PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP GÓP Ý CHUYÊN ĐỀ “HOÀN THIỆN CƠ CHẾ BẢO VỆ HIẾN PHÁP ĐÁP ỨNG YÊU CẦU XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN VIỆT NAM”

15/10/2021

Chiều 15/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Tiểu ban số 03 của Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề được phân công của Đảng đoàn Quốc hội tổ chức phiên hội góp ý dự thảo Chuyên đề số 12 “Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

 

Tham dự phiên họp còn có Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng; Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cùng các thành viên Tiểu ban số 03 là đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Ban Nội chính Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Tư pháp, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Phiên hội góp ý dự thảo Chuyên đề số 12 về “Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Triển khai nhiệm vụ xây dựng Chuyên đề số 12 “Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” nằm trong tổng thể Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Đảng đoàn Quốc hội Quốc hội thành lập Tiểu ban xây dựng Chuyên đề số 12 (Tiểu ban số 03).

Thực hiện Kế hoạch số 169-KH/ĐĐQH15-TB03 về Kế hoạch xây dựng Chuyên đề số 12, Tiểu ban số 03 đã xây dựng và hoàn thiện dự thảo Chuyên đề số 12 trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các chuyên gia.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý về Chuyên đề số 12

Theo đó, ngoài phần mở đầu, dự thảo Chuyên đề số 12 được kết cấu thành ba phần chính gồm những vấn đề lý luận về cơ chế bảo vệ Hiến pháp trong nhà nước pháp quyền; thực trạng cơ chế bảo vệ Hiến pháp trong nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; quan điểm, mục tiêu, giải pháp hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Thảo luận tại phiên họp, cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Chuyên đề số 12, các đại biểu đánh giá cao Tổ biên tập và cơ quan thường trực đã chủ động xây dựng dự thảo Chuyên đề công phu, nghiêm túc, bảo đảm tính lý luận, khoa học và thực tiễn; bảo đảm đúng tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị rà soát các nội dung của Tờ trình và dự thảo Chuyên đề số 12.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết sẽ tiếp thu tối đa ý kiến tại phiên họp, giao Tổ biên tập hoàn thiện dự thảo Chuyên đề số 12 để gửi Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề của Đảng đoàn; đồng thời đề nghị hoàn thiện Tờ trình Ban Chỉ đạo theo hướng làm rõ quá trình xây dựng Chuyên đề, lấy kiến, hoàn thiện dự thảo; các nội dung xin ý kiến Ban Chỉ đạo về những vấn đề nhận thức chung, đánh giá thực trạng và các phương án, giải pháp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, nội dung mở đầu của chuyên đề cần viết kỹ hơn, đề cập đến sự cần thiết xây dựng chuyên đề, quá trình xây dựng chuyên đề, phạm vi, kết cấu của chuyên đề; nhấn mạnh làm rõ những điểm mới của chuyên đề bởi cơ chế bảo vệ Hiến pháp là nội dung được nghiên cứu rất nhiều. Điểm mới của chuyên đề này là hệ thống quá các công trình nghiên cứu đã có trước đây, tìm ra những nội dung chung, những điểm riêng trong các công trình nghiên cứu qua đó làm rõ một số vấn đề về nhận thức chung, lý luận chung về cơ chế bảo vệ Hiến pháp ở Việt Nam; thực trạng quy định pháp luật các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và các quá trình hoạt động bảo vệ Hiến pháp. Khẳng định Chuyên đề số 12 là công trình mang tính tổng hợp các kết quả nghiên cứu trước đây và thể hiện một cách đầy đủ nhất. Chuyên đề đưa ra nhận thức chung về bảo vệ Hiến pháp, cơ chế bảo vệ Hiến pháp, các thành tố của cơ chế bảo vệ Hiến pháp; thực trạng các quy định pháp luật về các thành tố của cơ chế bảo vệ Hiến pháp; chỉ ra được bối cảnh, tình hình dự báo mới, yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện và đề xuất các giải pháp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận phiên họp 

Nội dung cụ thể của chuyên đề đề nghị soạn thảo thể hiện rõ tính kết nối trong đó kinh nghiệm thế giới, các mô hình và bài học đối với Việt Nam; thực trạng cơ chế bảo vệ Hiến pháp cần làm rõ thực trạng các quy định pháp luật hiện hành, các chủ thể, cách thức tổ chức thực hiện, vận hành; có đánh giá chung về cơ chế bảo vệ Hiến pháp được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chủ thể thực hiện phân tán khi giao cho nhiều cơ quan và vận hành theo chức năng, nhiệm vụ của mình nhưng đều nhằm một mục tiêu chung và đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, lưu ý rà soát để bảo đảm thống nhất giữa tiêu đề và nội dung, lý giải làm rõ tính hợp lý, khả thi của các giải pháp kiến nghị đề xuất, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đánh giá cao và ghi nhận trong quá trình xây dựng Chuyên đề, các thành viên Tiểu ban và thành viên Tổ biên tập đã làm việc hết sức nghiêm túc, trách nhiệm, huy động được các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, phát huy trí tuệ tập thể; đồng thời đề nghị các thành viên Tiểu ban, Tổ biên tập tiếp tục phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm để tham gia hoàn thiện Chuyên đề bảo đảm chất lượng tốt nhất trình cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Các bài viết khác