PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ NHẤT ĐOÀN GIÁM SÁT VỀ SẮP XẾP CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN, CẤP XÃ

09/09/2021

Sáng ngày 09/9, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề ''Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021'' tổ chức Phiên họp thứ Nhất, dưới sự chủ trì của Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn Giám sát.

 

Toàn cảnh Phiên họp 

Tham dự Phiên họp có: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng – Phó Trưởng Đoàn Thường trực, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh – Phó Trưởng Đoàn giám sát; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng; cùng các thành viên Đoàn giám sát.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, đây là một trong 4 chuyên đề giám sát rất quan trọng được Quốc hội thông qua cho giai đoạn 2021-2022. Việc sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định đã được Nghị quyết Trung ương số 18/NQ-TW xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn hệ thống chính trị. Tiếp đó, ngay sau khi Bộ chính trị có Nghị quyết số 37-NQ/TW định hướng chủ trương về vấn này thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12//3/2019 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021. Đây là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để tiến hành rà soát, sắp xếp những đơn vị hành chính cấp huyện, xã chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn Giám sát chuyên đề

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14, trên cơ sở các Tờ trình, Đề án của Chính phủ, trong thời gian từ tháng 10/2019 đến tháng 04/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành tổng cộng 47 Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Việc ban hành các nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính trong thời gian qua có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và tác động rất lớn đến xã hội, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong toàn hệ thống chính trị ở các địa phương, tạo hiệu ứng tích cực trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; nâng cao chất lượng và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Để xem xét, đánh giá khách quan, trung thực, toàn diện kết quả tổ chức thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm để phục vụ cho việc sắp xếp giai đoạn sau, ngày 06/9/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 288/NQ-UBTVQH15 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính  cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”

“Kết quả giám sát sẽ là cơ sở cho việc đề xuất các kiến nghị, lộ trình tiếp tục thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022-2030; kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và việc sắp xếp đơn vị hành chính cho phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn và quy trình, cách thức thực hiện, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022-2030 ” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn Thường trực

Tại Phiên họp, các đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng công bố Nghị quyết số 288/NQ-UBTVQH15 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính  cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”. Theo đó, ông Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát; Ông Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn Thường trực; Bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn; Bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy viên, Tổ trưởng Tổ giúp việc; cùng nhiều Ủy viên khác.

Phạm vi giám sát là việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 tại 45 tỉnh, thành phố thuộc trung ương thực hiện việc sắp xếp từ tháng 01/20219 đến hết tháng 6/2021. Nội dung giám sát tập trung vào việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động sau khi sắp xếp đơn vị hành chính; những thuận lợi và hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và những yếu tốt khác ảnh hưởng đến việc sắp xếp đơn vị hành chính; tác động của việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đến mục tiêu tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.

Đối tượng giám sát là Chính phủ, các cơ quan, tổ chức có liên quan, chính quyền địa phương ở các tỉnh, thành  phố trực thuộc trung ương có các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã thực hiện sắp xếp theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14.

Nội dung giám sát là kết quả thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14. Trong đó, tập trung vào việc sắp xếp, kiện toàn tỏ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động sau khi sắp xếp đơn vị hành chính; những thuận lợi và hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và những yếu tố khác ảnh hưởng đến việc sắp xếp đơn vị hành chính; tác động của việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đến mục tiêu tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.

Hội nghị cũng đã nghe Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Ủy viên, Tổ trưởng Tổ giúp việc trình bày tóm tắt dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết, các Đề cương báo cáo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương, Ủy viên Đoàn giám sát

Thảo luận tại Phiên họp, các đại biểu tập trung cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch chi tiết Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính  cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”; Tiến độ triển khai hoạt động giám sát; các Đề cương báo cáo. Đồng thời, quán triệt, thống nhất một số nguyên tắc trong cách thức triển khai hoạt động của Đoàn giám sát chuyên đề.

Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu bày tỏ quan điểm đồng tình với những nội dung cơ bản tại dự thảo Kế hoạch chi tiết cũng như các Đề cương báo cáo. Một số ý kiến đề nghị cần làm rõ, chi tiết các đề mục tại Đề cương báo cáo đảm bảo thông tin thu thập từ các báo cáo đủ dữ liệu, chất lượng và toàn diện; Cách thức tổ chức tiến hành giám sát phải linh hoạt phù hợp với tình hình diễn biến của dịch Covid -19; Báo cáo của Đoàn ĐBQH các tỉnh cần chi tiết và sâu sắc hơn; Phân tách làm rõ hơn phạm vi giám sát tránh trùng lặp trong quá trình triển khai trên thực tế; ...

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu sâu sắc, cụ thể của các thành viên Đoàn giám sát. Cơ bản nhất trí với dự thảo Kế hoạch chi tiết và các Đề cương báo cáo đề cương giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổ giúp việc khẩn trương rà soát, nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu sớm hoàn thiện các văn bản gửi xin ý kiến các thành viên Đoàn giám sát; tổng hợp, báo cáo Phó Chủ tịch Quốc hội trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9 (13/9) tới đây.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng nhấn mạnh, Kế hoạch chi tiết, các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề phải đảm bảo yêu cầu bám sát chủ trưởng của Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội và Nghị quyết só 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Lê Anh

Các bài viết khác