Kinh nghiệm của Việt Nam trong việc phát triển kinh tế tập thể và thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài

05/09/2024

Trong khuôn khổ chương trình Toạ đàm "Vai trò của Quốc hội trong xây dựng và triển khai chính sách phát triển kinh tế - xã hội" do Quốc hội Việt Nam cùng Quốc hội Lào tổ chức, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ nhiều kinh nghiệm về chính sách thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế tập thể tại Việt Nam; phát triển kinh tế hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.

Khai mạc Toạ đàm "Vai trò của Quốc hội trong xây dựng và triển khai chính sách phát triển kinh tế - xã hội"

Toàn cảnh Toạ đàm

Trải qua 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã đạt được những thành tự to lớn trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng góp tích cực cho quá trình phát triển của đất nước. Ở giai đoạn 1988 - 1990, Việt Nam thu hút được 211 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký khiêm tốn hơn 1,6 tỷ USD. Có thể nói, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mặt khác, kinh tế tập thể ở Việt Nam được hình thành, hoạt động từ lâu, tuy nhiên, bước ngoặt đánh dấu sự phát triển của loại hình kinh tế này gắn với sự đổi mới, hội nhập, kinh tế thị trường. Nhờ đó, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhất là những năm gần đây có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng; đã xuất hiện thêm nhiều loại hình, mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho các thành viên, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế quốc dân.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt

Bài học kinh nghiệm quan trọng trong triển khai các chính sách thu hút FDI

Chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam về chính sách thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế tập thể, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trải qua 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã liên tục hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thu hút và quản lý tốt hơn nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Qua nhiều lần cải cách hệ thống văn bản pháp lý, khung pháp lý của Việt Nam liên quan đến chính sách thu hút đầu tư đã cơ bản đầy đủ, được đánh giá là cạnh tranh so với các nước. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, với việc dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tục tăng qua các năm.

Đề cập tới một số điểm nổi bật trong chính sách thu hút FDI của Việt Nam, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu rõ, Việt Nam đã liên tục sửa đổi và hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư, đặc biệt là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Luật PPP,... Điều này đã tạo ra một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, giúp các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm và tin tưởng khi đầu tư vào Việt Nam với hệ thống thủ tục minh bạch, thông thoáng, thuận lợi, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, và thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng,…

Cùng với đó, Việt Nam đã tập trung đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, từ giao thông, điện lực đến viễn thông, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài trong việc vận hành và phát triển kinh doanh. Tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng và dễ dàng tiếp cận các thị trường quốc tế. Việt Nam cũng đã đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Qua quá trình triển khai các chính sách thu hút FDI, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chỉ rõ các bài học kinh nghiệm quan trọng.

Một là, cần giữ vững sự ổn định chính trị và môi trường kinh doanh minh bạch: Đây là yếu tố quan trọng nhất để thu hút FDI, giúp nhà đầu tư yên tâm và dễ dàng đưa ra quyết định đầu tư.

Hai là, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư: Chính sách phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, đồng thời hỗ trợ họ trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này bao gồm cả việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu tài sản, và giải quyết tranh chấp.

Ba là, cần có sự linh hoạt và thích ứng trong xây dựng và điều chỉnh chính sách thu hút FDI; có khả năng thích ứng cập nhật và điều chỉnh kịp thời với những thay đổi của thị trường quốc tế cũng như tình hình kinh tế trong nước.

Bốn là, chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Đầu tư vào nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để thu hút FDI. Nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ thu hút nhà đầu tư mà còn giúp họ phát triển bền vững tại Việt Nam.

Năm là, chú trọng khâu thực thi pháp luật, đưa pháp luật đi vào cuộc sống; gắn chặt trách nhiệm thực thi công vụ ở tất cả các ngành, các cấp; đồng thời nâng cao năng lực khâu kiểm tra, giám sát; chống đầu tư chui, chuyển giá, vi phạm pháp luật về môi trường,…

Về chính sách phát triển kinh tế tập thể, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Luật Hợp tác xã được Quốc hội thông qua năm 1996 đã tạo khung pháp lý quan trọng để phát triển kinh tế tập thể. Đến nay, Luật Hợp tác xã đã qua ba lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2003, 2012 và gần đây nhất là năm 2023 để phù hợp với điều kiện, yêu cầu trong từng giai đoạn phát triển của Việt Nam. Luật Hợp tác xã năm 2023 được sửa đổi, bổ sung rất toàn diện trên cơ sở của Luật HTX năm 2012, đã thể chế và cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương được nêu tại các Nghị quyết số 20-NQ/TW của Đảng.

Quản lý nhà nước về kinh tế tập thể được Đảng và Nhà nước Việt Nam xây dựng thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Ở cấp Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, bao gồm tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong tất cả các lĩnh vực trên phạm vi cả nước, các Bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, bao gồm tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý của mình theo quy định của pháp luật. Các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức đại diện, hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức khác trong việc tuyên truyền, phổ biến, tổ chức thi hành pháp luật về kinh tế tập thể; triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế tập thể.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân

Giải pháp phát triển kinh tế hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức

Liên quan tới phát triển kinh tế hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh, hợp tác xã nông nghiệp không chỉ đóng vai trò là nền tảng trong tổ chức sản xuất nông nghiệp mà còn là hạt nhân quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Mô hình hợp tác xã đã và đang góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, đồng thời cải thiện đời sống của nông dân.

Tuy nhiên, trước thách thức của biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, và yêu cầu về phát triển bền vững, hợp tác xã nông nghiệp cần chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, gắn kết chặt chẽ với các nguyên tắc của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Đây không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là cơ hội để các hợp tác xã nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và nền kinh tế quốc gia.

Chính vì vậy, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho rằng cần hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; nâng cao năng lực và nhận thức cho thành viên, người lao động của hợp tác xã, cộng đồng về sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Đồng thời phát triển thị trường và hỗ trợ các hợp tác xã tiêu thụ nông sản cũng như đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho các hợp tác xã;...

Thảo luận tại Toạ đàm, các đại biểu cho rằng, những kinh nghiệm của Việt Nam đã cho thấy góc nhìn tổng quan về các chính sách thu hút và quản lý đầu tư nước ngoại tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy hỗ trợ tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trên nhiều phương diện.

Các đại biểu cũng nhận thấy, Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã với nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể tiếp tục được ban hành và triển khai thực hiện. Theo đó từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững; ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.

Cùng với đó mở rộng quy mô, thu hút nông dân, người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tham gia, đưa hợp tác xã nông nghiệp trở thành mô hình kinh tế - xã hội quan trọng ở khu vực nông thôn; góp phần nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho người nông dân, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo điều kiện, động lực thu hút đầu tư, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Cũng tại toạ đàm, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về tổng quan Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Các đại biểu hai nước đều thống nhất thông tin và các bài học kinh nghiệm từ Toạ đàm rất hữu ích, thiết thực cho mỗi quốc gia trong xây dựng hoặc tiếp tục hòa thiện các cơ chế, chính sách hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của hai nước trong tình hình mới; góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa Cơ quan lập pháp hai nước, củng cố thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên các lĩnh vực./.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sommad Pholsena đồng chủ trì Toạ đàm

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sommad Pholsena

Các đại biểu Quốc hội Lào trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan tới thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế tập thể tại Việt Nam

Đại diện các cơ quan của Quốc hội và của Chính phủ làm rõ những vấn đề phía Bạn quan tâm

Minh Thành - Phạm Thắng

Các bài viết khác