phát biểu tại phiên họp
Còn theo báo cáo của Bộ Nội vụ, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nội vụ tính đến hết ngày 31.12.2023 là 15 đơn vị, giảm 9 đơn vị so với năm 2015; giảm 7 đơn vị so với năm 2017; giảm 3 đơn vị so với năm 2021. Bộ đã giảm 37,5% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015, vượt mục tiêu Nghị quyết 19-NQ/TW đề ra là tối thiểu 10%; đồng thời, không có đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập mới thuộc phạm vi bộ quản lý. So với năm 2015, bộ đã giảm 728 biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước (giảm 47,2%), vượt mục tiêu của Nghị quyết 19-NQ/TW.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa phát biểu tại phiên họp
Tại buổi họp, các thành viên Đoàn giám sát cơ bản đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo chung và báo cáo bổ sung của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính; ghi nhận sự cố gắng, chủ động, nghiêm túc, trách nhiệm của 2 bộ trong việc tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về đơn vị sự nghiệp công lập, trọng tâm là Nghị quyết số 19-NQ/TW, triển khai thực hiện, tham mưu, ban hành các quy định của pháp luật về đổi mới tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thành viên Đoàn giám sát
Qua lắng nghe báo cáo từ hai bộ và từ thực tiễn tại địa phương, các thành viên đoàn giám sát đề nghị 2 bộ chỉ rõ việc yêu cầu giảm 10% số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước một cách đồng đều ở tất cả các địa phương, các ngành, lĩnh vực là chưa phù hợp, đặc biệt là với những ngành, lĩnh vực thiết yếu, cần phải tăng số biên chế để bảo đảm nhiệm vụ chính trị được giao như giáo dục, y tế… Nhưng thực tế trong năm 2022, cấp có thẩm quyền đã bổ sung gần 66 nghìn biên chế sự nghiệp cho ngành giáo dục giai đoạn 2022-2026. Do đó, đề nghị Bộ Nội vụ cho biết chủ trương thời gian tới để hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy phát biểu tại phiên họp
Có ý kiến cũng nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số nhiệm vụ 2 Bộ vẫn chưa thực hiện đúng tiến độ theo phân công của Chính phủ, như Bộ Nội vụ chưa hoàn thành việc nghiên cứu, đề xuất việc thí điểm việc thi tuyển và thực hiện thuê giám đốc điều hành tại các ĐVSNCL; chưa trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính nhà nước và ĐVSNC. Trong khi đó, Bộ Tài chính chưa ban hành Quyết định quy định khung giá dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực tài chính, chưa trình đúng thời hạn để Thủ tướng ban hành danh mục dịch vụ công cơ bản, thiết yếu sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực tài chính; Chưa ban hành Thông tư của Bộ trưởng về định mức biên chế sự nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính, nội vụ.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp
Vì vậy, Đoàn giám sát đề nghị Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính làm rõ, để khẩn trương tham mưu ban hành theo thẩm quyền các văn bản thuộc trách nhiệm được giao để triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 08/NQ-CP của Chính phủ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận phiên họp
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận sự cố gắng, chủ động, nghiêm túc, trách nhiệm của 2 bộ trong việc tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về đơn vị sự nghiệp công lập, trọng tâm là Nghị quyết số 19-NQ/TW. Tuy nhiên với những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với các đơn vị sự nghiệp công lập của 2 bộ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính khẩn trương tham mưu ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản thuộc trách nhiệm được giao để triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 08/NQ-CP của Chính phủ, quy định của pháp luật có liên quan và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức, hoạt động của ĐVSNCL thuộc Bộ và thuộc phạm vi quản lý; đẩy nhanh hơn nữa việc nghiên cứu, tổng kết, rà soát, ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị hai bộ phối hợp chặt chẽ với Đoàn giám sát để nghiên cứu đưa ra đề xuất, kiến nghị thiết thực, sát thực tiễn đưa vào Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.