HỘI THẢO LẤY Ý KIẾN VỚI DỰ THẢO LUẬT QUẢN LÝ VÀ ĐẦU TƯ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

16/08/2024

Ngày 16/8, tại TP. Đà Nẵng, Ủy ban Tài chính - Ngân sách phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo lấy ý kiến tham gia dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu chỉ đạo.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI LÀM VIỆC VỚI BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ỦY ĐÀ NẴNG

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh; Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh đồng chủ trì Hội thảo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc đầu tư vốn của nhà nước vào sản xuất kinh doanh cũng như việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, phù hợp với yêu cầu đặt ra của quá trình đổi mới hội nhập cũng như quá trình cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước trong những năm vừa qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại hội thảo

Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai thực hiện, vấn đề quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp đã có rất nhiều sự thay đổi, nhiều nội dung của Luật đã bộc lộ điểm bất cập, hạn chế. Điển hình như chưa tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp; chức năng quản trị hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp… Luật cũng chưa quy định đầy đủ các nội dung về cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp; các vấn đề về xác định nội hàm quản lý đối với vốn nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp cũng chưa thật sự xuyên suốt, nhất quán.

Trên cơ sở phân tích những hạn chế, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Mạnh cũng chỉ rõ những lúng túng trong việc đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng như cơ chế quản lý của các doanh nghiệp nhà nước. Những hạn chế về khuôn khổ pháp lý đã cản trở vai trò của doanh nghiệp nhà nước khiến hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như đóng góp của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư của nhà nước và nguồn lực đất nước phân bổ cho khu vực kinh tế quan trọng này.

“Nghị quyết 12-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra mục tiêu là phải cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo quản trị theo chuẩn mực quốc tế nhằm huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp để doanh nghiệp nhà nước giữ vững vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Quang cảnh hội thảo

Đây là một mục tiêu rất quan trọng, rất chiến lược đặt ra đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, để triển khai mục tiêu này thì việc xây dựng dự án Luật thay thế cho Luật hiện hành là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, rất ý nghĩa và rất cấp thiết”, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Mạnh nhấn mạnh.

Về những điểm mới trong dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách thông tin sơ bộ về 6 nhóm chính sách được thiết kế trong dự luật.

Trong đó có nhóm chính sách về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp bao gồm: các chính sách xác định vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp cũng như nội dung quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; nhóm chính sách về đầu tư, vốn nhà nước tại doanh nghiệp để xác định rõ nguồn vốn đầu tư vào doanh nghiệp. Nhóm chính sách về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bao gồm việc xác định các hình thức đầu tư của doanh nghiệp, từ đó đưa ra trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định của các chủ trương đầu tư cho tương ứng.

Nhóm các chính sách về sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm luật hóa các quy định để khắc phục những vướng mắc thực tế trong quá trình cổ phần hóa cũng như sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước những năm vừa qua. Nhóm chính sách về cơ quan người đại diện chủ sở hữu vốn bao gồm việc phân công, phân cấp thực hiện các quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước của các cơ quan chuyên trách, các tổ chức, cá nhân được giao và việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn này. Nhóm chính sách về quản trị doanh nghiệp nhằm nêu rõ những nguyên tắc quyền, trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty của doanh nghiệp nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Mạnh đề nghị các đại biểu, chuyên gia tham gia ý kiến đóng góp tích cực, thẳng thắn, đưa ra những góp ý cho các nhóm vấn đề nêu trên, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm chất lượng của dự thảo luật.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp ra đời đã xử lý xung đột lợi ích lớn nhất trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước. Đó là tách bạch quyền sở hữu vốn với quyền quản lý nhà nước; góp phần tạo nên một nền kinh tế với các nguyên tắc thị trường được tôn trọng, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế bình đẳng hơn, minh bạch hơn, làm tăng niềm tin thị trường, tăng niềm tin đầu tư từ khu vực tư nhân, doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên, Luật hiện hành cũng đã phát sinh nhiều bất cập, chưa tách bạch được chức năng đại diện vốn chủ sở hữu với chức năng quản lý doanh nghiệp dẫn đến có trường hợp các cơ quan chức năng coi toàn bộ vốn và tài sản của doanh nghiệp có vốn nhà nước là tài sản nhà nước để quản lý. Điều này dẫn đến hoạt động quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước chịu sự chỉ đạo, can thiệp chặt chẽ của nhiều cơ quan nhà nước, chưa phát huy được tính năng động, sáng tạo và vẫn xảy ra nguy cơ thất thoát vốn, Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, quá trình thẩm tra dự án Luật này cần bảo đảm nguyên tắc Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn nhưng không can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh, quản trị của doanh nghiệp. Cùng với đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tạo sự chủ động, phát huy tính năng động, sáng tạo của doanh nghiệp nhà nước cùng với việc có cơ chế quản lý chặt chẽ, tránh lạm dụng làm thất thoát tài sản nhà nước; gắn trách nhiệm của đơn vị, người đại diện vốn nhà nước; tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Cùng với việc bảo đảm chất lượng, tính khả thi của dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, các quy định của Luật phải giải quyết, tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiện nay; đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước theo cơ chế thị trường định hướng XHCN.

Đối với những vấn đề mới phát sinh, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm chất lượng, hiệu quả của quá trình thẩm tra, chỉnh lý và hoàn thiện dự án luật, trình Quốc hội xem xét, ban hành được một đạo luật tốt, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và những vấn đề đặt ra.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành, địa phương, giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những nhìn nhận, đánh giá đa chiều đối với việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác