Tỉnh Thái Bình có 3 đơn vị bầu cử, số ĐBQH được bầu là 9, số người ứng cử là 15. Riêng tại đơn vị bầu cử số 1 gồm các huyện: Vũ Thư, Hưng Hà và Quỳnh Phụ, số đại biểu Quốc hội được bầu là 3, số người ứng cử là 5.
Tại hội nghị, cử tri huyện Quỳnh Phụ và Vũ Thư đã được nghe thông tin về tiểu sử tóm tắt của các ứng cử viên do đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Bình trình bày và chương trình hành động nếu được bầu là ĐBQH khóa XV của từng ứng viên. Các ứng cử viên đều khẳng định, nếu trúng cử, với vai trò là Đại biểu Quốc hội, sẽ giữ mối quan hệ thường xuyên và gần gũi với cử tri; tôn trọng ý kiến của cử tri, kịp thời phản ánh, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và trả lời.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày chương trình hành động của mình trước cử tri.
Trong phần trình bày của mình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định nếu trở thành Đại biểu Quốc hội khoá XV sẽ tập trung công sức, trí tuệ, đề cao trách nhiệm, đóng góp có hiệu quả vào việc thực hiện các chức năng của Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Phối hợp tốt với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận để góp phần cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng thành chính sách, pháp luật, đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân cả nước nói chung và Nhân dân Thái Bình nói tiêng.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh sẽ phát huy kinh nghiệm công tác, đề xuất Quốc hội tập trung xem xét, ra quyết sách và giám sát việc thực hiện có hiệu quả hơn đối với các vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm và mong muốn như: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật; xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; phát huy sức mạnh của Nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và từng địa phương; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong toàn xã hội; cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, lãnh thổ Quốc gia; bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện chăm sóc sức khỏe, học hành, bảo đảm việc làm, an ninh, an toàn cho Nhân dân; dành sự quan tâm hơn đến những người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách, người nghèo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng bị thiên tai, hạn hán; đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng trở thành Đại biểu Quốc hội, tham gia Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thì càng phải có trách nhiệm hơn đối với sự nghiệp phát triển của tỉnh. Các đại biểu trúng cử sẽ cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể trong tỉnh thường xuyên nắm bắt thông tin, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh, nhất là các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, các khâu đột phá mà Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Đồng thời, làm tốt nhiệm vụ cầu nối giữa Thái Bình với các cơ quan Trung ương và các địa phương khác để giải quyết các công việc có liên quan, nhằm khai thác và phát huy tốt lợi thế và tiềm năng của tỉnh nhà, nâng cao thu nhập của Nhân dân, phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, phát triển nhanh, bền vững.
Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định nhắc lại lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Với tinh thần đó, , trong thời gian tới, dù ở cương vị nào các ứng cử viên cần tiếp tục học tập, rèn luyện, trau dồi đạo đức, lối sống, kiến thức và kinh nghiệm để nâng cao năng lực công tác, làm tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Cử tri đánh giá cao chương trình hành động của các ứng cử viên ĐBQH tỉnh Thái Bình.
Bày tỏ ấn tượng và đánh giá cao chương trình hành động của các ứng cử viên có nội dung cụ thể, rõ ràng, thực tiễn, có tính khả thi cao, thể hiện quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao với nhân dân, cử tri của huyện Quỳnh Phụ mong muốn các đại biểu quan tâm, lắng nghe hơn nữa hơi thở của cuộc sống để đưa cuộc sống vào nghị trường trong các lĩnh vực.
Cử tri Nguyễn Văn Dũng, thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình chia sẻ: “Mong muốn các ứng cử viên luôn có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng, thực sự có trách nhiệm trước nhân dân và phản ánh đúng những tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân tới Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ để có những quyết sách đúng đắn trong phát triển đất nước đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. Làm sao các nghị quyết của Quốc hội đưa ra sẽ sát, đúng với tình hình thực tế của đất nước và linh hoạt, phù hợp với từng địa phương. Mong muốn các vị ứng cử viên làm tròn cầu nối giữa cử tri với Quốc hội phản ánh tâm tư nguyện vọng đặc biệt là các vấn đề địa phương trong bối cảnh vừa phải phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch.”
Nhấn mạnh yêu cầu gần dân, sát dân, lắng nghe dân, ông Nguyễn Song Toàn, cử tri xã Tân Lập, huyện Vũ Thư cho rằng đây là 1 trong những điều kiện quan trọng nhất để cử tri lựa chọn ra người đại biểu của dân, do dân, vì dân. Ông cũng đề nghị các ứng cử viên cần quan tâm hơn tới công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao tại huyện Vũ Thư; nếu được trúng cử cần có những đề xuất tới Quốc hội nhằm xây dựng các cơ chế chính sách taọ điều kiện cho địa phương sớm đạt được tiêu chí đề ra: đến năm 2025 có 9 xã (chiếm 30% số xã của huyện) đạt chuẩn NTM nâng cao, các xã còn lại phấn đấu đạt từ 1 – 2 tiêu chí NTM nâng cao trở lên/năm; huyện có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Các cử tri tại huyện Vũ Thư cũng mong muốn nếu trúng cử, các đại biểu cần quan tâm hơn tới chính sách an sinh xã hội, chăm sóc đối tượng yếu thế. Cử tri Trần Thị Minh, xã Trung An chia sẻ: “Chúng tôi mong các đại biểu sẽ tập trung vào các vấn đề như chăm sóc đối tượng người có công, trong đó có nạn nhân chất độc da cam tỉnh Thái Bình nói chung, huyện Vũ Thư nói riêng; và các đối tượng nghèo, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn được sự hỗ trợ tốt hơn để xoá nghèo bền vững”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tiếp xúc cử tri tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Thay mặt các ứng cử viên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận ý kiến đóng góp của cử tri, khẳng định các ứng cử viên cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc Chương trình hành động của mình nếu trúng cử; luôn chịu sự giám sát của cử tri, đồng thời lắng nghe ý kiến góp ý của cử tri để có thể điều chỉnh Chương trình hành động thiết thực, phù hợp, hiệu quả hơn trong quá trình thực hiện.
Về chính sách với người có công với cách mạng, Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, trong chiến tranh, Thái Bình là một trong những địa phương đi đầu thực hiện phong trào “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; đồng thời là một trong ba địa phương có nhiều liệt sỹ, mẹ Việt Nam anh hùng nhất trong cả nước. Sự hy sinh của nhân dân Thái Bình cho chiến tranh rất nhiều, hiện nay cũng còn nhiều người chịu ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, hiện Chính phủ đang tiến hành sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý chính quyền địa phương phải thực hiện thật tốt công tác phòng chống dịch Covid 19 nhất là trong giai đoạn từ nay đến ngày bầu cử 23 tháng 5; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực và phương án để đảm bảo cử tri có thể thực hiện quyền bầu cử, lựa chọn ra những người ưu tú, đủ phẩm chất đại diện cho nhân dân tại Quốc hội khoá XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Quỳnh Phụ và Vũ Thư đã kết thúc các hoạt động tiếp xúc cử tri để trình bày chương trình hành động của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và các ứng cử viên tại Đơn vị bầu cử số 1, tỉnh Thái Bình./.