HÌNH ẢNH PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH DỰ PHIÊN HỌP THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

07/09/2021

Sáng 7/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật họp phiên mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đến dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

 

 

Cùng dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các cơ quan hữu quan cùng các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về sự cần thiết sửa đổi luật, mức độ đáp ứng các cam kết quốc tế, sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính khả thi của các nội dung và cho ý kiến vào các nội dung còn ý kiến khác nhau về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước và xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nêu rõ, để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ, bảo đảm phù hợp với các văn bản trong hệ thống pháp luật, nhất là các quy định của Bộ luật Dân sự, các văn bản chuyên ngành; nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật Sở hữu trí tuệ, bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ trên cơ sở phát huy ưu điểm và khắc phục những hạn chế của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, số lượng điều luật được sửa đổi, bổ sung lần này là 94 điều trên tổng số 222 điều của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành (chiếm 42%). Trước đó, Luật cũng đã được sửa đổi, bổ sung hai lần vào năm 2009 và năm 2019. Chính phủ cho rằng việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung lần thứ ba với nhiều nội dung và số lượng lớn điều luật sẽ dẫn đến bất cập trong tuyên truyền phổ biến, thi hành và áp dụng pháp luật

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương trình bày ý kiến nghiên cứu phục vụ thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về sự cần thiết sửa đổi luật, mức độ đáp ứng các cam kết quốc tế, sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính khả thi của các nội dung và cho ý kiến vào các nội dung còn ý kiến khác nhau về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước và xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Tán thành với việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, song nhiều ý kiến cho rằng không nên đổi tên dự án Luật như đề xuất của Chính phủ bởi trong quá trình thẩm tra đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và thẩm định đều thống nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Nếu đổi tên luật là đổi phạm vi sửa đổi toàn diện, khi đó phải nghiên cứu toàn bộ các quy định hiện hành, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản có liên quan; cùng với đó phải đáp ứng yêu cầu về mặt quy trình thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến tán thành việc đổi tên thành Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi)

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội về việc Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội vào cuộc sớm hơn với Chính phủ để chuẩn bị từ sớm, từ xa các nội dung, bảo đảm chất lượng tốt các dự án trình lên Quốc hội. Trong đó, các dự án luật cần tránh hai khuynh hướng là luật khung, luật ống, quy định chung dung, đồng thời tránh quy định quá chi tiết, cụ thể, ôm đồm dẫn đến luật không kịp thích nghi với cuộc sống và nhanh phải sửa đổi

Cho rằng hồ sơ dự án luật đã đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lắng nghe ý kiến thẩm tra và ý kiến của các cơ quan hữu quan tại phiên họp để nghiên cứu và có báo cáo tiếp thu giải trình ý kiến thẩm tra để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Nhấn mạnh việc bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, đăng ký đưa vào Chương trình xây dựng luật pháp luật như thế nào cần thực hiện nghiêm, do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc đổi tên luật, dẫn đến sửa đổi toàn diện. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng số lượng điều luật sửa đổi nhiều hay ít không quan trọng mà là bản chất nội dung sửa đổi. Quốc hội sẵn sàng chấp nhận sửa đổi toàn diện nếu cần thiết và khi đó sẽ trả lại hồ sơ để làm lại từ đầu theo đúng quy trình

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị hết sức chú ý các vấn đề khác như có đáp ứng cam kết quốc tế không, các nhóm quy định về sở hữu công nghiệp, nhóm quy định về quyền tác giả, quyền liên quan và nhóm vấn đề về giống cây trồng. Theo đó, cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát từng điều, nghiên cứu và có trao đổi lại với cơ quan soạn thảo, các bộ ngành liên quan để các cơ quan cùng đi đến thống nhất với tinh thần đổi mới, cơ quan soạn thảo hết sức lắng nghe, cơ quan thẩm tra trách nhiệm để có được giải pháp nhận được sự đồng thuận

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, qua nghe Tờ trình và thảo luận tại phiên họp, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật nghiên cứu hoàn thiện báo cáo thẩm tra, phản ánh đầy đủ toàn diện các ý kiến góp ý, tích cực phối hợp với cơ quan soạn thảo để đi đến đồng thuận về các vấn đề lớn, bảo đảm chất lượng dự án luật trước khi trình Quốc hội; đề nghị cơ quan soạn thảo có tiếp thu giải trình bước đầu đề trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 3 (tháng 9/2021) tới

Minh Thành

Các bài viết khác